Tổng tiến công Mậu thân 1968: Bài học về tận dụng thế trận lòng dân
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, bài học từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là tận dụng thế trận lòng dân, chiến tranh nhân dân, đã vô hiệu hóa phần lớn sức mạnh quân sự của các khí tài lớn, hiện đại của địch trong chiến đấu ở đô thị.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thế trận lòng dân và chiến tranh nhân dân là hai bài học quý giá.
Ngày 29/12, tại Hội trường TP HCM, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP HCM phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”.
Đến dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà; nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải và nhiều lãnh đạo trung ương, địa phương, các nhân chứng lịch sử, AHLLVTND, bà Mẹ VNAH, các thân nhân, gia đình liệt sĩ và người dân TP HCM;…
“Kế hoạch X”
Tại hội thảo, các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, các nhà nghiên cứu quân sự đã chỉ ra những mấu chốt của nghệ thuật quân sự rút ra từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, nghệ thuật quân sự của Việt Nam trong tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 đã thể hiện từ nghệ thuật trong việc bí mật chuẩn bị vũ khí, con người, đến nghệ thuật phối hợp các lực lượng tình báo, biệt động thành, quân chủ lực và các tầng lớp nhân dân; nghệ thuật chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân.
Nghệ thuật đó kết hợp với khát vọng hòa bình và quyết tâm sắt đá, tinh thần dũng cảm, vô song của quân dân Việt Nam đã tạo ra bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa chiến lược quyết định trên toàn sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân cũng cho thấy sự kết hợp, tận dụng tài tình được sức mạnh của các lực lượng tại chỗ, nhất là lực lượng khu Sài Gòn - Gia Định, đầu não chiến lược của Mỹ - ngụy.
Nói về điều này, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết, trong kế hoạch tổng công kích - tổng khởi nghĩa vào tháng 3/1964 thì các đồng chí trong Quân ủy Miền và Chỉ huy trưởng khu Sài Gòn - Gia Định trực tiếp chỉ đạo cùng Khu ủy xây dựng kế hoạch, gọi là “Kế hoạch X”. Kế hoạch này cho thấy nghệ thuật quân sự hết sức tài tình, chiến lược, có hiệu quả, đóng góp vào thắng lợi toàn cuộc của cả cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Mục tiêu của “Kế hoạch X” là làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy. Theo đó, Khu Sài Gòn - Gia Định được giao xây dựng các đội biệt động mạnh, đủ sức đánh chiếm các mục tiêu chiến lược; các lực lượng của các ngành, đoàn thể phải làm nòng cốt cho phong trào nổi dậy của quần chúng.
Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết, Khu Sài Gòn - Gia Định được lệnh xây dựng cho được 5 tiểu đoàn mũi nhọn, bố trí theo 5 hướng từ ven đô vào, phối hợp với các đội biệt động chiếm lĩnh các mục tiêu, chờ đại quân và sự hỗ trợ đắc lực cho phong trào quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở các khu vực trong thành phố.
Theo đó, chỉ trong thời gian nửa năm 1965 thì Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã xây dựng được 8 tiểu đoàn chủ lực và địa phương. Riêng 5 cánh nội ô có hơn 3.000 quân, dân quân du kích tăng lên 3.000 người. Tổng cộng, lực lượng vũ trang toàn Quân khu lúc bấy giờ hơn 9.000 người.
Thực hiện “kế hoạch X”, Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã thành lập Đoàn biệt động lấy biệt danh là F100 do đồng chí Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu) làm Chỉ huy trưởng.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, đây là lực lượng vũ trang đặc biệt được thành lập dựa theo đặc điểm tính chất chiến trường với một khu vực đầu não, hang ổ của kẻ thù hết sức tinh vi. Dựa trên những chiến sĩ giàu kinh nghiệm, am hiểu tình hình đô thị, có thể độc lập tác chiến.
Song song đó, lực lượng đặc biệt này liên tục được phát triển trong các đoàn thể, quần chúng, tạo thành đội quân tác chiến thường xuyên, có mặt trên khắp các địa bàn của Sài Gòn.
Các trận đánh long trời lở đất, gây kinh hoàng đối với kẻ thù đã được lực lượng Biệt động Thành đánh vào tòa Đại sứ quán Mỹ vào ngày 30/3/1965; Tổng Nha Cảnh sát vào ngày 16/8/1965; Khách sạn Metropole – Nơi ở của phi công Mỹ và các nước chư hầu vào ngày 4/12/1965;….
“Dù sau đó phương án giành thắng lợi quyết định để kết thúc chiến tranh trong thời kỳ “Chiến tranh đặc biệt” khiến Kế hoạch X không thể tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, kế hoạch X đã tạo những điều kiện ban đầu rất cơ bản cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và đã thể hiện vai trò rất lớn của Khu Sài Gòn - Gia Định trong toàn bộ cuộc tổng tiến công”, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn định.
Quang cảnh Hội thảo.
Bài học về thế trận lòng dân
Các tướng lĩnh quân đội, nhân chứng lịch sử dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia đều khẳng định những bài học lớn từ tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đó là bài học về tận dụng thế trận lòng dân, chiến tranh nhân dân, đã vô hiệu hóa phần lớn sức mạnh quân sự của các khí tài lớn, hiện đại của địch trong chiến đấu ở đô thị.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, lòng yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là mẫu số chung của mọi người Việt Nam, là sức mạnh của dân tộc Việt Nam và rất cần được phát huy trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP HCM cũng chỉ ra các bài học về những hạn chế của cuộc tổng tiến công như bài học về đánh giá khả năng và sức mạnh của kẻ thù; bài học về đề ra mục tiêu (quá cao) cho cuộc Tổng tiến công; bài học về phương thức tiến công và sử dụng lực lượng; bài học về sự buông lỏng địa bàn nông thôn; bài học về giữ gìn lực lượng, hạn chế tổn thất;…
“Các bài học này đã giúp Đảng ta nhận thức thấu đáo hơn về thực tế chiến trường, tương quan lực lượng và đề ra chủ trương thích hợp trong lãnh đạo kháng chiến trong giai đoạn sau Mậu Thân, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975”, Bí thư Thành ủy TP HCM đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, Bộ Quốc phòng sẽ nghiên cứu kỹ nghệ thuật quân sự từ cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhắc đến bài học về sự đoàn kết, thống nhất các lực lượng. Nhất là, sự thống nhất, đồng thuận về mục tiêu chiến lược nghi binh - giữ bí mật - tạo bất ngờ.
Nghệ thuật kết hợp giữa chính trị - quân sự; nghệ thuật 3 mũi (chính trị - quân sự - binh vận) và 3 cùng chiến lược (vùng núi - nông thôn - thành thị).
Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì dù chưa đạt được mục tiêu cao nhất đề ra nhưng tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo ra một “đòn sấm sét” khiến chính quyền, quân đội Mỹ - ngụy không thể ngờ tới, thực sự choáng váng và thu hút sự quan tâm đặc biệt của quốc tế vào thời điểm đó.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, phong trào phản đối chiến tranh sau cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân của quân dân Việt Nam đã xuất hiện ở nhiều nước khiến cho ý chí xâm lược suy sụp, Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 ra Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, bài học rút ra về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng; nghệ thuật tổ chức, khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, nghệ thuật chớp thời cơ và tận dụng thời cơ; phương thức tác chiến chiến lược; công tác đảm bảo, xây dựng tiềm lực, thế trận;… còn nhiều tính thời sự cho đến hôm nay.
Các đại biểu, nhân chứng lịch sử tham dự Hội thảo.
Tướng Nhiên cho rằng, hoàn toàn có thể vận dụng các bài học này vào xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn chặt thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận lòng dân trong điều kiện, bối cảnh mới.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trong chia sẻ, bày tỏ mong muốn những giá trị lịch sử và bài học được đúc rút từ xương máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 phải được nghiên cứu thấu đáo, chủ động thực hiện thường xuyên và trân trọng.
Trong phát biểu kết luận hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, toàn bộ tài liệu và các tham luận, ý kiến trao đổi tại hội thảo khoa học cấp quốc gia lần này sẽ được Bộ Quốc phòng nghiên cứu kỹ lưỡng, tập trung luận giải sâu sắc hơn nữa về sự kiện lịch sử quan trọng, đúc kết những bài học lịch sử quý báu để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau với tầm nhìn mới về tư liệu.