Tranh luận - cãi nhau và… 'bỏ bóng đá người'!
Về bản chất, tranh luận là hành vi tích cực của trí tuệ mà ở đó, nếu người tham gia đều thiện chí, lắng nghe lẫn nhau, đưa ra dẫn chứng cụ thể để phân tích rạch ròi, lập luận chặt chẽ,… và cùng tìm ra sự đồng thuận thì dù phạm vi tranh luận rộng hay hẹp, vấn đề đặt ra lớn hay nhỏ cũng đều góp phần nâng cao nhận thức, góp phần vào sự phát triển.
Quãng hơn 20 năm trước, mỗi năm tôi đều viết một bài tổng quan về tình hình văn học trong năm. Biết rằng đó chỉ là tổng quan từ hiểu biết, từ góc nhìn của một người nên tôi rất thận trọng, không liệt kê la liệt để “khoe” mình đã đọc nhiều, không viết bừa phứa để ra vẻ khảo sát sâu rộng, không ca ngợi, phê phán một cách cảm tính… Ngay việc liệt kê tên sách cần chú ý tôi cũng rất thận trọng. Mỗi năm số tác phẩm văn xuôi, thơ, lý luận và phê bình thường khá nhiều, nên mỗi loại tôi chỉ điểm tên dăm cuốn rồi đặt dấu ba chấm, nghĩa là chưa hết. Viết bài tổng quan, đánh giá như vậy rất dễ có sai số, nên tôi sẵn sàng trao đổi nếu ai đó không đồng tình, sẵn sàng nhận sai nếu tôi đánh giá sai.
Ấy vậy mà tôi không lường được một tình huống oái oăm. Ấy là có năm, sau khi tôi công bố bài tổng quan, một Giáo sư Tiến sĩ gọi điện thoại cho Sếp của tôi chất vấn “Tại sao thằng Hòa không nhắc đến sách của tôi?”, rồi ông lịch lãm gửi qua Sếp lời nhắn: “Bảo nó không cẩn thận là mất cái đội mũ”! Nghe Sếp kể, tôi dựng hết tóc gáy, nhưng vẫn nói với Sếp: “Sách của ông ấy được nằm chỗ dấu ba chấm trong bài là may lắm rồi. Phiền anh nói với ông ấy, đến đây mà lấy cái đội mũ của em!”. Nói thực lúc đầu tôi cũng hơi bị bất ngờ, chỉ vì bài báo không nhắc tới tác phẩm của mình mà dọa người viết không cẩn thận sẽ “mất cái đội mũ” cũng là chuyện hy hữu, nhưng sau tôi đành cười khì mà tự an ủi rằng xét cho cùng, đó chỉ là biến thể của não trạng “duy ngã độc tôn” đã và đang tồn tại trong một số người.
Đã theo nghiệp viết lách lại có xu hướng thích phản biện nên tôi va chạm cũng nhiều, rồi quan sát các cuộc trao đổi, tranh luận trên báo chí, internet,… tôi rút ra kinh nghiệm là nhiều khi phải chấp nhận thực tế nhiều người ở Việt Nam không có thói quen tranh luận, trao đổi, thảo luận để đi tới sự thống nhất, đóng góp vào nhận thức chung. Mà với họ, tranh luận chỉ để khẳng định ý kiến, coi quan điểm của họ là chân lý, không chấp nhận bị phê phán, cao ngạo coi thường người đối thoại… Nếu không làm được mấy điều như vậy thì họ sử dụng “tiểu xảo dưới gầm bàn” hoặc “bỏ bóng đá người”. Mà các tiểu xảo loại này thì muôn hình vạn trạng.
Đại loại: sau khi tôi công bố bài chỉ ra hạn chế trong thơ của một nhà thơ, ông gọi điện bảo: “Tao sẽ chi 5 triệu, nếu không được thì 10 triệu nhờ người viết bài đánh lại mày” (Hồi ấy 5 - 10 triệu đồng là rất lớn, chỉ tiếc ông nói thế nhưng hình như cái giá đó vẫn chưa đủ để thuê người động bút)!; ông khác bị phê bình thì gọi điện thoại văng tục om xòm, đến khi tôi bảo đang ghi âm, mai dỡ băng viết bài đăng báo thì ông vội vã dừng, lát sau gọi lại, rối rít đề nghị thông cảm vì lúc trước bị… say rượu!; ông nữa, sau khi tôi cho rằng cuốn sách của người thân của ông không đắt hàng như báo chí quảng bá, ông gọi điện cho tôi, vừa mày tao chi tớ vừa xỉ vả tôi a dua với kẻ xấu để kìm hãm sự phát triển, song hôm sau tại một hội thảo, lại thấy ông lẽo đẽo theo tôi đề nghị bỏ qua vì tối hôm qua nóng nảy!... Chẳng thế mà cuối những năm 90 của thế kỷ trước, có lần Sếp của tôi khi đó đã bảo: “Các cậu hay nhỉ, tranh luận thì tranh luận, sao phải viết đơn đề nghị linh tinh!”. Tôi biết ông nói thế vì trước đó, một tác giả vừa tranh luận trên báo chí với tôi, vừa gửi đơn đến ông để khẳng định tôi là tay “cấp tiến”, đề nghị ông không cho tôi chuyển đến làm việc ở cơ quan mới!...
Viết đến đây tôi lại nhớ chuyện ngày nọ, một Giáo sư rất đau lòng vì bỗng dưng bị người khác vu cho tội tày đình. Ấy là so sánh văn học Việt Nam với các nền văn học nước ngoài, ông nhận xét đại ý rằng văn học Việt Nam không lớn cũng không bé. Lập tức một tác giả liền xông ra khẳng định “không lớn cũng không bé” tức là “tầm tầm”, mà “tầm tầm” tức là “đồ cũ” rồi từ đó biến nhận xét của Giáo sư nọ thành tội tày đình là đã hạ thấp văn học Việt Nam, biến văn học Việt Nam thành “đồ tầm tầm”! Rồi nữa là khi tranh luận về thơ Đường, có người lấy thơ của Nguyễn Khuyến ra chứng minh, bất chấp thực tế Nguyễn Khuyến làm thơ Đường luật, chứ ông đâu phải là nhà thơ đời Đường bên Trung Hoa! Cũng nên nhắc đến việc ngày nọ, sau khi nhà thơ A đề xuất ý kiến không nên quá đề cao chữ Hán, thì nhà văn B đã xông ra ca ngợi, bênh vực chữ Hán, rồi bắt bẻ tại sao nhà thơ A lại cho con sang Trung Quốc học đại học! Bi hài hơn, sau khi tôi có ý kiến trao đổi về bài viết của tác giả C mà thực tình tôi cũng chẳng biết là ai, và C đã có bài trả lời theo tinh thần coi tôi là tay kém cỏi. Thế nhưng khi tôi dự một cuộc họp, bỗng một nhà thơ hùng hổ xông ra, tay vỗ ngực miệng hỏi tôi: “Mày không biết tao là C à?”. Nghe ông nói thế tôi rụng rời chân tay, nhưng vẫn cố giấu nỗi sợ hãi để trả lời ông rằng: “Xin lỗi bác, em có biết C là tay quái nào đâu!”…
Nhắc đến xảo thuật tranh luận theo lối “bỏ bóng đá người”, lại nhớ năm 2004, trả lời phỏng vấn trên báo Phụ nữ Thủ đô, nhà văn Lê Lựu từng thốt lên: “Tôi không tưởng tượng là có một thứ phê bình gì, thứ văn hóa gì, có một thứ nghệ thuật gì, có một thứ đạo đức gì, một luật lệ gì mà ngoài chữ nghĩa ra lại còn dọa tạt axít vào mặt nhau, đe dọa đón đường đánh nhau, đe cho đàn em của mình như một thứ băng nhóm tiêu diệt những người không cùng chính kiến, quan niệm với mình”! Và hơn mười năm rồi, điều nhà văn Lê Lựu không thể tưởng tượng dường như đang có xu thế ngày càng trầm trọng, nhất là khi công nghệ phát triển đã cung cấp cho một số người vốn sành sỏi kỹ năng tranh luận bằng xảo thuật “bỏ bóng đá người” một số “vũ khí mới” để phản công khi “tranh luận dưới gầm bàn”, nói cách khác công nghệ càng phát triển thì “vũ khí” của họ càng phong phú, tinh xảo. Vì thế hiện tượng người ta viết các loại đơn từ để bôi nhọ, vu khống lẫn nhau gửi đến nơi này nơi khác theo lối “tờ rơi”, hoặc phát tán qua điện thoại di động tin nhắn lời lẽ cực kỳ thô lậu, bẩn thỉu, khả ố để chửi bới người khác,... đã thành chuyện xưa như trái đất.
Thời mà blog còn thịnh hành, mỗi khi bài viết có tính chất phê phán được đăng hoặc khai thác để đăng lại trên blog của ai đó là hầu như lập tức nổ ra một cuộc tranh luận, chủ yếu là thông qua comment, người để tên thật, người lấy một cái nick ất ơ ẩn danh để viết cho sướng tay. Ở đó, nếu chủ nhân blog để chế độ comment tự do thì đôi khi đọc ý kiến đồng tình, ý kiến phản bác trao đổi qua lại mà thấy cãi nhau như mổ bò và thường bất phân thắng bại, chỉ đến khi xuất hiện đề tài khác hấp dẫn hơn người ta mới lại kéo nhau sang để cãi nhau tiếp; nếu chủ nhân đăng ý kiến có chọn lọc thì thường có ba khả năng: chỉ đăng ý kiến trao đổi lành mạnh; chỉ đăng ý kiến ca ngợi; chỉ đăng ý kiến chửi bới.
Tới thời facebook lên ngôi thì các cuộc tranh luận diễn ra đa dạng, sinh động, dữ dội hơn rất nhiều, cũng thiếu văn hóa, thô lậu hơn rất nhiều. Tò mò mà lại rảnh rỗi, vào một số facebook cá nhân hay fanpage thường xuất hiện status có nội dung khen - chê điều này điều khác thì thôi rồi. Không vừa ý là nhiếc móc, xỉ vả. Ý kiến khác mình cũng nhiếc móc, xỉ vả. Khen người mình vốn không thích là chửi. Chê “thần tượng” là chửi. Mà ý kiến bị phê phán còn chửi lại kinh hơn!... Trong bối cảnh đó, xem ra càng gần đây, ý kiến đánh giá, phản biện, phê bình và việc trao đổi, tranh luận, thảo luận về các ý kiến đó cũng thưa thớt dần. Cũng phải thôi, khi mà có ý kiến đúng đắn, chính xác cũng bị đưa lên facebook để chửi cho te tua thì dù có bản lĩnh, trình độ, thiện chí,… đến đâu thì người ta cũng chẳng muốn dây dưa. Xét cho cùng cũng phải, chẳng tội gì đưa ra ý kiến vì lợi ích của cộng đồng, của xã hội mà lại phải giơ mặt cho thiên hạ chửi rủa!
Về bản chất, tranh luận là hành vi tích cực của trí tuệ mà ở đó, nếu người tham gia đều thiện chí, lắng nghe lẫn nhau, đưa ra dẫn chứng cụ thể để phân tích rạch ròi, lập luận chặt chẽ,… và cùng tìm ra sự đồng thuận thì dù phạm vi tranh luận rộng hay hẹp, vấn đề đặt ra lớn hay nhỏ cũng đều góp phần nâng cao nhận thức, góp phần vào sự phát triển. Chính vì thế, tranh luận là một yếu tố rất quan trọng, không chỉ giúp cộng đồng nghề nghiệp - rộng hơn là xã hội, có thể thống nhất để chuẩn hóa tri thức mà còn kích thích tư duy hướng tới giá trị tích cực và hữu dụng. Nhưng nếu tranh luận không cần biết đúng - sai, chỉ cần viết hay nói cho hả thói tự thị, tự cho mình trí tuệ hơn người và “bất khả phê phán”, hễ thấy người khác có ý kiến khác mình là lập tức bác bỏ không cần chứng lý,… thì chỉ dẫn đến kết quả vô bổ. Còn tranh luận không tập trung vào vấn đề đặt ra trong văn bản mà chỉ suy đoán theo “thuyết âm mưu”, soi mói để tìm động cơ của đối phương rồi quy cho là ác ý, đố kỵ, ghen ăn tức ở, vạch vòi “ngoài văn bản” tìm làm công cụ tiến công lẫn nhau,… thì rốt cuộc chỉ là chuyện bi hài!