Phác thảo bức tranh kinh tế 2017

Minh Phương 26/12/2017 09:00

Năm 2017 sắp qua đi với nhiều điểm sáng của bức tranh kinh tế. Tuy nhiên bên cạnh đó, theo đánh giá của giới chuyên gia, ngoài những điểm sáng, bức tranh kinh tế 2017 còn tồn tại những điểm tối, nổi bật là BOT và vụ Khaisilk.

Phác thảo bức tranh kinh tế 2017

Kinh tế trong năm 2017 vẫn còn những khoảng tối, trong đó có BOT giao thông.

Điểm sáng

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trong năm 2017. GDP thực tăng trưởng đạt được mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Bên cạnh đó, WB cũng đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang có những bước chuyển biến mạnh từ việc các ngành nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu.

Theo WB, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế Việt Nam vẫn là một ưu tiên trung tâm.

Xếp hạng của Việt Nam về môi trường hoạt động kinh doanh theo WB đã được cải thiện đáng kể, lên mức 68 trong năm 2017 và đứng thứ 55 trong chỉ số năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Cũng theo WB, một điểm sáng nữa đó là cán cân thanh toán của Việt Nam hiện thặng dư nhờ thương mại, kiều hối dồi dào và các luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nhu cầu bên ngoài đã giúp Việt Nam tăng cao sức mạnh xuất khẩu. Bằng chứng là sự gia tăng trên diện rộng cả về xuất khẩu nông nghiệp và sản xuất, kim ngạch xuất khẩu đạt được 174,5 USD (khoảng 86% GDP) trong 10 tháng đầu năm 2017, tăng 21,3 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo nhiều chuyên gia, một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế 2017 chính là thành quả xuất khẩu.

Cụ thể, theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), xuất khẩu không chỉ thể hiện ở những chỉ số vượt rất xa những mục tiêu đặt ra mà đằng sau đó có hai điểm quan trọng. Một là sự vươn lên của du lịch trong nước, hai là xuất khẩu hàng nông sản đặc biệt là rau quả, thuỷ sản tăng mạnh trong năm 2017.

Cũng theo TS Thành, điểm sáng không thể không nhắc đến đó là Việt Nam đăng cai tổ chức thành công APEC 2017.

Thành công này theo TS Thành, để Việt Nam chứng tỏ với thế giới năng lực của mình khi ứng xử rất tốt với các va đập trong vấn đề toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại, để cuối cùng đề ra được một tuyên bố cấp cao, đảm bảo được cái cốt lõi của APEC là thúc đẩy hội nhập, thúc đẩy tự do hoá thương mại.

Như vậy, có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. GDP đạt được như kỳ vọng dù nửa chặng đường đầu năm đầy khó khăn, đó là là cả một sự nỗ lực cố gắng của tất cả các thành phần kinh tế, của toàn xã hội.

Nổi cộm BOT, Khaisilk

Tuy nhiên, trong bức tranh kinh tế vẫn nổi lên những điểm tối, mà theo đánh giá của giới chuyên gia, đó là những vết ố của nền kinh tế. Một trong những vệt ố đó phải kể đến nỗi bức xúc của dư luận xã hội đối với một số trạm thu phí BOT giao thông mà tiêu biểu phải kể đến là trạm thu phí Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).

Một vệt ố nữa của bức tranh kinh tế được các chuyên gia nêu lên, đó là vụ gian lận thương mại Khaisilk. Có thể nói, khi Khaisilk bị phát giác, hàng triệu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước đã bị sốc, vì đó là một thương hiệu mà họ đã tin tưởng hàng chục năm nay.

Theo TS Võ Trí Thành, những sự vụ như BOT, hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái của Khaisilk… chính là những vết chàm của nền kinh tế.

Những hiện tượng tiêu cực này đang làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng. Điều này là hết sức nguy hiểm vì niềm tin là rất quan trọng trong quá trình cải cách và phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Đồng quan điểm với TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế TS Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, những sự vụ như BOT hay Khaisilk đang là những “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng doanh nghiệp.

Những điểm tối này cần phải được xóa mờ để lấy lại niềm tin trong dư luận xã hội. Bởi nếu nền kinh tế vẫn còn bị khủng hoảng niềm tin thì không thể phát triển bền vững.

Minh Phương