Học sinh cần được tư vấn tâm lý

Dung Hòa 26/12/2017 09:00

Nhà trường bố trí phòng tư vấn tâm lý riêng (đối với trường tiểu học có thể bố trí phòng hoặc góc tư vấn tùy theo quy mô và điều kiện nhà trường) đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn; trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tư vấn.

Đây là một nội dung trong Thông tư của Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.

Theo Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà- Chuyên gia tư vấn tâm lý học đường (Trường THCS Ngô Sĩ Liên - Hà Nội), tư vấn tâm lý học đường không phải để giải quyết “phần ngọn” là áp lực, bạo lực,… mà trước tiên đơn giản là vấn đề hỗ trợ.

“Nhiệm vụ của công tác tư vấn tâm lý học đường trước tiên là người bạn thân nhất để học sinh có thể chia sẻ mọi vấn đề khúc mắc, khơi gợi và phát huy tiềm năng thế mạnh ở mỗi cá nhân. Hơn cả là góp phần ngăn chặn từ mầm mống tất cả những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do bất ổn tâm lý. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu bức thiết của việc lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh, thấy trách nhiệm giúp các em tháo gỡ những khó khăn tâm lý để học tập và phát huy thế mạnh”- bà Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, lâu nay gần như công tác tư vấn học đường còn để trống. Số trường học có bộ phận tư vấn tâm lý học đường còn quá ít so với nhu cầu của các em học sinh.

Theo hướng dẫn vừa ban hành của Bộ GD&ĐT, học sinh sẽ được tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; Tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; Tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác.

Trường học cũng tham vấn tâm lý đối với học sinh gặp khó khăn cần hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời. Giới thiệu, hỗ trợ đưa học sinh đến các cơ sở, chuyên gia điều trị tâm lý đối với các trường hợp học sinh bị rối loạn tâm lý, nằm ngoài khả năng tư vấn của nhà trường.

Cũng theo tinh thần Thông tư mới của Bộ GD&ĐT, các nhà trường có tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.

Thành phần tổ tư vấn, hồ trợ học sinh gồm: Đại diện lãnh đạo nhà trường làm Tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội.

Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành). Giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được hưởng định mức giảm tiết dạy theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Điểm lưu ý là nhà trường cần bố trí phòng tư vấn tâm lý riêng, đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn; trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tư vấn…

Dung Hòa