Việc 9 nữ sinh tại Nà Bản, Bắc Kạn bị rối loạn phân ly tập thể: Thông tin bị tà đạo chi phối là thất thiệt
Liên quan đến việc 9 học sinh nữ tại điểm trường Nà Bản, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, mắc chứng rối loạn phân ly tập thể, nhiều trang mạng đã gắn chuyện này với việc các em bị tà đạo chi phối.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra tâm lý học sinh tại điểm trường Bắc Kạn có 9 trẻ bị rối loạn phân ly tập thể.
Cụ thể các trang mạng đã thêu dệt chuyện ly kỳ từ những hành động của các em học sinh, hay chuyện ở một số gia đình xảy ra tình trạng tự đập phá, tiêu hủy hết các bàn thờ gia tiên, các vật dụng để thờ cúng.
Thậm chí, có người còn thêu dệt chuyện một nhóm người lạ mặt tự xưng là nhóm hành đạo tìm đến địa phương, ép người dân phải theo đạo phái của họ…
Thượng tá Đào Trọng Trang, Trưởng Công an huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, khẳng định: Đây là những thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận.
Không có chuyện tà đạo chi phối các em học sinh, gia đình các em học sinh. Cũng không có chuyện nhóm truyền đạo trái phép, lôi kéo bà con theo đạo, đập phá đồ đạc.
Lực lượng công an luôn nắm sát địa bàn và tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội vẫn ổn định, không có bất thường xảy ra.
Thầy giáo Lý Học Lâm, phụ trách điểm trường Nà Bản cho biết hiện 9 học sinh đã đi học trở lại, sức khỏe bình thường và hòa đồng với các bạn khác cùng lớp.
Trên địa bàn đa số các gia đình là dân tộc Mông, tính tình chất phác, luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cô giáo Lưu Thị Uyên, hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Lạc chia sẻ việc các em học sinh ở điểm trường Nà Bản mắc chứng rối loạn phân ly tập thể đã có các bác sỹ, chuyên gia đầu ngành khám và kết luận; nhà trường luôn chăm sóc và động viên các em.
Các học sinh ở điểm trường Nà Bản đều chăm ngoan, đi học đều, tuy điều kiện còn nhiều thiếu thốn nhưng các thầy giáo, cô giáo luôn hết mình dạy học cho các em.
Trước đó, ngày 18/12, Đoàn công tác của Bệnh viện Nhi Trung ương đã đến khám cho học sinh tại trường tiểu học Nà Bản, bước đầu xác định 9 học sinh mắc chứng rối loạn phân ly tập thể.
Các bác sỹ đang tiếp tục theo dõi, làm các xét nghiệm cần thiết để kết luận chính xác nguyên nhân.
Theo PGS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, rối loạn phân ly là chứng bệnh tâm lý không đáng sợ.
Trước mắt, các em được quay trở lại đi học bình thường, tuy nhiên gia đình và nhà trường cần theo dõi sát biểu hiện của các em.
Hướng điều trị trong thời gian tới cho các em là tăng cường dinh dưỡng, cho các em vui chơi, hoạt động trong môi trường lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực, hạn chế gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Phó Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, rối loạn phân ly chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý kết hợp với nâng cao thể trạng và bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp.
Quá trình này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ y tế, gia đình và người bệnh.
Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ rèn luyện tính cách trẻ ngay từ khi còn nhỏ, hướng dẫn trẻ biết thương yêu, chia sẻ, đương đầu với khó khăn. Gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường giáo dục, giúp trẻ biết khắc phục khó khăn, tránh các stress tâm lý trong sinh hoạt, học tập.
Bên cạnh đó cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa như ca múa nhạc, đi dã ngoại, tập thể dục, chơi thể thao và lao động tập thể…
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý, giảm sức ép từ việc học tập. Trong một tập thể nên bố trí tỷ lệ nam, nữ hài hòa.