Tăng tuổi nghỉ hưu: Cân nhắc với ngành lao động độc hại
Tại Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đề xuất lên Chính phủ 2 phương án: Một là giữ nguyên quy định hiện hành và hai là tăng tuổi nghỉ hưu kể từ 1/1/2021. Việc tăng sẽ theo lộ trình từ 1/1/2021 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Bộ này cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 2.
Mục tiêu của việc tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm bảo đảm quyền tự do việc làm của người lao động sau độ tuổi nghỉ hưu hiện hành, đồng thời tận dụng nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm và bảo đảm cân đối dài hạn quỹ hưu trí, tử tuất.
Tuy nhiên kết quả khảo sát mới nhất do Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện với hơn 5.000 phiếu gửi người lao động tại ba miền Bắc, Trung, Nam về độ tuổi nghỉ hưu thì có đến hơn 90% người lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu và cho rằng họ đã thực hiện trách nhiệm đầy đủ với quỹ và đảm bảo cân đối quỹ là trách nhiệm của cơ quan BHXH.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề. Trước hết, bảo đảm cân đối quỹ hưu trí, tử tuất. Tăng tuổi nghỉ hưu còn là giải pháp chủ động đón nhận xu hướng già hóa dân số, bởi dự báo trong tương lai gần, trung bình mỗi năm nước ta có 10% dân số hết tuổi lao động.
Tuy nhiên, theo ông Quảng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần thận trọng, không nên tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt. Bởi đối với lao động trực tiếp, lao động trong các khu vực độc hại, lao động mang tính đặc thù, tuổi nghỉ hưu nên được giữ nguyên. Việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu phải phù hợp với từng đối tượng và có lộ trình tăng thích hợp.
Trong khi đó, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội nhìn nhận, nếu áp dụng phương án 2, chúng ta sẽ mất 10 năm để tuổi nghỉ hưu của nữ ở tuổi 60 và 4 năm để tuổi nghỉ hưu của nam ở tuổi 62. Điều này sẽ có tác dụng làm chậm quá trình thâm hụt quỹ đồng thời giải quyết được một vấn đề bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ. Việc điều chỉnh tuổi, nhiều nước trên thế giới đã làm và nước nào cũng phải làm trong thời gian dài chứ không thể làm nhanh. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng trong thời gian dài để cảm nhận của người tham gia không sốc, không gây biến động lớn.
Ông Vinh cũng cho rằng, mục đích của việc tăng tuổi hưu nam và nữ, một mặt để tiệm cận, gần nhau, hướng đến việc nam nữ có tuổi nghỉ hưu bằng nhau. Việc này rất đúng vì thế giới cũng làm tương tự thế, không phân biệt đối xử. Nếu ta để tuổi hưu như cũ thì sẽ ảnh hưởng tới cơ hội việc làm, thăng tiến của phụ nữ. Đặc biệt hiện nay tuổi thọ phụ nữ còn cao hơn nam 6 tuổi trong khi phụ nữ lại nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 tuổi. Trong các quy định về tiêu chuẩn lao động quốc tế, để khác nhau như thế là vẫn phân biệt đối xử.
Cùng chung quan điểm, bà Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội cho rằng, cần đồng nhất tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như nhau, không nên có sự chênh lệch giữa nam và nữ. Vì theo Hiến pháp, quy định mọi người đều có quyền làm việc lao động như nhau nhưng nữ có quyền được nghỉ sớm hơn.
“Tuy nhiên nếu làm việc trong môi trường độc hại, hóa chất, nặng nhọc thì có thể ưu tiên cho nữ nghỉ sớm trước, và nên cho giảm tuổi đóng BHXH xuống, nếu không nữ sẽ thiệt. Bao nhiêu năm nay chúng ta cứ kéo dài tình trạng lao động nam nữ khác nhau, tuổi lao động của nam nhiều hơn nữ trong khi tuổi thọ của nữ lại cao hơn nam. ” - bà An phân tích.