Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Dân tộc mình lãng mạn
Làng cổ Thanh Nhàn, gọi là thế nhưng thực chất là những con ngõ rẽ vào từ phố Trần Khát Chân, giờ gần như là trung tâm thành phố. Ngõ phố lâu không đến thấy khác đi nhiều, ngỡ ngàng hỏi cô con dâu út: Có phải nhà bác Khánh? Nhà văn ngồi trên tầng 2 nghe tiếng gọi với xuống: Con mời chị ấy lên đây!
Tuổi 85 của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh – tác giả của những tiểu thuyết đình đám: “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”, “Chuyện ngõ nghèo”… - gần như chỉ hiện diện ở một đống thuốc để trên bàn, chứ tuyệt nhiên chưa thấy dấu ấn tuổi tác trong tư duy mạch lạc và khúc triết của ông về mọi vấn đề. Vẫn một vẻ tinh anh, hóm hỉnh hiếm có, ông trò chuyện với PV Tinh hoa Việt vào một ngày đầu đông.
PV: Hàng ngày bác có vào mạng Internet không ạ?
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Có, nhưng tôi không tham gia facebook, chỉ vào mạng để đọc.
Bác còn là một dịch giả, và chắc sẽ đọc trực tiếp nhiều trang của nước ngoài?
- Tôi thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh, trước vẫn tự đọc các tác phẩm văn học bằng nguyên bản tiếng Anh, tiếng Pháp. Giờ thì cũng ít hơn vì tuổi cao rồi.
Dạo này, văn chương nước nhà có vẻ hơi yên ắng. Có phải vì thời buổi này cả người viết và người đọc bị chi phối bởi mạng xã hội không, thưa bác?
- Cũng chả phải, tôi nghĩ là mọi sự phát triển nó đều giống như cái đồ thị hình sin. Văn học cũng vậy. Không riêng gì Việt Nam, cả thế giới bây giờ bế tắc. Dạo này tôi cũng không thấy tác phẩm nào trên thế giới gây sôi nổi cả, ngay cả Pháp và Mỹ cũng không thấy. Tức là văn học hay bất cứ cái gì cũng vậy, trong sự phát triển cũng có lúc lên lúc xuống. Hình như thế giới đang đi vào đoạn đi xuống của hình sin. Nên không thấy có tác phẩm nào, ta lại càng không có tác phẩm nào đáng kể.
Ở Việt Nam nhiều nhà văn giờ cũng chiều theo ý độc giả, viết tản văn trên mạng cho dễ tương tác với bạn đọc, bằng lòng với lượng người đọc rất lớn?
- Cái gì theo thời thượng thì chả bền. Tôi nghĩ chắc họ cũng nghĩ đến các sáng tác lâu dài nhưng mà cũng khó lắm. Hình như nó là sự thoái trào chung của cả thế giới.
Theo bác thì vì sao? Có phải vì mọi sự đã đi hết biên độ của nó?
- Thế giới cũng có những dao động như quả lắc, cũng có cao trào, thoái trào, cũng có lúc ngả sang tả khuynh, có lúc ngả sang hữu khuynh. Cao trào thì cũng có lúc sẽ thoái trào.
Không hiểu khi đặt ra trường phái “hậu hiện đại”, các nhà lý luận có nghĩ tới hết hậu hiện đại thì sẽ là gì được nữa?
- Do các nhà lý luận Tây phương cứ hay đặt ra những cái tên theo trào lưu thế giới thôi. Tôi thì nghĩ cũng chả cứ trường phái nào, tác phẩm hay thì nó kích thích người đọc. Nhưng đúng là mọi thứ có vẻ đã đi hết biên độ của nó. Người ta cũng đang hy vọng một thời phục hưng mới của văn học và nghệ thuật trên toàn thế giới nhưng cũng đang thấy khó, chưa thấy dấu hiệu xuất hiện. Nếu theo tư duy của phương Đông thì “cùng tắc biến”, đến thoái trào rồi thì nó phải dấy lên một cái gì mới mẻ. Nhưng mà vẫn chưa thấy, một trào lưu thế giới mới mẻ vẫn chưa thấy có. Chỉ thấy có những sự biến động nhỏ thôi, chứ có những khuynh hướng rõ nét như thời phục hưng thì chưa thấy.
Sau cái hậu hiện đại là cái gì thì chưa thấy, mà hậu hiện đại cũng chẳng có gì hay cả. Kể cả cái hậu hiện đại, tôi cũng thấy nó chả gây nên được những tác phẩm gây “sốt sắng” nào, đọc cũng không đọc nổi. Nói chung là loài người đang bế tắc.
Ở phương diện gọi chung là đang bế tắc này, có vẻ nền văn học nghệ thuật ở ta đang được “đập cùng nhịp” với thế giới?
- Thời kỳ này đang là thời ồ ạt Tây phương hóa vào Việt Nam. Ta có 2 giai đoạn Tây phương hóa: Lần thứ nhất đó là giai đoạn người Pháp đến Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 và lần thứ hai là đầu thế kỷ 21 này. Nhưng nếu ở lần thứ nhất chúng ta chỉ ảnh hưởng của Pháp là chủ yếu thì ở lần thứ 2 này chúng ta đang chịu sự ảnh hưởng của toàn thế giới.
Thưa bác, lần này có lẽ phải gọi là thời kỳ toàn cầu hóa, vì lần trước chúng ta ảnh hưởng chủ yếu từ văn hóa Pháp, còn lần này không phải chỉ là Tây phương hóa?
- Gọi là toàn cầu hóa, nhưng sự thực là Tây phương hóa. Bởi vì tất cả đều chỉ là phái sinh của văn hóa Tây phương, tất nhiên nó có màu sắc của toàn cầu, nhưng cái thực chất, cái cội rễ, cái cốt lõi bên trong là văn hóa Tây phương. Mỹ cũng là phái sinh của văn hóa Tây phương, các nước châu Á cũng vậy thôi, đều là những sự phái sinh. Tức là chúng ta đang toàn cầu hóa nhưng thực ra là Tây phương hóa.
Tôi nghĩ thế này, sau đợt Tây phương hóa ồ ạt lần thứ nhất nó đẻ ra Văn học Việt Nam hiện đại. Tức là văn học Việt Nam hiện đại là sản phẩm của Tây phương hóa. Bây giờ Tây phương hóa ồ ạt lần thứ 2 này, nó sẽ kết tinh và cho mình một giai đoạn rực rỡ mới chăng? Tôi nghĩ thể nào nó cũng ảnh hưởng và tạo ra một tầng lớp tinh hoa mới. Sẽ có! Nhất là một thế hệ thanh niên bây giờ mang ảnh hưởng toàn cầu chắc chắn sẽ có kết tinh, sẽ tạo ra một thời kỳ mới mẻ nào đấy, chỉ là chưa biết lúc nào nó sẽ xuất hiện thôi. Tôi nghĩ thế và vẫn đang chờ.
Thưa bác, đầu thế kỷ 20, tinh hoa văn hóa phương Tây vào Việt Nam và được tiếp nhận cũng bởi giới tinh hoa Việt Nam khi ấy nên mới tạo ra một thời kỳ cực kỳ rực rỡ không phải chỉ văn học mà tất cả các ngành nghệ thuật. Còn ở cuộc toàn cầu hóa lần này, e là bác hơi lạc quan chăng khi mọi thứ ồ ạt vào ngoài cái tốt đẹp còn bao gồm cả rác và chủ thể tiếp nhận cũng không phải chỉ có giới tinh hoa?
- Đừng lo, văn hóa bao giờ cũng có chọn lọc. Trên phương diện chung hiện nay nó đang ồ ạt, đang tạp, nhưng rồi cốt lõi thì văn hóa sẽ có chọn lọc lấy cái tinh hoa. Tinh hoa của người Việt sẽ chọn lọc lấy tinh hoa của thế giới vào Việt Nam.
Văn hóa là quá trình chọn lọc. Trong quá trình “ăn ở” với nhau, hòa trộn với nhau nó sẽ chọn lọc những tốt đẹp của nhau, những cái tốt đẹp nó sẽ được chọn lọc. Đó là quá trình acculturation – tiếp biến văn hóa. Nó không chỉ là sự đơn giản là đi qua nhau, mà là sự tiếp biến. Chứ không phải chỉ là sự tiếp xúc đơn giản không đâu.
Vâng, hiện nay sự tiếp nhận văn hóa thế giới rất toàn diện. Nếu như trước kia, chúng ta phải chờ vài năm, thậm chí hàng chục năm mới được đọc một cuốn sách, xem một bộ phim của nước ngoài, nghĩa là ta tiếp nhận nó sau thế giới nhiều năm. Bây giờ thì khác, một bộ phim ra rạp ở Bắc Mỹ thì cũng đồng thời có mặt ở Việt Nam. Một cuốn sách phát hành ở châu Âu chỉ vài tháng đã được dịch in ở Việt Nam. Internet khiến người ta tiếp xúc với văn hóa nước ngoài không giới hạn. Trên đường phố đầy rẫy quán ăn phong cách Hàn, Nhật, Thái… Đó là cái khác của cuộc “xâm thực văn hóa” của thời kỳ hội nhập này so với trước kia. Nhưng với thuận lợi ấy, tiếp biến văn hóa diễn ra thế nào chắc phụ thuộc vào tâm thế và nhận thức của chủ thể tiếp nhận?
- Đúng, văn hóa là quá trình chọn lọc nhưng người tiếp nhận là người Việt Nam thì phải như thế nào? Mình phải có nền tảng văn hóa của mình như thế nào thì mới có được tiếp biến văn hóa. Chứ nếu mình không có gì thì nó sẽ đồng hóa mình. Nếu mình có một cái gì ở bên trong thì cái yếu tố nội sinh sẽ tác động với yếu tố văn hóa ngoại lai để thành cái mới. Cái này thì tự từng cá nhân, nhất là giới trí thức, tinh hoa trong xã hội phải vận động, thúc đẩy được cho tất cả mọi người tự tạo cho mình nền tảng đủ để tiếp nhận. Phải có đồng xu sẵn có trong mình chứ, không có tiền đối ứng thì làm sao, chỉ toàn nhờ bên ngoài thì không được. Chắc là phải thế, phải tạo cho xã hội có một nền tảng văn hóa nhất định, cả xã hội làm cùng tự tạo cho mình, các nhà quản lý phải có chính sách, nỗ lực để cả dân tộc phải có đủ vốn liếng.
Dù thế nào chúng ta cũng đang chờ một thời kỳ rực rỡ mới…
- Tôi nghĩ thế hệ trẻ bây giờ cũng đầy ước vọng và những ước mơ lớn sẽ tạo những văn hóa mới và những tác phẩm mới. Nhưng bây giờ nó chưa phát lộ vì chưa đủ chín muồi. Phải đủ chín thì nó mới acculturation, nó mới tiếp biến. Nó phải có lượng thế nào thì mới đổi thành chất, hiện nay chưa đến giai đoạn ấy. Ta chưa thấy nhưng chắc chắn là sẽ có. Bây giờ tuổi trẻ đã được đi khắp thế giới rồi.
Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
Bác có thường xuyên đọc văn học trẻ trong nước không? Và có nhận ra dấu hiệu nào để hi vọng chưa ạ?
- Tôi vẫn đọc thường xuyên. Nhưng tôi chưa có hi vọng, chưa thấy. Sự cố gắng của giới trẻ thì tôi thấy, nhưng tôi chưa thấy có tác giả nào mới mẻ vượt lên mặt bằng chung.
Cũng có những cố gắng để nhận được tác động qua lại của người đọc trên mạng, nhưng văn học mạng cũng chưa đem lại một cái gì. Có thể nó sốt dẻo hơn nhưng để tạo ra sản phẩm mới hay ho thì chưa có, tôi chưa thấy.
Mà bối cảnh bây giờ thì cũng không đổ lỗi cho những bó buộc xã hội được khi mà việc xuất bản ngày nay rất cởi mở?
- Sự in ấn một cuốn sách bây giờ quá dễ dàng. Vật chất xã hội đang thúc đẩy quá trình dân chủ hóa. Dân chủ bây giờ đang rất rộng rãi. Chỉ sợ không có tài năng. Tài năng vẫn là khó nhất.
Đây là một nghịch lý, khi không còn bị bó buộc, có vẻ như lại không xuất hiện tác phẩm lớn?
- Vấn đề dân chủ là do từng cá nhân. Không ai cấm được ngòi bút. Nhà nước cấm như thế nào thì tôi vẫn viết, tôi vẫn viết ra. Ai cấm được tôi viết, chưa in thì tôi để trong ngăn kéo, ai cấm được. Chỉ do sự bạc nhược cá nhân mà anh mới không viết được. Tự do của nhà văn là do tự do nội tại của từng cá nhân, sự can đảm, sự lương thiện của từng cá nhân quyết định nhiều hơn là sự bó buộc của bên ngoài. Nếu không viết được, phải trách nhất là sự tự do nội tại của nhà văn, tức là nội tự do của từng cá nhân. Chứ không phải do xã hội.
Không ai cấm đoán được tài năng. Cuộc đời nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là minh chứng cho điều ông vừa nói. Những tác phẩm được ông viết ra, cho vào ngăn kéo, ở vào những thời kỳ cùng cực nhất. Nhưng nếu có ý kiến cho rằng nếu sách của ông được in ngay vào những năm tháng ấy biết đâu, ông còn đủ động lực để viết thêm nhiều tác phẩm khác, có thể lớn hơn “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Chuyện ngõ nghèo”…?
- Phải có bột mới gột nên hồ, mình chỉ có trải nghiệm ngần ấy thì chỉ viết từng ấy. Cái thời bao cấp có lẽ tôi cũng chỉ viết được ngần ấy thôi, không thể viết hơn được nữa. Không thể bôi ra cái gì cũng viết được đâu. Chỉ có một số vấn đề mình suy ngẫm, phải có suy ngẫm kỹ càng, phải có trải nghiệm thì mới viết được chứ. Viết thì phải có những đề tài mình thôi thúc chứ không phải bạ cái gì cũng viết được. Nói chung là khi đã viết cuốn sách thì phải có sự suy ngẫm chán chê mê mỏi rồi mới viết.
Nói như vậy là dù thế nào, nhà văn có tài năng thì cũng sẽ viết được ngần ấy, đạt tới tầm vóc ấy, xuất hiện vào lúc nào lại còn do số phận?
- Có ngần ấy thôi, không hơn được nữa. Nhưng cũng phải nói thêm là quy chế của xã hội có ảnh hưởng đến nhà văn ở chỗ này: Nếu một xã hội biết khuyến khích sự tự do thì tài năng sẽ nở rộ hơn, còn nếu hạn chế thì cái anh chàng nhà văn nó vốn đã tự hạn chế nó nhiều rồi lại thêm sự kiềm chế của bên ngoài nữa thì nó sẽ làm thui chột sự tự do đi thôi. Chứ còn sự tự do ấy nhà văn nên trách ở mình nhiều hơn.
Bằng sự trải nghiệm cá nhân, bác nghĩ rằng trong một xã hội khi nào thì xuất hiện tài năng và tác phẩm lớn?
- Tác phẩm lớn xuất hiện là do nhiều nhu cầu. Thứ nhất là phải có tài năng nhìn ra được những vấn đề ẩn ngầm của xã hội, rồi nhu cầu của xã hội ép buộc nhà văn phải thổ lộ ra. Phải do nhu cầu xã hội thúc ép nhà văn không thể không bật ra tiếng nói của mình. Ví dụ như phải những năm 1930-1945 thì mới bật ra một cao trào hiện thực phê phán, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… là do nhu cầu xã hội rất thúc ép.
Nói như vậy thì bây giờ đang không có nhu cầu xã hội cho việc xuất lộ tài năng và tác phẩm lớn?
- Xã hội bây giờ có thể có nhu cầu nhưng mà nhu cầu cao hơn. Tức là đòi hỏi phải khái quát được xã hội ấy, phải tìm được luồng mạch ẩn ngầm và nhu cầu xã hội ấy. Vì sự tiếp xúc với thế giới nó rộng rãi hơn, nhanh nhẹn hơn thành ra người ta dễ được tiếp xúc với cái cực hay của thế giới rồi nên nhu cầu xã hội đòi hỏi cao hơn. Khi đã tiếp xúc trực tiếp với các tác phẩm trên thế giới mà có khi còn chưa thỏa mãn thì sự xuất hiện những tác phẩm trong nước dưới tầm thế giới càng không thể thỏa mãn. Nhu cầu xã hội trong giai đoạn mới này cao hơn rất nhiều, người ta tiếp xúc được với những tác phẩm nó thật cao của thế giới một cách rất nhanh chóng rồi. Như vậy nhu cầu xã hội có nhưng đòi hỏi rất cao, nên chắc phải chờ đợi lâu mới có tài năng thật sự xuất hiện. Mặt khác, để có tác phẩm lớn phải có sự thúc đẩy của xã hội, các nhà quản lý cũng phải có mong muốn tác phẩm xuất hiện để thúc đẩy cho tác phẩm ra đời.
Chỗ này tôi muốn nói rõ cái ý ở trên tôi đã nói về sự tự do của cá nhân nhà văn. Sự tự do là do cá nhân anh chịu trách nhiệm. Nhưng sự tự do cũng phụ thuộc vào xã hội. Nên nói sự tự do sáng tác, tự do tư tưởng là những điều quan trọng. Xã hội, các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo nên chú ý tạo điều kiện cho sự tự do phát triển thì mới hòng có những tác phẩm lớn. Chứ không có nước nào hạn chế tự do là có tác phẩm lớn. Phải có một nền tự do được khuyến khích thì trong tương lai mới hy vọng có tác phẩm lớn. Lẽ dĩ nhiên, từng cá nhân nhà văn nên chịu trách nhiệm về sự tự do nội tại của mình, nhưng yếu tố xã hội, yếu tố vận động cho sự tự do nảy nở là rất quan trọng, nên xã hội phải lo lắng làm sao cho có tự do đối với với những người sáng tạo.
Hiện thực xã hội thì sao thưa bác, cái như bác nói là thôi thúc nhà văn phải bật ra tiếng nói, hiện giờ xã hội đang ngổn ngang cái xấu và cái ác?
- Cái ác bao giờ cũng có, bây giờ nó cũng không nhiều hơn ngày trước đâu. Chỉ có điều khi nào những bó buộc xã hội chặt chẽ thì cái ác nó không phát triển. Chỉ có giai đoạn nào buông lỏng, cho phép quá tự do thì nó bung ra. Chứ cái ác thì bao giờ cũng có, không tránh được đâu. Tôi lại nghĩ cả cái ác, cái thiện đều có vai trò của nó trong xã hội. Cả cái ác cũng có vai trò của nó trong thúc đẩy xã hội chứ không phải chỉ có cái thiện đâu. Mặc dù đúng là cái ác có cản trở, có làm xấu xã hội đi, nhưng cũng nhờ như thế ta có ý thức được như thế và ta nhìn thấy những cái ác nó diễn ra trong xã hội như thế mà ta sẽ quay trở lại chế ngự bớt nó đi, thành ra nó có vai trò của nó.
Nếu gọi ra một tính cách dân tộc tốt và một cái xấu, bác sẽ nói gì?
- Người Việt lãng mạn, xã hội đại đồng là một ước mơ lãng mạn hình như nó theo đuổi dân tộc mình từ đời nảo đời nào. Ước vọng một xã hội thật hoàn mỹ, xã hội rất tử tế, một xã hội con người rất tốt với nhau là một ước mơ rất đẹp chứ. Ai bảo không đẹp đẽ. Và rất lãng mạn. Vốn cái lương tri con người đã thích như thế rồi. Dân tộc mình gần với tự nhiên, với thiên nhiên thành ra ý tượng lãng mạn ấy nó đeo đuổi dân tộc mình cũng lâu. Cái này vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm, tức là không thực tế.
Xin trân trọng cảm ơn bác!
Cho đến nay, những cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vẫn đang giữ kỷ lục về xuất bản. “Hồ Quý Ly” kể từ khi xuất bản lần đầu năm 2000 tới nay đã được tái bản tới 15 lần, với gần 2 vạn bản sách được bán ra. Các cuốn “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa” cũng đạt tới xấp xỉ một vạn bản. Riêng cuốn “Chuyện ngõ nghèo” xuất bản gần đây nhất cũng đã tái bản lần thứ 5. Trong đó bộ 3 cuốn tiểu thuyết đồ sộ “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa” đạt tới độ mẫu mực cổ điển và sức hấp dẫn đặc biệt mặc dù viết về những vấn đề tưởng chừng rất khó ăn khách là lịch sử và văn hóa dân tộc. |