Ứng phó với cơn bão dị thường
Sáng 23/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão Tembin – cơn bão được giới chuyên môn đánh giá là dị thường nhất trong lịch sử.
Diễn biến phức tạp
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, bão Tembin đang cách phía nam đảo Palawan (Philippines) khoảng 270 km. Cơn bão đã quét qua phía nam quần đảo Philippines đồng thời tăng lên cấp 10, gió giật cấp 13. Hoàn lưu cơn bão lệch về phía bắc và tây so với tâm bão và hình thái này sẽ tồn tại đến khi bão Tembin tiệm cận vùng biển Việt Nam.
Dự báo, đêm 25 rạng sáng 26/12, bão Tembin sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Bộ. Ông Cường nhận định, mưa do bão Tembin sẽ tập trung nhiều ở phía Bắc của tâm bão. Khi bão vào khu vực quần đảo Trường Sa sẽ mạnh lên cấp 12, giật cấp 15. Nhưng khi bão di chuyển vào bờ sẽ suy yếu ở cấp 10-11, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Nhưng trong trường hợp xấu, bão vào bờ vẫn duy trì ở cấp 12, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 5 - đây là cấp độ cảnh báo rất nguy hiểm. Về lượng mưa, do bão di chuyển nhanh và có khả năng suy yếu nên lượng mưa không lớn, khoảng 100-200mm ở vùng trung tâm bão, khu vực xa hơn là 100-150mm.
Đánh giá về mức độ nguy hiểm của cơn bão này, ông Cường nhấn mạnh đây là cơn bão trái mùa, dị thường nhất trong lịch sử, từ trước đến nay chưa từng ghi nhận bão mạnh cấp 12 vào Biển Đông trong tháng 12. Ngoài ra, đến ngày 26-27/12, xuất hiện một đợt không khí lạnh mạnh kết hợp với hoàn lưu bão xa nên sẽ gây ra một đợt mưa diện rộng, từ Quảng Bình đến Phú Yên từ 150-250mm; gây ra đợt rét đậm, rét hại ở miền Bắc.
“Theo quy luật, cứ 10 năm sẽ xuất hiện một cơn bão mạnh vào cuối mùa như vậy. Nhưng chúng tôi chưa ghi nhận được cơn bão mạnh cấp 12 bao giờ”- ông Cường nói đồng thời lưu ý bão Tembin có diễn biến rất phức tạp.
Trung tâm khí tượng thủy văn cho biết khoảng ngày 26-27/12, một đợt không khí lạnh rất mạnh sẽ tràn xuống nước ta. Hoàn lưu xa của cơn bão Tembin kết hợp với không khí lạnh gây mưa lớn ở Trung Bộ, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên. Lượng mưa khoảng 150-250 mm trong 3-4 ngày. Bắc Bộ xuất hiện đợt mưa trái mùa.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý, bão Tembin được dự báo đổ bộ vào Nam Bộ - khu vực dễ bị tổn thương vì có nhiều hoạt động trên biển, địa hình bằng phẳng, hoạt động nuôi trồng thủy sản nhiều. Khu vực này ít khi có bão đổ bộ nên các thiết chế hạ tầng công cộng, nhà dân thường được xây dựng có khả năng chống chọi với mưa bão kém hơn khu vực khác. Bộ trưởng Cường đề nghị các Bộ, ngành địa phương, các đơn vị liên quan cần tuyệt đối không được chủ quan, phải chủ động ứng phó với bão; lên các phương án, kịch bản ứng phó trước khi bão đổ bộ.
Dự báo, đêm 25 rạng sáng 26/12, bão Tembin sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Bộ. Để đối phó với cơn bão này, tính đến 7h sáng ngày 23/12 các địa phương ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang đã lên phương án tổ chức di dời, sơ tán 234.222 hộ/949.460 nhân khẩu đến nơi an toàn. |
Miền Tây khẩn trương ứng phó bão số 16
Trước diễn biến của bão số 16 (bão Tembin), các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại. Tại Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã triệu tập cuộc họp khẩn để bàn các biện pháp ứng phó bão số 16, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong tỉnh khẩn trương tập trung, chủ động mọi biện pháp phòng tránh khi bão đổ bộ, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất có thể. Dự kiến có hơn 117.000 người dân ven biển của tỉnh bị ảnh hưởng, trong đó có 40.000 người phải sơ tán vào các cơ quan, trường học để tránh trú.
Bạc Liêu cũng nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động khai thác thủy hải sản trên biển cho đến khi có bản tin cuối cùng về bão Tembin mới trở lại hoạt động bình thường. Tỉnh cũng tiến hành thống kê chính xác số lượng tàu thuyền, thuyền viên còn đang trên biển, liên lạc thường xuyên để thông tin về diễn biến bão Tembin cho các tàu thuyền còn hoạt động ngoài khơi biết tìm nơi tránh trú, ra khỏi vùng nguy hiểm của bão.
Ông Lai Thanh Ẩn - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bạc Liêu cho biết trên toàn tỉnh có hơn 1.000 người sống theo tuyến rừng phòng hộ, ven biển cần được di dời khi bão đổ bộ. Các điểm trường học, trụ sở cơ quan kiên cố đã sẵn sàng tiếp nhận người dân đến tránh trú bão.
Còn tại Cà Mau, đến sáng ngày 23/12, UBND tỉnh này cho biết, có khoảng 46.000 người cần di dời, sơ tán đến nơi an toàn khi bão vào đất liền. Hiện đã liên hệ được gần 1.000 tàu thuyền, với hơn 7.900 người; tổng số tàu thuyền đang neo đậu tại bến trên 2.500 chiếc, với hơn 14.000 người. Tỉnh đã kiến nghị Trung ương xuất quỹ phòng chống thiên tai hỗ trợ cho hộ nghèo của địa phương có điều kiện chằng chống nhà cửa.