Nhà báo Lê Quốc Minh: Mắc kẹt trong 'bong bóng lọc' riêng mình

Quỳnh Trang 28/12/2017 17:49

“Ưu điểm của mạng xã hội là một thông tin dễ dàng lan truyền tới nhiều người, và khi ai đó nhìn thấy nội dung họ quan tâm hoặc phù hợp với quan điểm của họ thì có thể sẽ nhấn nút “like” (thích), có ý kiến đóng góp cho nội dung đó (comment), hoặc ở cấp độ tương tác cao nhất là chia sẻ (share). Đây là điều hết sức bình thường”.

Nhà báo Lê Quốc Minh: Mắc kẹt trong 'bong bóng lọc' riêng mình

Nhà báo Lê Quốc Minh (Phó Tổng giám đốc Thông Tấn Xã Việt Nam -Tổng Biên tập Báo VietnamPlus) bày tỏ quan điểm về các cách thức sử dụng mạng xã hội một cách hiểu biết và đúng đắn với Tinh Hoa Việt:

“Nhưng có nhiều người chia sẻ mà chỉ cần nhìn tiêu đề hoặc một phần nội dung phía trên chứ không đọc toàn bộ, hoặc thậm chí “share trước, đọc sau.” Có một tình trạng trên mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung hiện nay gọi là “bong bóng lọc” (filter bubble), theo đó thuật toán của Google và Facebook khiến chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy những thông tin phù hợp với quan điểm của mình mà thôi, hậu quả là chúng ta có thể bị mắc kẹt trong cái bong bóng lọc của riêng mình và không tiếp cận được các thông tin đa chiều. Nếu chúng ta chỉ đọc và chia sẻ những thông tin một chiều, thậm chí là những thông tin định kiến, thì có thể dẫn đến những tác động đối với các bạn bè, người thân quen trong friendlist của mình. Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng chia sẻ nội dung theo cách này thì tác động với xã hội còn lớn hơn rất nhiều”.

“Mạng xã hội cũng giống như đời sống thực, mỗi tài khoản giống như một cá nhân, và về bản chất nó mang ý nghĩa riêng tư. Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về phát ngôn và hành vi của riêng mình. Nhưng ở ngoài đời thực, phát ngôn của một cá nhân chỉ có thể tiếp cận một nhóm đối tượng nhỏ - có thể là gần gũi về địa lý hoặc có mối quan hệ nhất định. Trong khi đó trên mạng xã hội, một ý kiến cá nhân (không kể các tài khoản ảo) có thể lan rộng, thậm chí phi biên giới, và tiếp cận cả những đối tượng không hề liên quan. Không chỉ phát ngôn của những người nổi tiếng mới được nhiều người quan tâm mà thực tế cho thấy nhiều thông tin từ một tài khoản thông thường cũng có thể gây nên sự rúng động. Xét ở khía cạnh tích cực, nó giúp cho thông tin hữu ích đến được với nhiều người, cho dù người tạo ra thông tin là ai. Nhưng mạng xã hội cũng có mặt trái khi nó giúp một ý kiến, quan điểm lệch lạc, sai trái lan truyền với tốc độ chóng mặt nếu thu hút được sự chú ý của nhiều người. Mạng xã hội cũng cho phép người dùng bỏ tiền thúc đẩy nội dung của cá nhân đến được với nhiều người, thậm chí có thể lựa chọn đối tượng mục tiêu về tuổi tác, giới tính, địa lý…, nên khi người dùng có chủ ý miệt thị, bôi nhọ cá nhân hoặc tổ chức thì họ hoàn toàn có khả năng thúc đẩy điều này bằng cách bỏ ra một khoản chi phí. Cũng chính nhờ mạng xã hội mà tin giả (fake news) đang trở thành một vấn nạn toàn cầu và chưa có giải pháp nào có thể đối phó triệt để với tình trạng này”.

“Với tôi, mạng xã hội là công cụ để kết nối với bạn bè và mở rộng mối quan hệ. Nhờ có mạng xã hội, tôi biết được bạn bè mình đang làm gì mỗi ngày, tìm lại được những người bạn học đã mất liên lạc từ hàng chục năm trước. Mạng xã hội cũng là công cụ giúp tôi trao đổi kiến thức khi tham gia vào các nhóm nghề nghiệp về truyền thông-báo chí, quan hệ công chúng-quảng cáo.... Facebook, Twitter, LinkedIn là công cụ tác nghiệp cho các nhà báo nên cá nhân tôi cũng tranh thủ triệt để thế mạnh này. Đương nhiên, mạng xã hội cũng là công cụ hữu hiệu giúp tôi quảng bá về thông tin của đơn vị mình: hầu hết những sáng tạo mới hoặc những dự án, sản phẩm thú vị của VietnamPlus đều được tôi sử dụng mạng xã hội để nhân mức độ “viral” tới công chúng. Đôi khi tôi cũng đăng những câu chuyện về nuôi dạy, chơi đùa với con cái”.

“Tôi dùng mạng xã hội khá sớm so với nhiều người khác ở Việt Nam nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm, và ngay từ đầu đã biết là nên tránh đăng tải những loại thông tin cá nhân nào. Và tôi cũng hiểu rằng nên đăng tải những nội dung gì để tạo nên bản sắc riêng. Những câu chuyện tình cha con, chuyện nuôi dạy con cái, cách ứng xử với con ở các độ tuổi khác nhau, kể cả những cuộc trò chuyện ngộ nghĩnh của trẻ nhỏ… đều dừng ở giới hạn là giải trí, tạo sự vui vẻ cho những người bạn bè của tôi trên Facebook, Instagram. Tôi xác định rõ rằng mạng xã hội không phải là nơi để kể những câu chuyện vui buồn cá nhân, cũng không phải chỗ để khoe thành công hay than khóc về chuyện thất bại. Chuyện riêng tư trong gia đình lại càng là chủ đề cấm kỵ, không bao giờ nên đăng tải trên mạng xã hội”.

“Là một nhà báo, việc bày tỏ quan điểm cá nhân có thể bị hiểu nhầm là quan điểm của tòa soạn về một vấn đề nào đó. Khả năng nhầm lẫn này khiến cho nhiều tòa soạn trên thế giới có quy định cụ thể về việc sử dụng mạng xã hội của nhà báo. Tòa soạn chúng tôi cũng có những quy định như thế và cá nhân tôi không bao giờ sử dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm cá nhân. Đây cũng là một thiệt thòi xét từ góc độ của một người sử dụng mạng xã hội bình thường, nhưng đã chọn nghề báo thì phải chấp nhận. Nhưng như tôi đã nói ở trên, mạng xã hội là công cụ vô cùng hiệu quả giúp mỗi cá nhân đạt được rất nhiều mục đích khác, và một người lãnh đạo càng cần phải tận dụng sức mạnh của công cụ này. Trên thế giới, rất nhiều nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, các chính trị gia cũng như lãnh đạo các cơ quan báo chí sử dụng mạng xã hội. Sử dụng mạng xã hội không chỉ hạn chế ở việc viết status hay đăng hình ảnh mà còn áp dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác, ví dụ như theo dõi và thu thập tin tức, trao đổi với đồng nghiệp hoặc đăng tải nội dung”.

“Trong số những kỹ năng cần thiết đối với một nhà báo của kỷ nguyên kỹ thuật số thì có kỹ năng “biết làm thương hiệu trên mạng xã hội.” Tại sao lại không tranh thủ mạng xã hội để làm thương hiệu cho tòa soạn và chính cá nhân mình nhỉ? Với những người có số lượng fan nhiều thì việc này càng dễ dàng và không hề tốn kém chi phí. Trong rất nhiều trường hợp, một bài viết của VietnamPlus khi được tôi chia sẻ trên tường của mình thì được truy cập cao gấp nhiều lần so với lượng truy cập trực tiếp trên website. Thực tế cho thấy lượng truy cập trực tiếp vào các báo càng ngày càng giảm và báo chí cần tích cực khai thác độc giả từ các nền tảng như mạng xã hội hoặc máy tìm kiếm. Chúng tôi cũng vận hành nhiều fanpage nhưng thuật toán của Facebook ưu tiên nội dung chia sẻ của người dùng cá nhân hơn nên nhiều lúc, chia sẻ trên tường cá nhân của tôi còn hiệu quả hơn fanpage”.

“Tôi biết một số người đã phải đóng tài khoản mạng xã hội vì thấy nó ngốn quá nhiều thời gian của họ, hoặc không chịu được sức ép của dư luận khi tham gia vào những cuộc tranh cãi trên mạng. Chúng ta cũng đã nghe nhiều câu chuyện mà người sử dụng bị thiệt hại vì đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội. Lợi ích của mạng xã hội thì rất to lớn, nhưng cái gì cũng có hai mặt, và nếu chúng ta hiểu rõ ưu điểm cũng như nhược điểm của mạng xã hội thì tự mình sẽ tiết chế hoạt động trên đó để tránh rủi ro – rủi ro cho bản thân và rủi ro, tác hại xấu với người khác.

Mạng xã hội chỉ là công cụ để mỗi người đạt được những mục đích nhất định, vì thế có những mục đích tốt và những mục đích xấu, giống y như ngoài đời thực. Bản thân mạng xã hội không có gì xấu, chỉ là do con người lạm dụng nó mà thôi. Mạng xã hội là nơi chúng ta kết nối với cả những người không hề quen biết, trong khi có nhiều chuyện chỉ nên chia sẻ giữa những người thật sự hiểu nhau.

Mạng xã hội không hề ảo nên đừng nghĩ rằng chúng ta muốn làm gì cũng được. Hãy luôn sống với chính con người thật của mình, dù là ngoài đời hay trên mạng xã hội”.

Quỳnh Trang