Mô hình điểm tại ấp Tân Hòa
Những năm trước, ấp Tân Hoà, xã Gia Hoà 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Từ khi UBMTTQ xã Gia Hòa 2 triển khai mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” điểm tại ấp Tân Hòa, hiệu quả đạt được rất bất ngờ, hiện ấp chỉ còn 6 hộ nghèo.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nhi, ấp Tân Hòa, cho biết, đầu năm 2017, gia đình chị mạnh dạn vay 20 triệu đồng, mua con bê hết 12 triệu đồng, phần còn lại đầu tư thêm ít dụng cụ, bàn ghế để bán café trước nhà. Ngoài ra vợ chồng chị Nhi còn mượn đất của bà con nuôi tôm, làm ruộng, trồng cỏ nuôi bò, nuôi gia cầm. Nhờ chăm làm, biết tích góp nên đời sống gia đình anh chị cũng từng bước được ổn định và khấm khá hơn. Hiện nay, gia đình chị Nhi đã thoát nghèo.
Cách đó không xa là trường hợp gia đình anh Đỗ Văn Ngang cũng là một tấm gương chí thú làm ăn thoát nghèo bền vững. Vợ mất, một mình anh gà trống nuôi con. Năm 2016, nhờ một chương trình từ thiện hỗ trợ cặp bò và 1,5 triệu đồng xây dựng chuồng trại, kiên trì chăm sóc hiện nay đàn bò của anh rất phát triển. Ngoài nuôi bò, anh còn làm đủ mọi nghề từ trồng mía, nuôi tôm, nuôi gà, vịt, làm thợ hồ. Đầu năm, gia đình anh được hỗ trợ vay vốn 25 triệu đồng để xây nhà theo Quyết định 33 của Chính phủ. “An cư mới lạc nghiệp, anh Ngang bảo, sau khi có nhà cửa ổn định tôi sẽ chỉ tập trung vào làm kinh tế để nhanh thoát nghèo”.
Đầu năm 2017, qua bình xét theo chuẩn nghèo đa chiều, ấp Tân Hòa có đến 27 hộ nghèo. Phải tìm cách giảm hộ nghèo, UBMTTQ xã Gia Hòa 2 đã phối hợp cùng UBND xã và các đoàn thể thành viên xuống địa bàn tìm hiểu thực tế tại từng gia đình nghèo và tổ chức họp dân để tư vấn, lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp hoặc hỗ trợ xây dựng nhà theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, riêng ở ấp Tân Hòa, 8 hộ đã được hỗ trợ vay vốn xây dựng nhà theo Quyết định 33 và 13 hộ vay vốn thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững, như: tôm - lúa, trồng hoa màu trên bờ bao, chăn nuôi bò, dê, mua bán nhỏ để phát triển kinh tế gia đình.
Bà Trần Thanh Loan - Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Gia Hòa 2 chia sẻ: “Lúc đầu, một số hộ nghèo còn tâm lý ngại vay vốn do sợ không có khả năng hoàn trả. Chúng tôi đã cố gắng vận động, thuyết phục các hộ đăng ký tham gia đồng thời tư vấn, lựa chọn mô hình có hiệu quả phù hợp với điều kiện kinh tế khả năng từng gia đình và đặc thù của địa phương để thực hiện. Có như vậy mới đảm bảo hoàn trả được nguồn vốn vay và hỗ trợ xóa nghèo bền vững”.
Chia sẻ thêm về hoạt động của mô hình, bà Trương Thị Ngọc Giào, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Gia Hòa 2 cho biết: “Thực hiện mô hình này, ngoài việc hỗ trợ nhà ở và vốn sản xuất, chúng tôi còn vận động người dân bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại rác và có hướng giải quyết phù hợp. Thời gian qua đã chứng minh mô hình hoạt động rất hiệu quả. Sắp tới sẽ cố gắng duy trì và nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn xã”.
Đây là một mô hình hiệu quả, không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn thay đổi nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.