Nhà báo Hoàng Minh Trí: Chửi bới trên mạng luôn thu hút đám đông
“Khuất nẻo sau bàn phím, màn hình chiếc điện thoại, dễ dàng làm cho người ta cảm giác an toàn hơn, bản lĩnh hơn để tấn công người khác”. Nhà báo Hoàng Minh Trí chia sẻ.
PV:Thưa anh, có những quy tắc được đưa ra khi mỗi người tham gia mạng xã hội, mọi người bấm “đồng ý”, nhưng cũng không đọc và không hiểu nó?
Nhà báo Hoàng Minh Trí: Tôi cho rằng thói quen đọc nhanh hiểu nhanh là một nguyên nhân. Đôi khi những thông tin ngắn chủ tâm ác ý khơi gợi con mồi bằng thông tin không trung thực, có mục đích để lấy “Likes”, một sự đồng thuận mềm chả hạn thì điều đó đúng. Cũng như cách không ít tờ báo giật tít một cách ép ý tạo sự tò mò hoặc đồng thuận ảo cũng làm như vậy. Rất ít người đọc nội dung bên trong. Đôi khi nội dung không liên quan gì đến tiêu đề.
Điều ấy cũng thể hiện qua cách sử dụng mạng xã hội, nhiều người tự cho rằng đó là tài khoản cá nhân, thích gì thì nói ấy, bao gồm cả miệt thị xúc phạm đích danh người khác mà không chịu trách nhiệm?
- Chính xác là như vậy, không ít người cho rằng khi sử dụng mạng xã hội, đằng sau một tài khoản trên mạng họ có quyền tự do mạt sát bất kể ai. Điều mà chính họ không dám làm khi mặt đối mặt. Khuất nẻo sau bàn phím, màn hình chiếc điện thoại nó dễ dãi làm cho người ta cảm giác an toàn hơn, bản lĩnh hơn để tấn công người khác. Dù đó là ai, bác sĩ, giáo sư, bộ trưởng, người nổi tiếng… Bằng nhau hết, quan trọng là họ cần chửi, thóa mạ, mạt sát. Lạ một điều là trong phong trào chửi bới trên mạng xã hội lại luôn thu hút được đám đông. Kỳ lạ thật, phải chăng niềm tin giữa con người với con người ngày càng thấp đến vậy hoặc đám đông ấy cũng kiệt quệ niềm tin vào sự tử tế. Đâu cũng thấy chửi, nhiều lúc tôi thấy ngạc nhiên về điều đó. Những bài viết nhân văn, đậm chất văn học hoặc nội dung chất lượng thì lượng tương tác rất thấp. Thế đấy, đó là một bộ mặt gớm ghiếc của mạng xã hội.
Với cá nhân anh, khi sử dụng mạng xã hội, anh luôn chú ý đến những vấn đề gì?
- Tôi dùng mạng xã hội với tâm thế rất lành, tuy không đến mức đóng kín như người già nhưng tôi tránh xa tranh luận, tranh luận trên mạng tôi thấy là điều vô bổ và lại rất dễ gây tổn thương thật. Tôi chú ý và vô cùng cẩn trọng điều này. Ngoài ra tôi cũng tránh việc phơi bày đời tư, các mối quan hệ xã hội, gia đình. Điều này tôi nghĩ không chỉ giữ cho mình mà cho cả người thân. Tôi nghiệm một điều, bất kể ai cũng là một nạn nhân dự bị của mạng xã hội. Vậy cứ giữ gìn, tốt được đến đâu hay đến đó.
Mỗi khi post status, hình ảnh, anh có phân vân khi chia sẻ về con cái và câu chuyện riêng tư trong gia đình không?
- Như tôi đã nói, tôi tránh xa điều đó vì bản thân tôi đã chứng kiến rất nhiều hệ lụy từ việc chia sẻ riêng tư trên mạng. Mạng xã hội như cuốn nhật ký điện tử và quan trọng là nằm ngoài tầm kiểm soát, gần như ai cũng có thể tiếp cận, tìm hiểu. Vậy tại sao lại phải thế, sự riêng tư là cánh cửa cuối cùng mà cũng mở toang thì người phơi bày là một nạn nhân, một con cá phơi giữa sân nắng, mọi yếu điểm đều có thể bị lợi dụng khó có thể thoát ra được con mắt của người ác ý. Mà sống ở trên đời nếu không bị ai ghét mới là vấn đề. Tôi tuyệt đối tránh chia sẻ những thứ được cho là quan trọng với cuộc đời mình, trong đó có gia đình, con cái…
Ngoài ra, anh còn là nhà báo, thì mạng xã hội với anh, có phải là sự liên kết giữa anh với đồng nghiệp, đối tác, người thân hay đơn giản là nơi anh bày tỏ quan điểm cá nhân?
- Tôi phải thừa nhận rằng từ lúc sử dụng Facebook thì công việc tôi thuận lợi hơn rất nhiều. Ngoài chuyện nó là phương tiện kết nối tới đồng nghiệp, đối tác thì đó còn là một cái chợ bán sản phẩm trí tuệ, đó là bài viết, ý tưởng của tôi. Vô cùng thuận lợi, chỉ biết nói vậy. Quan điểm cá nhân cũng là điều tôi đôi lúc bày tỏ trên mạng, nhưng điều đó chậm lại một chút, chắt lọc một chút trước khi tới người đọc. Tôi có thể nói là làm có tính toán, bộc trực quá là điều không nên, nhất là trên mạng.
Là một người sử dụng mạng xã hội có tiếng nói thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng và gây ảnh hưởng tới nhận thức của nhiều người, anh chú ý khi post mỗi status của mình thế nào?
- Tôi viết tránh xa tranh cãi, đó là tiêu chí đầu tiên. Tôi luôn viết và nhận phần “thiệt thòi” về mình, bạn đọc nhìn vào đó có thể thấy phần nào của cuộc sống quanh mình liên quan và đồng cảm. Vì viết định danh chính xác một vấn đề hoặc ai đó, đôi khi mình đứng phía ngoài không thực sự hiểu thấu đáo, rất dễ gây tranh cãi hoặc tổn thương. Tôi sợ điều đó. Có 3 thứ không nên tranh luận, tình yêu, tôn giáo và thẩm mỹ. Sa đà vào đó là hết ngày mà không đi đến đâu cả. Tôi đơn giản vậy thôi, trải nghiệm của mình được văn bản hóa, ai hiểu thì hiểu, hoặc giả họ lấy đó làm kinh nghiệm bổ sung cho mình thì quá tốt.
Không khó để nhận ra, với trang cá nhân của mình, anh thường khéo léo quảng bá các nhãn hàng, thương hiệu?
- Đúng là như vậy, mạng xã hội không phải chỉ là chỗ chơi suông. Nếu mình có một độ khả tín nhất định thì cũng có thêm thu nhập. Như tôi hay nói đùa với bạn bè rằng Facebook của tôi tương đương một căn nhà mặt phố cho thuê. Tôi lựa chọn sản phẩm dịch vụ nào phù hợp, có nhu cầu quảng cáo hoặc truyền tải thông điệp tôi sẽ giúp và nhận thù lao. Đó là công việc tử tế không có gì xấu hổ cả.
Vậy với anh, cách sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả và tích cực?
- Với tư cách một người làm báo, một ông bố nửa già nửa trẻ, tôi luôn mong muốn đọc được những điều tử tế trên mạng. Đó là kiến thức sống, văn học, trải nghiệm hay những hình ảnh đẹp đẽ… Kể cả sự bức xúc thời thế cũng nên viết có văn hóa, để người đọc tiếp nhận thông tin được sạch sẽ hơn. Ngộ độc thông tin là điều dễ thấy trên mạng ngày nay, cứ reo rắc mãi những thứ thông tin “bẩn” trong ngôn từ cũng làm băng hoại tâm hồn người đọc. Nó kiểu ngộ độc từ từ, nếu tất thảy chỉ thích nghe chửi thì quả là một vấn đề.
Tôi cho rằng bảo vệ thông tin cá nhân, đời tư là việc rất nên chú ý. Chúng ta dùng mạng xã hội vô tư quá. Giao nộp tất, cái gì cũng post, bức xúc, hạnh phúc, nơi ăn chốn ở…Cái gì cũng phơi bày cho đám đông, đừng nghĩ rằng cái gì mình thích là thiên hạ thích.
Xin trân trọng cảm ơn anh với những chia sẻ hữu ích này.