Kỷ luật Đảng và niềm tin của nhân dân
Hàng loạt quan chức vừa bị kỷ luật, cách chức cho thấy công cuộc phòng, chống tham nhũng đang rất nóng. Dư luận đánh giá cao và bày tỏ tin tưởng hệ thống chính trị sẽ trong sạch, vững mạnh.
“Quả non, chín ép”
Dư luận đặc biệt quan tâm đến trường hợp ông Lê Phước Hoài Bảo (con trai nguyên Bí thư Quảng Nam) và trước đó là Nguyễn Xuân Anh (Đà Nẵng). Mới đây nhất là trường hợp Vũ “nhôm”- Phan Văn Anh Vũ. Họ đều còn rất trẻ nhưng đã sớm thành danh. Con đường thăng tiến của họ vốn đã tốn không ít giấy mực tranh cãi và công sức của các cơ quan liên quan phải thẩm tra, thanh tra... nhưng đều có chung một câu trả lời “đúng qui trình”. Chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cơ quan chức năng vào cuộc thì trắng - đen mới được phân định rõ ràng.
Hiện tượng con quan rồi lại làm quan thời nay, đáng tiếc lại không hiếm. Nếu thực sự người được bổ nhiệm xứng đáng thì dư luận đã không bàn tán, ì xèo. Tuy nhiên, thực tế là câu trả lời sinh động nhất. Có quá nhiều “quả non, chín ép” không được đào tạo bài bản, nhưng nhờ “thứ nhất quan hệ” đã được “nhét” vào một chỗ trống nào đó bất chấp năng lực, sở trường của người được bổ nhiệm.
Điều này đã làm mất đi cơ hội của người thực tài, gây ra nhất nhiều hệ lụy, mà hệ lụy nhãn tiền là mất lòng tin của nhân dân. Rõ ràng, chính cách làm việc theo lối chủ nghĩa thân hữu, thứ nhất quan hệ đã khiến cho xã hội mất niềm tin vào đội ngũ những người lãnh đạo, đặc biệt là thế hệ lãnh đạo trẻ tuổi.
Còn nhớ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại của dân tộc. Những năm đầu sau khi chính quyền nhân dân được thành lập, đất nước đứng trước vô vàn khó khăn. Nhưng, trong những thời điểm khó khăn nhất, Đảng, Nhà nước vẫn cố gắng tạo điều kiện để mọi người Việt Nam đều bình đẳng về cơ hội phát triển, được cống hiến và hưởng lợi ích do lao động chân chính đem lại. Vì thế, về nguyên tắc, thời “Con vua thì lại làm vua…” không còn nữa.
Nhưng rồi theo thời gian, dưới nhiều hình thức biến hóa khác nhau, nội dung câu ca dao đề cập như đang trở lại trong chính quyền ở một số nơi, tại một số cơ quan, doanh nghiệp nhà nước… Đó là hệ lụy của hiện tượng cán bộ có chức có quyền “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trục lợi”.
Không phải ngẫu nhiên, gần đây dư luận lại khái quát hiện tượng gọi là “thần đồng chính trị”, “bổ nhiệm thần tốc”, “tham nhũng tương lai”! Điều đáng nói là hiện tượng nêu trên khó giấu giếm, khó lọt qua sự quan sát của báo chí, dư luận. Vấn đề cần thiết là phải xem xét một cách khách quan, nếu phát hiện sai phạm phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Cơ hội phát triển phải bình đẳng với mọi công dân. Và sự nghiêm túc này sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Đề cập vấn đề “biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: Hiện tượng “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” đã và đang xuất hiện trong một số đảng viên.
Đây là một trong các nguyên nhân phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, và Nghị quyết đã khẳng định: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng”.
Trên thực tế, điều này là sự trông đợi không chỉ của đội ngũ đảng viên, mà còn là sự trông đợi, hy vọng của xã hội. Bởi nếu không giải quyết triệt để, các hiện tượng mà Nghị quyết đề cập hoàn toàn có thể làm xói mòn uy tín của Đảng trong nhân dân, lấy đi cơ hội cống hiến của người tài năng và tâm huyết với đất nước, làm hao hụt tài sản quốc gia, biến tài sản công thành tài sản tư, giúp một số người làm giàu bất chính, đồng thời đẩy rất nhiều người khác vào tình trạng nghèo khổ.
Không có vùng cấm trong xử lý cán bộ, hàng loạt các quyết định kỷ luật cán bộ ở Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng đã cho thấy, Đảng ta nói đi đôi với làm. Siết chặt kỷ luật Đảng là để lấy lại niềm tin của nhân dân.
Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả… Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.
Ông Nguyễn Trọng Phúc.
Không thể hợp thức hóa sai phạm
Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng thì kỷ luật của Đảng là không có vùng cấm. Vừa qua Ủy ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức Đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo, trước đó là vụ Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, đây là những quyết định rất cứng rắn.
Nhìn vào những vụ việc này cho thấy đây là hiện tượng “con cha, cháu ông” thăng quan tiến chức, được bao biện là “đúng quy trình”! Trên thực tế, để “đúng quy trình” cho con cháu, người thân,… thường thì một kế hoạch rất cụ thể được triển khai sao cho có thể đưa ra hồ sơ “hợp lý”, là: sử dụng ngân sách cử đi học trên đại học (trong đó tỷ lệ cao là trường nước ngoài), kết nạp vào Đảng, liên tục bổ nhiệm từ cấp thấp đến cấp cao hơn,… để qua đó dựng nên lý lịch một cá nhân nhiều triển vọng, đào tạo bài bản, có năng lực lãnh đạo, đã qua thử thách từ thực tiễn công tác!
Một kế hoạch như thế chỉ tiến hành trót lọt khi người đứng đầu có khả năng chi phối các cá nhân, tổ chức liên quan, và tất nhiên cần có sự hỗ trợ của một số người có trách nhiệm khác. Như vậy về bản chất, đó là một kế hoạch có mục đích nhằm hoàn thành những thủ tục cần thiết như một biện pháp để hợp thức hóa việc làm sai phạm và bỏ qua yêu cầu chặt chẽ của quá trình phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng; bỏ qua yêu cầu về trình độ, năng lực, tố chất và phẩm chất lãnh đạo, quản lý mà người được bổ nhiệm cần có; nhất là bỏ qua sự sàng lọc để tìm người thật sự có tài - đức và tâm huyết phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Và đó là việc làm không thể chấp nhận…
Những quyết định kỷ luật nghiêm khắc được ban hành thời gian gần đây cho thấy, kỷ luật của Đảng không có “vùng cấm”, Đảng không dung túng, không dung thứ bất cứ sai phạm nào của đảng viên. Điều này đòi hỏi mỗi đảng viên nâng cao nhận thức, ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình, để từ đó đồng lòng thực hiện mục tiêu: “Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.
Ông Trần Văn Miều.
Giải pháp căn cơ để bịt lỗ hổng công tác cán bộ
Ông Trần Văn Miều- giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục, môi trường và phát triển, nguyên giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương dẫn ra một con số, chỉ từ đầu năm đến nay, khoảng 20 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau. Tính đến hết năm 2015, khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), trên 54.000 cán bộ, đảng viên bị xử lý; năm 2016, “thêm” khoảng 20.000 trường hợp nữa.
Rõ ràng sự suy thoái, tha hóa chưa bị chặn lại. Tôi nghĩ đây là bài học kinh nghiệm quan trọng, khi mà chưa được nửa nhiệm kỳ, dù công tác tổ chức cán bộ được làm khá chặt chẽ, nhưng vẫn để một số đối tượng không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, thậm chí là sai phạm nghiêm trọng “chen” vào đội ngũ.Vì vậy, cần những giải pháp căn cơ hơn nữa để bịt lỗ hổng trong công tác cán bộ.
Về giải pháp chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến công tác cán bộ, tôi cho rằng, chống tham nhũng cần làm tốt hơn việc kiểm soát quyền lực, đặc biệt ở bộ máy quản lý và cơ sở kinh tế của Nhà nước.
Cán bộ có chức có quyền mà không trong sạch, móc ngoặc với nhau để hình thành lợi ích nhóm sẽ gây thiệt hại lớn cho đất nước. Một số sai phạm về kinh tế của các Tập đoàn, Tổng Công ty thời gian qua là ví dụ điển hình, thất thoát, lãng phí tài sản ghê gớm. Vì vậy, các cơ quan kiểm soát như kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phải vận hành tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Cơ quan an ninh đã phát lệnh truy nã Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), 42 tuổi. Ông này được biết đến là đại gia bất động sản; là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 ở TPHCM; Chủ tịch HĐTV The Sunrise Bay Đà Nẵng, đồng thời sở hữu cổ phần trong nhiều dự án khác. Năm 2013, trong thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thanh tra một số dự án đầu tư có liên quan đến việc quản lý sử dụng đất, Thanh tra Chính phủ đã đề cập nội dung liên quan đến ông Vũ. Theo đó, khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng vào năm 2006 được UBND thành phố chuyển nhượng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc, với tổng giá trị hợp đồng là 84 tỷ đồng. Đến năm 2008, ông Hải và bà Ngọc không triển khai thực hiện dự án, đã ủy quyền cho ông Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan với giá hơn 580 tỷ đồng (thu chênh lệch hơn 495 tỷ đồng). Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, khu đất 29 ha thuộc dự án Sân golf Đa Phước giao cho Công ty cổ phần 79 thấp hơn giá thành phố quy định, làm lợi cho Công ty cổ phần 79 là 570,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là những “phi vụ” nhỏ đã được Vũ “nhôm” thực hiện mà thôi. |