Cấp sai bằng phải bị xử lý
Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Có nên không phân biệt giữa bằng chính quy và tại chức trong bối cảnh bằng cấp không phản ánh đúng trình độ năng lực trong khi lại là điều kiện cần để thăng quan tiến chức từ đó dẫn đến mua bằng cấp.
TS Nguyễn Tùng Lâm,
Trao đổi với ĐĐK, TS Nguyễn Tùng Lâm- chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, khâu hậu kiểm, kiểm tra đầu ra phải chặt chẽ. Ai cấp sai bằng, ai không học mà được cấp bằng thì phải bị kỷ luật, xử lý, truy tố.
PV:Thưa ông, ông nghĩ sao khi hiện Luật Giáo dục đại học đặt ra vấn đề không phân biệt bằng đại học chính quy và tại chức?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Luật hướng tới không phân biệt giữa bằng chính quy và tại chức, tuy nhiên nếu vẫn như cách dạy hiện nay thì vẫn là 2 tấm bằng khác nhau. Để cho 2 bằng cùng có giá trị, tôi cho rằng đào tạo phải hướng đến chất lượng giáo dục ngang bằng.
Có thể khác về thời gian chương trình nhưng mục tiêu phải hướng tới đích là trình độ ngang nhau. Lúc đó bằng chính quy hay tại chức mới tương đương nhau. Hiện vấn đề này đang có hai luồng ý kiến, có ý kiến đồng tình cho rằng không phân biệt đối xử giữa bằng tại chức và chính quy, hợp nhất thành 1 loại bằng.
Vấn đề này trước đây đã có ý kiến như vậy, nhưng đề nghị chương trình đào tạo tại chức phải tương đương với chính quy. Tức là có thể giảm đi một số cơ sở lý thuyết, chính trị. Vì người đã đi làm có hiểu biết về vấn đề này, còn sinh viên thì chưa có nên có thể giảm đi một số môn, còn riêng vấn đề tay nghề có khi phải tăng hơn.
Giờ phải thống nhất chương trình đào tạo thì mới đi đến thống nhất 1 loại bằng. Chứ chỉ nói đến bằng mà không đề cập đến chương trình đào tạo thì nhiều người tỏ ý chưa đồng tình vì chương trình tại chức hiện đang rất yếu. Muốn 2 bằng xếp như nhau thì chất lượng 2 chương trình đào tạo phải giống nhau chứ không thể lẫn lộn giữa 2 thứ.
Vậy cốt lõi không phải việc cấp bằng mà là chất lượng đầu ra của đào tạo?
- Định hướng cho 2 bằng cùng có giá trị như nhau là chuyện dễ nhưng để trình độ đào tạo 2 hệ ngang nhau là bài toán khó. Cho nên trong Luật phải ghi rõ thay đổi chương trình đào tạo từ đánh giá cho đến đầu ra phải tương đương nhau thì mới được. Muốn bớt thời gian học mà bằng như nhau là vô lý khi bản chất hiện nay đang lệch nhau quá lớn.
Ở ta vẫn chuộng bằng cấp, nhiều cơ quan tuyển dụng cán bộ, tiêu chí đầu tiên là bằng cấp chứ không đánh giá năng lực thực tế nên có việc nhiều người mua bằng cấp để thăng quan tiến chức...
- Bây giờ khâu hậu kiểm, kiểm tra đầu ra phải chặt chẽ. Ai cấp sai bằng, ai không học mà được cấp bằng thì phải bị kỷ luật, xử lý, truy tố. Chính chúng ta xem nhẹ nên nhiều nơi lợi dụng việc dễ dãi để hợp thức hóa cho đẹp lý lịch thăng quan chứ không phải học để lấy năng lực, trình độ. Tức là chỉ giải quyết vấn đề bằng cấp. Do đó bài toán này phải giải ở nhiều góc độ, nếu chỉ coi 2 bằng ngang nhau thì cũng không giải quyết được tận gốc.
Trao bằng tốt nghiệp của Đại học Công đoàn.
Thực tế cách đây vài năm, nhiều địa phương đã không nhận công chức có bằng tại chức, thưa ông?
- Họ dựa trên cơ sở thực tế vì thấy nhiều người có bằng tại chức nhưng không phản ánh đúng năng lực. Tức là bằng không phản ánh đúng trình độ, năng lực. Có người học tại chức nhưng có trình độ thật, không ai chê. Nhưng số đông có trình độ không tương xứng.
Hay ngay bằng chính quy nhưng giữa các trường đại học cũng đã có sự khác nhau về trình độ, huống hồ gì bằng tại chức; nhất là trong bối cảnh đào tạo tại chức rất nhộn nhạo, không chính quy. Dù là tại chức nhưng đào tạo cũng phải bài bản có quy trình và chuẩn đầu ra rất chặt chẽ. Ta cứ đầu vào bao nhiêu đầu ra bấy nhiêu thì làm sao có được chất lượng?
Nhiều cơ quan nhìn vào bằng cấp mới nhận hồ sơ nhưng đã đến lúc cần nhìn vào chất lượng thay vì tấm bằng vì có thể có việc mua bằng để hợp thức hóa thưa ông?
- Muốn vậy, chất lượng đào tạo phải được đánh giá chặt chẽ, khoa học, thông minh. Chứ cứ như hiện nay là khó, chất lượng giáo dục của ta sẽ suốt đời lẹt đẹt đi sau các nước.
Theo ông Luật Giáo dục đại học đã đi trúng vào những vấn đề bất cấp của giáo dục hiện nay hay chưa?
- Hiện trong giáo dục có rất nhiều bất cập phải lựa chọn vấn đề để tập trung giải quyết dứt điểm tránh tình trạng quy định nhiều nhưng không làm được.
Thí dụ như miễn học phí cho học sinh cấp 2 thì phải tính xem nguồn lực có đủ không? Rồi vấn đề mầm non. Mầm non là lứa tuổi không được phép sai lầm, nếu sai lầm ở lứa tuổi mầm non sẽ để lại di chứng rất nặng. Tuổi đó phải được nuôi dưỡng, giáo dục đúng phương pháp.
Do đó theo tôi trong giáo dục bây giờ phải bắt đầu lại từ việc nhìn nhận lại giáo dục mầm non và tiểu học vì các nước họ tập trung vào 2 cấp học này. Còn ta lại tập trung cho trung học phổ thông, đại học, cao đẳng cho nên dồn hết tiền vào đó.
Ngay khâu đầu đã sai thì phải sửa sai tập trung vào để giải quyết. Chúng ta thấy các khu công nghiệp, đô thị mọc lên như nấm nhưng thiếu trường mầm non, tiểu học. Các khu đô thị, công nghiệp muốn vận hành phải đảm bảo điều kiện có trường học cho người dân ở đó. Hiện nhiều nơi cho xây khu đô thị, công nghiệp nhưng vẫn cứ xin nợ trường học, cuối cùng có xây trường đâu. Những cái đó phải thành chính sách cứng và đưa vào luật.
Hay các nhà trường không được tự chủ là do chúng ta không giao cho họ. Nhà trường cũng như một nhà máy, xí nghiệp, họ phải tự lo thì phải được làm chủ và chịu trách nhiệm trước việc mình làm. Chứ cấp trên quyết định vấn đề đề bạt cán bộ, rồi đưa con em xuống. Trình độ kém dạy chả được thì chất lượng giáo dục làm sao nâng được. Nếu giao cho tự chủ, họ phải chịu trách nhiệm thì họ phải chọn người có chất lượng.
Trân trọng cảm ơn ông!