GS. Phạm Minh Hạc: Tôi nhớ những người thầy đi dép cao su
Với hơn nửa thế kỷ cống hiến và gắn bó với ngành giáo dục, Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam được biết đến là một nhà sư phạm tận tụy, một nhà quản lý đầy tâm huyết. Trong cuộc trò chuyện về những người thầy, những thế hệ học trò ngày xưa và ngày nay, ông nhắc lại nhiều lần cụm từ “tình hình bây giờ đã khác xưa lắm rồi”. Trong ký ức của chuyên gia giáo dục này luôn có hình ảnh những người thầy giáo với bộ quần áo nâu, đi đôi dép cao su nhưn
PV: Thưa Giáo sư, trong không khí của toàn xã hội tôn vinh nghề thầy những ngày vừa qua, là người gắn bó với ngành giáo dục hơn nửa thế kỷ, ông có rất nhiều cảm xúc mỗi khi đến ngày này?
GS Phạm Minh Hạc: Tính từ năm 1982, khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký quyết định chọn ngày 20-11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam đến nay cũng đã được 35 năm. Tôi có vinh dự được chắp bút cho bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc trong ngày 20/11/1982 tại Hội trường lớn ở Ba Đình nên rất nhớ.
Nhưng không phải chỉ từ 35 năm qua, mà truyền thống tôn sư trọng đạo đã là truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc ta hàng nghìn năm nay rồi. Ngày nay truyền thống đó trở thành ngày kỷ niệm, được các trường tổ chức lễ mít tinh, các học sinh từ mọi miền cũng trở về để cảm ơn các thầy cô giáo… Thực sự, làm trong ngành giáo dục, chúng tôi thấy rất cảm động, rất vui.
Và trong ký ức của ông, vẫn sẽ luôn có những người thầy?
- Bây giờ các thầy dạy tôi những năm cấp 3 thì đa phần mất cả rồi. Trong các thầy cấp 2 dạy tôi, hiện còn 3 thầy đang sống là thầy Hoan ở Hà Nội, thầy Hồ ở TP. Hồ Chí Minh, và thầy Hinh ở Văn Điển. Trước đây tôi còn ít tuổi hơn, tầm ngoài 70 tuổi thì ngày 20-11 cũng vẫn đến chúc mừng các thầy. Thỉnh thoảng tôi cũng đến thăm các thầy, nhưng vài năm gần đây do tuổi đã cao, sức khỏe không tốt như trước nữa nên chỉ gửi thư chúc mừng.
Các thầy đều dạy tôi ở thời kháng chiến chống Pháp, rất nghèo, phần lớn các thầy giống nhau với bộ quần áo nâu, đôi dép cao su lên lớp nhưng người nào chúng tôi cũng thấy rất tận tụy. Chúng tôi luôn ghi nhớ, biết ơn và kính trọng các thầy. Các thầy khi ấy 1 tháng chỉ được nhận mấy chục cân gạo không có đồng lương nào, sống rất thiếu thốn nhưng dạy rất say sưa. Và chúng tôi thành người là rất cảm ơn các thầy...
Theo ông điều khác biệt lớn nhất của thế hệ học trò ngày nay đến trường với thế hệ ngày xưa ông đi học là gì. Qua thời gian ông nhìn nhận đánh giá như thế nào?
- Để so sánh thì mỗi thời mỗi khác nhau. Mấy chục năm nay đất nước ta hòa bình, rồi bước sang công cuộc đổi mới. Nền kinh tế cũng khác xưa rất nhiều, đã chuyển đổi hẳn sang kinh tế thị trường. Đất nước phát triển hơn, lại mở rộng hội nhập, quan hệ quốc tế rất rộng rãi. Có thể nói tình hình bây giờ khác xưa rất nhiều, cho nên hành vi của con người nói chung cũng khác xưa nhiều lắm.
Tôi ở tuổi này có một ít năm sống trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến, đi học nước ngoài và công tác cũng nửa thế kỷ nay ở ngành giáo dục, tôi cũng có một vài suy nghĩ. Trước hết phải thấy rằng thời nay khác thời xưa rất nhiều. Nói hẹp hơn, ngày xưa lễ giáo có chặt chẽ hơn, bây giờ lễ giáo không được như trước. Nhưng số người đi học ngày xưa chỉ có 5-10% thôi, còn bây giờ cả nước 22 triệu người đi học, chiếm khoảng ¼ dân số, thành ra tình hình cũng phức tạp hơn nhiều. Chắc là thời chúng tôi đi học không có chuyện trò đánh thầy, ngay cả các bạn bè chơi với nhau cũng rất thân thiện. Chúng tôi học với nhau hơn 60 năm rồi nhưng cho đến tận bây giờ, hàng năm vẫn gặp nhau 1 lần, cùng ăn một bữa cơm thân mật. Học với nhau từ cách đây hơn nửa thế kỷ mà bây giờ còn nhớ nhau... Bây giờ tình hình đã khác xưa rất nhiều…
Thứ hai, các thầy dạy bây giờ cũng đông hơn. Chúng ta có hơn 1 triệu giáo viên, trong khi ngày xưa chỉ có ít giáo viên thôi, khoảng 5% của bây giờ. Thành ra những thầy giáo lúc đó cũng được lựa chọn hơn nhiều, nên có thể khẳng định hầu hết là người tốt. Ngày nay cũng vậy nhưng vì số lượng quá đông nên vẫn còn một phần các thầy cô vi phạm kỷ luật, ở nơi này nơi khác có những chuyện rất tồi tệ mà tôi không muốn nhắc. Chuyện đó ngày xưa thời chúng tôi đi học hoàn toàn không có.
Ngày nay, báo chí và kể cả những người làm trong ngành giáo dục nhắc nhiều về tính cạnh tranh giữa các nhà trường, gọi học trò là “sản phẩm”, coi giáo dục là “hàng hóa”, với mức học phí cao thì được học ở trường với chất lượng cao hơn... Theo ông như thế mối quan hệ của thầy và trò có bị ảnh hưởng không?
- Giáo dục là dịch vụ công, không có lợi nhuận, nhưng ở ta thì một số trường tư là bị ảnh hưởng bởi lợi nhuận. Trên báo chí nêu nhiều lắm. Ngay nhà nước tư bản rất phát triển, người ta cũng chỉ có 1-2% là trường tư thục có lợi nhuận thôi, còn hầu hết không có lợi nhuận. Không có lợi nhuận nghĩa là không có tiền lãi, không chia nhau lãi suất, nếu có dư thừa thì bỏ vào quỹ công của trường. Ví dụ trường ĐH Harvard có quỹ vài chục tỉ đô la để làm nghiên cứu hoặc giúp đỡ sinh viên khó khăn, trao học bổng cho sinh viên giỏi. Còn ở ta một số trường lấy lợi nhuận chia nhau rất cao. Ở các nước trường công lập thì không có gì phải đóng góp cả, thậm chí còn được ăn trưa, một số trường thì thậm chí còn cho đồng phục. Còn ở ta trường công vẫn phải đóng góp vài trăm đến 1 triệu chẳng hạn, rồi nhiều khoản đóng góp quá. Gần đây báo chí có nhắc đến những chuyện rất đáng buồn về việc lạm thu, hiệu trưởng có liên quan đến mức bị bắt rồi ra tòa… thì chuyện này thực sự rất đáng buồn.
Tôi thấy là, trách nhiệm của nhà trường một phần thôi, còn nhà nước phải quan tâm hơn tới giáo dục. Nhà nước để trường sở thiếu, ngay ở Hà Nội thiếu mấy trăm trường, ông chủ tịch Hà Nội đã nói có hàng trăm trường đến nay phải xây dựng nhưng không xây dựng được, nhiều trường học đông quá. Còn ở những miền khó khăn như miền núi, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ chẳng hạn thì trường sở rất tồi, học hành làm sao đảm bảo? Gần đây báo chí cũng đưa tin về tình hình các trường sở khi chuẩn bị cho chương trình, sách giáo khoa mới. Theo họ thì khó khăn nhất khi thực hiện là trường sở quá thiếu, thứ hai là thầy cô giáo có đủ trình độ để thực hiện chương trình mới không? Thêm vào đó là có đủ đạo đức để thực hiện việc giáo dục cho con em mình không? Chứ người ta không lo lắm về chương trình, sách giáo khoa…
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông.
GS Phạm Minh Hạc sinh năm 1935 tại xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Sau Đại hội Đảng VI Đổi mới đất nước diễn ra vào cuối năm 1986, tháng 2-1987, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục (đến năm 1990 khi sáp nhập Bộ Giáo dục với Bộ Đại học thành Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS Phạm Minh Hạc làm Thứ trưởng thứ nhất). Ông trở thành Bộ trưởng Giáo dục giữa lúc đất nước gặp muôn vàn khó khăn sau 10 năm khủng hoảng kinh tế xã hội. Sau đổi tiền, lạm phát trên 800%, đời sống giáo viên vô cùng eo hẹp, trường học bị “vỡ” từng mảng một, giáo viên bỏ trường, một loạt trường không có người dạy, không có người học. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là giữ cho các trường đừng tan vỡ. Ông triệu tập 81 đại biểu bàn về đổi mới tư duy giáo dục, hình thành hệ tư tưởng đổi mới giáo dục tuyên bố tại Hội nghị giáo dục toàn quốc ở Vũng Tàu tháng 7 -1987. Khẩu hiệu được đưa ra lúc đó là: Khôi phục giữ vững, củng cố, ổn định và phát triển. Đầu tiên phải chấm dứt việc thầy giáo bỏ dạy, học sinh bỏ học, khôi phục lại trường lớp, giữ đến đâu phải củng cố ổn định đến đấy, sau đó mới nghĩ đến phát triển. Sau Hội nghị giáo dục toàn quốc, Bộ trưởng Phạm Minh Hạc trực tiếp chủ trì ba hội nghị ở 3 miền ở Hà Nội, Tuy Hòa, Đồng Tháp để trực tiếp trình bày các biện pháp cứu nguy giáo dục nước nhà. Các địa phương, chính quyền và nhân dân có điều kiện gì thì đóng góp vào để nuôi các thầy cô giáo, cho con em đi học để giữ lấy trường. Tư tưởng của ngành được Chính phủ chỉ đạo, quán triệt trong toàn quốc. Cuối tháng 9-1987, tình hình dần ổn định. Đời sống tối thiểu của giáo viên được đảm bảo, học sinh đến trường trở lại. |