Khúc mắc việc giao nộp sản phẩm, hợp đồng nhận khoán
Thời gian qua, tại khu vực huyện Ea Ktur, tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra nhiều vụ lộn xộn, gây mất trật tự công cộng, mà nguyên nhân chính từ những khúc mắc trong việc giao nộp sản phẩm, hợp đồng nhận khoán giữa người lao động với các công ty cà phê đứng chân địa bàn huyện.
Tình trạng mất trật tự ở Cty cà phê Ea Ktur.
Công ty TNHH MTV cà phê Ea Ktur là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam, đứng chân tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Được sự cho phép của Tổng công ty cà phê và các cấp chính quyền địa phương, vừa qua công ty đã tiến hành tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập nhằm ôn lại truyền thống, cổ động tinh thần vượt khó của các thế hệ.
Thế nhưng trong buổi lễ, một số người dân trên địa bàn bị vận động, lôi kéo đã tụ tập trước công ty và dọc đường Quốc lộ 27 - nơi tổ chức buổi lễ với các băng rôn nội dung yêu cầu giải thể công ty,v.v..
Họ la lối om sòm, gây mất trật tự, làm ách tắc giao thông trên cả một đoạn đường. Lực lượng cán bộ của huyện trực tiếp tuyên truyền vận động, phải đến khoảng 11 giờ trưa đám đông mới giải tán.
Nguyên nhân chính là một số hộ nhận khoán và công nhân ở Công ty cà phê Ea Ktur cho rằng, số đất đai họ đang sản xuất là tự khai hoang, phục hóa, tự đầu tư 100% vườn cây.
Trong khi đó thực tế tất cả các diện tích đất đai trên là của Nhà nước giao cho công ty quản lý.
Trường hợp điển hình là hộ gia đình bà Bùi Thị Nghiến. Thực hiện Bản án số 29/2017/DSPT ngày 9/3/2017 của TAND tỉnh Đăk Lăk và Bản án số 25/2016/DSST ngày 29/9/2016 của TAND huyên Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, Chi cục thi hành án dân sự huyện Cư Kuin đã tiến hành cưỡng chế đối với bà Bùi Thị Nghiến và ông Cao Văn An ở thôn 8, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk; buộc ông bà phải giao trả đất và tài sản gắn liền trên đất cho Công ty TNHH MTV cà phê Việt Thắng, di dời tài sản, vật dụng (không thuộc tài sản chuyển giao) ra khỏi khuôn viên nhà và đất bị cưỡng chế.
Theo đó, bà Nghiến vi phạm hợp đồng khoán, làm nhà trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp (làm nhà cấp 4 diện tích trên 30 m2, mặc dù gia đình bà đã được cấp đất thổ cư ở thôn 9 xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột), nợ sản phẩm nhiều năm.
Công ty đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu giải tỏa và giao nộp sản phẩm nhưng chủ hộ vẫn không chấp hành. Tuy nhiên việc cưỡng chế cũng không thành do bị cản trở.
Trước đó, bà Nghiến cũng như một số hộ dân khác nhận khoán vườn cây. Khi cà phê già cỗi, công ty đã chủ động cho nhổ bỏ, san ủi lại vườn cây.
Do giá cà phê xuống thấp (năm 2001), Nhà nước không có chủ trương trồng lại cây cà phê, mà chuyển đổi cây trồng khác, công ty đã ký hợp đồng giao khoán với bà Nghiến và các hộ gia đình khác để canh tác trồng cây ngắn ngày.
Thế nhưng gia đình đã tự ý trồng lại cà phê trên toàn bộ diện tích đất nhận khoán. Công ty đành mời các gia đình lên làm biên bản ký kết 2 bên cùng đầu tư, với mức khoán từ 1700 kg cà quả tươi/ha xuống 1200 kg /ha.
Thế nhưng bà Nghiến không chịu, từ đó không chịu nộp sản phẩm. Sau nhiều lần vận động không thành, công ty phải khởi kiện bà Nghiến ra tòa.
Tòa án các cấp tỉnh Đắk Lắk đã buộc bà Bùi Thị Nghiến và ông Cao Xuân An phải nộp 4.898 kg cà phê tươi và 2.680.000 đồng cho Cty cà phê Việt Thắng, cũng như hủy hợp đồng thuê khoán, làm nhà ở trái phép. Không chỉ có bà Nghiến mà còn có một số hộ gia đình ở đây vẫn còn đang nợ tài sản công.
Thiết nghĩ các cấp chính quyền cần vào cuộc làm rõ, có biện pháp tuyên truyền, giải quyết dứt điểm vụ việc, không để tình trạng trên kéo dài.