Gỡ rào cản cho nhà đầu tư

31/12/2017 06:00

Thời gian qua, nhiều loạt rào cản đầu tư liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài đã được tháo gỡ, như giảm cước dịch vụ vận tải, bến cảng hàng không, bến cảng quốc tế, dịch vụ quảng cáo truyền hình… Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc triển khai vẫn chậm so với chỉ đạo của Chính phủ.

Gỡ rào cản cho nhà đầu tư

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.

PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mại- chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp quan tâm đến quyền lợi tài sản của họ, quan tâm đến các quyền lợi được cam kết của họ. Khi quyết định đầu tư vào nước nào, nhà đầu tư thường xây dựng kế hoạch phát triển 10 – 15 năm. Trong khi chúng ta thì 5 năm lại đổi chính sách một lần. Như vậy, sẽ tác động mạnh tới nhà đầu tư, thưa ông?

Gỡ rào cản cho nhà đầu tư - 1

Ông Nguyễn Mại.

Ông Nguyễn Mại: Chúng ta có 2 thay đổi, thay đổi tích cực thì tác động tới nhà đầu tư nước ngoài rất nhanh. Ví dụ như nội dung mua bán sáp nhập trong nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ sự thay đổi này mà vốn đăng ký đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã tăng mạnh. Và chưa kể là phần vốn từ hoạt động mua bán sáp nhập trong FDI này là phần vốn có thể thực hiện được ngay chứ không như phần vốn đăng ký sau 1 - 2 năm mới được thực hiện.

Theo tôi, cái bảo thủ không chịu sửa thì gây ảnh hưởng cho nhà đầu tư nước ngoài. Người nhập khẩu mà không được vận chuyển không được bảo quản thì vô lý. Tại sao thông tư lại cấm họ làm tất cả những cái đó, do vậy theo tôi nên thay đổi. Mà thực ra là thay đổi ở con người. Các Bộ không theo cách Thủ tướng nói là năng động, cởi mở đi thì sẽ hạn chế nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam.

Thưa ông, theo ước tính, năm 2017 thu hút đầu tư nước ngoài sẽ lại phá kỷ lục, đạt 33 tỷ USD?

-Đến tháng 11 vừa, số vốn thực hiện đã là khoảng 16 tỷ tăng 12-15%, nhưng theo tôi con số đó không quan trong bằng chất lượng đầu tư nước ngoài.

Tôi từng ngồi với nhà đầu tư Sam Sung. Họ đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam cũng như họ đánh giá rất cao đầu tư trí tuệ của Việt Nam, cả công nhân lẫn nhà quản lý, đặc biệt là các kỹ sư trẻ làm phần mềm cho Sam Sung tại Hà Nội. Họ nói nhân lực của mình đáp ứng được các yêu cầu của Sam Sung, họ cho rằng lợi thế lớn nhất của Việt Nam là năng lực trí tuệ gắn với đào tạo nhân lực. Cho nên nếu chúng ta cải cách được hệ thống giáo dục phù hợp như Quốc hội yêu cầu thì chúng ta hội nhập được cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta thu hút được nhiều tập đoàn lớn, hiệu quả đầu tư sẽ lớn hơn.

Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay là công nghệ số, công nghệ thông tin, tiềm năng người Việt Nam và thực tế công nghệ thông tin của chúng ta hiện nay đang phát triển đạt đến trình độ mà của khu vực. Điện toán đám mây theo đánh giá của nước ngoài thì Việt Nam cũng đầu tư mạnh trong khu vực. Vậy thì tại sao chúng ta không tham gia nền công nghiệp 4.0. Tôi tin, khi chúng ta lựa chọn được phân ngành hợp lý thì chúng ta sẽ làm được và tôi cho rằng thu hút FDI thời gian tới cũng nên chú ý tới Công nghệ 4.0 này

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng thu hút vốn FDI thu nhiều trong thời gian qua không chỉ đơn giản là do môi trường đầu tư đã được cải cách mà còn do Việt Nam tận dụng được các hiệp định thương mại đã ký kết?

Chúng ta có 7 FTA: chẳng hạn như FTA với với EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… rồi chúng ta cũng hội nhập kinh tế nữa. Điều này đem đến hai mặt tích cực, một là chúng ta tự đổi mới và hai là chúng ta có thêm cơ hội đổi mới từ việc hội nhập, tham gia quốc tế. Bên cạnh đó chúng ta cũng nỗ lực cải cách hành chính, thời gian cải cách đã được quan tâm rất nhiều. Hội nhập gây áp lực để cải cách và chính vì vậy thu hút đầu tư nước ngoài. Trong quãng thời gian 4 - 5 năm nữa, chúng ta là điểm hẹn của nhiều nhà đầu tư tiềm năng.

Ông có khuyến nghị gì về việc ban hành cũng như thực thi chính sách thu hút các nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng khi thay đổi chính sách, luật pháp cần bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch, ổn định, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và doanh nghiệp FDI chủ động trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Hệ thống văn bản pháp quy từ luật, nghị định của Chính phủ, thông tư của các Bộ phải đồng bộ, nhất quán, được ban hành đồng thời một thời gian đủ dài thời gian đủ dài trước thời hạn có hiệu lực thi hành để doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ thông tin, chuẩn bị điều kiện thi hành.

Bên cạnh đó hai nút thắt chính cần cởi bỏ là bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức; bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu năng, công chức thì thừa nhưng thiếu năng lực và lương tâm nghề nghiệp; cả hai đang cản trở quá trình phát triển theo hướng cải cách và hội nhập. Đó là hai lực cản cần được giải quyết để định hướng và chính sách mới về FDI được thực hiện có kết quả.

Trân trọng cảm ơn ông

Thúy Hằng (thực hiện)