Cần Thơ cấm hoạt động cảng bến, khẩn trương lo ứng phó bão Tembin

Quốc Trung - Gianh Lam 25/12/2017 06:00

Cảng vụ Đường thủy nội địa Cần Thơ đình chỉ hoạt động cảng bến, không cấp phép cho các phương tiện tàu thuyền rời bến.

Cần Thơ cấm hoạt động cảng bến, khẩn trương lo ứng phó bão Tembin

Chợ nổi Cái Răng cũng ngưng đón khách.

Thực hiện chỉ đạo của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) về chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của cơn bão Tembin (tập trung đình chỉ hoạt động cảng bến, không cấp phép cho các phương tiện tàu thuyền rời bến cho đến khi có thông báo mới nhất), ngày 24/12, Cảng vụ Đường thủy nội địa Cần Thơ đã ra thông báo đình chỉ hoạt động cảng bến, không cấp phép cho các phương tiện tàu thuyền rời bến cho đến khi có thông báo mới nhất.

Hiện Cần Thơ có 10 bến tàu khách đang hoạt động đến hết ngày 24/12 sẽ cho tạm ngưng, tiến hành đưa tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn.

Riêng tại Bến Ninh Kiều, các du thuyền cũng được thông báo cho tạm ngưng hoạt động đưa khách tham quan, ăn uống trên sông từ tối 24/12, ngày 25/12 sẽ ngưng hoạt động đưa đón khách du lịch trên sông tham quan chợ nổi Cái Răng cho đến khi có chỉ đạo cho phép hoạt động trở lại.

Thành phố đã xây dựng, triển khai công tác chuẩn bị ứng phó bão số 16, kịch bản nếu đến trưa ngày 25/12, tình hình bão diễn biến theo chiều hướng phức tạp thì thành phố sẽ có quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học 2 ngày 26 - 27/12 để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, nếu trong trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 khi đổ bộ vào đất liền, Cần Thơ sẽ tiến hành sơ tán dân tại chỗ hơn 137.000 người đến địa điểm an toàn trú bão.

Cũng trong ngày 24/12, UBND thành phố đã có công văn gửi các sở, ngành, địa phương…, trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện - Trưởng ban chỉ huy PCTT - TKCN quận, huyện khẩn trương tổ chức cuộc họp triển khai thực hiện công tác ứng phó bão số 16 chậm nhất vào sáng 25/12, báo cáo UBND thành phố trước 11 giờ 30 phútngày 25/12.

Chỉ đạo việc gia cố, nâng cấp các tuyến đê thấp để chống tràn, tổ chức lực lượng hộ đê; phát động nhân dân chằng chống nhà cửa, kiểm tra bờ bao, đê bao, có kế hoạch bảo vệ kho tàng, bến bãi, nơi chứa hóa chất, nhà cửa, cơ sở hạ tầng... tránh thiệt hại do nước tràn và gió bão gây ra. Chỉ đạo trực tiếp công tác di dời dân trên địa bàn mình đến nơi tránh trú bão an toàn theo kế hoạch của từng quận, huyện.

Các địa phương có dân sơ tán phải tổ chức các tổ đưa dân sơ tán và quản lý người sơ tán trong suốt quá trình tránh bão, các đơn vị tiếp nhận sơ tán phải thành lập các ban tiếp nhận để sắp xếp, bố trí nơi ăn, ở và chăm sóc sức khỏe cho người sơ tán. Công việc này phải được hoàn thành trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa bàn thành phố.

Trường hợp bão đổ bộ vào đất liền, đề nghị các cơ quan, đơn vị ngưng tất cả các cuộc họp để triển khai công tác ứng phó.

Quốc Trung - Gianh Lam