Đi tìm linh vật Việt

Thư Hoàng 01/01/2018 08:00

Trong kho tàng mỹ thuật cổ truyền của người Việt, giới nghiên cứu cho rằng, nghê là linh vật có khuôn mặt biểu cảm nhất, đồng thời cũng là linh vật mang tính người nhiều nhất. Tuy vậy, suốt trong thời gian dài, nghê - một linh vật tinh hoa của người Việt, một linh vật nhỏ nhắn, khiêm cung; trang nghiêm và hoan hỉ lại bị những linh vật ngoại lai lấn át…

* Nghê Việt từng bị bỏ quên, thậm chí bị nhầm tên quên họ

Đi tìm linh vật Việt

Đôi nghê đá, thế kỷ 18, lăng Dinh Hương, Hiệp Hòa, Bắc Giang.

1. Có lẽ chỉ đến khi câu chuyện bài trừ linh vật ngoại lai ra khỏi những nơi thờ tự đồng thời tìm kiếm tượng linh vật thuần Việt để thay thế khởi sự cách đây 4 năm mới khiến nhiều người quan tâm, chú ý đến nghê.

Trước đây, những bức tượng sư tử đá hùng dũng đã choán át hết không gian, giương oai diễu võ, mắt trợn tròn khiến những bức tượng nghê nhỏ bé, bình dị bị chìm khuất vào góc xa, lút dưới các vòm cây thấp, thậm chí bị đẩy rạt ra rìa nhiều không gian thờ tự.

Theo TS Trần Hậu Yên Thế, mỗi dân tộc đều có cách thức và nhu cầu sử dụng linh vật trong các không gian tín ngưỡng.

Bên cạnh hệ thống tứ linh (long, ly, quy, phượng), nghê là một trong những linh vật phổ biến trong không gian tín ngưỡng của người Việt.

Đặc biệt, theo TS Thế, nghê đã xuất hiện từ khá sớm và đi suốt chiều dài lịch sử từ dân gian đến cung đình, trong đó, hai không gian mà nghê xuất hiện rất nhiều là đình và chùa.

Trong văn hóa của Việt Nam không bắt con nghê diễn những vai trấn yểm, dọa nạt. Nghê có hai chức năng cơ bản: lời chào đón với sắc thái hoan hỉ hoặc tạo ra sự thương cảm ở các đền miếu.

Tới thời Nguyễn, nghê có thêm một ý nghĩa nữa là con vật soi xét, phân biệt ngay - gian, tà -chính. Bởi thế, dân gian thường bảo “nghê chầu, phượng múa”.

“Một trong những văn bia quan trọng về sự xuất hiện của con nghê là văn bia thời Lý năm 1090 có tên “Minh Tịnh tự bi văn” ở Thanh Hóa. Qua sự dịch chuyển văn hóa giữa các tộc người, người Việt đã tiếp thu, học tập và sáng tạo nên hình tượng con nghê sống động. Đó là con vật uy nghiêm, biểu cảm, gần gũi, không hướng đến sự trấn áp hay dọa nạt như một vài con vật khác” - TS Trần Hậu Yên Thế nhận xét.

Thông qua linh vật, người Việt thường gửi gắm những ước mơ, hi vọng. Với con nghê cũng vậy. Như ở Phú Thọ, người xưa đã tạc dựng con nghê cầm một thẻ có 5 chữ: “Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh”. Hay hình ảnh con nghê đánh đàn ở đình Cung Chúc - Hải Phòng... Điều đó cho thấy qua hình tượng nghê, người dân đã gửi gắm những thông điệp nhân văn, sâu sắc.

Qua nghiên cứu, TS Trần Hậu Yên Thế cùng các cộng sự đã nhận thấy hình thức tạo hình và giá trị biểu tượng của nghê là sự pha trộn với sư tử Ấn Độ, long, kỳ lân, dê (Trung Hoa), và chó (Đông Nam Á).

Thực tiễn văn hóa Việt Nam cho thấy kiểu thức hòa trộn hai nền văn hóa lớn của nhân loại là Ấn Độ và Trung Hoa đã tạo ra cho văn hóa Việt Nam một sắc thái độc đáo.

Theo TS Thế, người Việt đi tới đâu thì nghê cũng tới đó. Linh vật này đã góp phần làm nên diện mạo tinh thần sống động, lạc quan, bình dân và thân thuộc cho nghệ thuật người Việt thời Trung đại.

Nghê có mặt ở đền miếu, lăng tẩm, đình, chùa, từ thường dân cho đến cả chốn hoàng cung.

Nghê đã gắn bó ân tình với người Việt hàng nghìn năm nay. Nhỏ nhắn và khiêm nhường, chất phác và thuần hậu, bởi không ham công không thích lớn nên nghê thể hiện chính xác nhất chiều kích văn hóa Việt.

Con nghê nhỏ bé, không trợn mắt, nhe nanh, vươn vai, ưỡn ngực nên nó đã bị ra rìa khỏi các cơ quan doanh nghiệp, các chùa chiền mới xây, thậm chí các nghĩa trang liệt sĩ.

Nghê cũng đã bị bỏ quên khỏi những cuốn sách về nghệ thuật cổ truyền của người Việt, thậm chí bị nhầm tên quên họ trong một số công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài.

Để phân chia hình tượng nghê theo các nhóm hình thức, biểu hiện, TS Trần Hậu Yên Thế cho rằng, nghê có hai dạng thức.

Thứ nhất là dạng rất cung kính, khiêm cung và thành kính. Dạng thứ hai là náo hoạt, vui vẻ và hoan hỉ. Đây là hai dạng tương đối điển hình, nhưng cái chung nhất là nó rất người, rất Việt.

Đấy là các hình thức mà những linh vật khác không có được. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ từng nói, chỉ thấy nói cười như nghê chứ không ai nói như rùa, cười như phượng.

Đó cũng là thông điệp mà người Việt Nam muốn gửi gắm tình cảm của các nghệ nhân từ nhiều đời xa xưa đến ngày nay.

2. Qua nghiên cứu thực tế tại hai ngôi đền Vua Đinh, Vua Lê (Ninh Bình), theo TS Thế, những con nghê ở đây được tạo tác trong khoảng 4 thế kỷ XVI, XVII, XVIII, XIX.

“Chúng xứng đáng tiêu biểu cho trình độ nghệ thuật vừa giản dị, thuần hậu lại rất mạnh mẽ, lôi cuốn người Việt. Nó ấm áp, gần gũi, tinh tế, kỹ lưỡng mà không phô trương sự cầu kỳ, tỉa tót. Nếu nhìn kỹ vào khuôn mặt nghê, có thể bắt gặp từ ánh mắt, nụ cười, cả những giọt nước mắt của người xưa thấm lên đá, lên gỗ”- TS Trần Hậu Yên Thế nói, đồng thời thêm rằng, để phù hợp với chiều kích văn hóa người Việt, nghê của người Việt thường nhỏ nhắn, vì đặt dưới bệ thấp sẽ tạo sự hài hòa với con người.

“Đầu nghê thường nhìn lên, tạo sự giao cảm với con người chứ không ngăn cách, thị uy như linh vật ngoại lai. Người ta thường nói là nói cười như nghê là bởi con nghê mang lại niềm vui, sự hoan hỉ cho con người”- ông Thế phân tích.

Trước làn sóng linh vật ngoại lai tràn ngập cơ sở tín ngưỡng tôn giáo người Việt, nhiều người mong muốn để hình tượng nghê sống dậy, thậm chí có người nói cần “cấp sổ đỏ” cho nó trong ngôi nhà linh vật Việt.

“Tuy nhiên, để nghê Việt không bị mai một và quên lãng, tôi nghĩ trong xã hội hiện đại nhiều áp lực, con người cần cái gì đó vui vẻ, thì nghê làm được, vì trạng thái biểu cảm tốt. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đưa nghê hòa nhập đời sống, ngoài sản xuất cung cấp cho các đình, đền trong cả nước, hình tượng con nghê có thể được sử dụng làm sản phẩm trang trí, đồ lưu niệm”- TS Trần Hậu Yên Thế nói và khẳng định: “Tôi cũng đã từng là người lính và trên một khía cạnh nào đó, văn hóa đúng là một mặt trận. Niềm tự hào tự tôn dân tộc là cần thiết, chính đáng, nó lành mạnh và không hề vì bài ngoại và mang tính cực đoan dân tộc chủ nghĩa”.

Trong cuộc đấu tranh bài trừ linh vật ngoại lai và tôn vinh những linh vật đã gắn bó với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt các chuyên gia cũng cho rằng, nên hiểu đúng chiều kích văn hóa nó quy định hình thể, chất liệu, kiểu dáng của linh vật Việt.

Không nhất thiết phải đồ sộ, không nhất thiết phải bóng lộn, không nhất thiết phải hoành tráng. Đền miếu cốt là trang nghiêm, thành kính, chân thành không cần phải hoành tráng vô lối...

Theo Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Công văn 2662 của Bộ VHTTDL tổ chức mới đây tại Hà Nội, hoạt động sản xuất, chế tác linh vật theo mẫu ngoại lai giảm rõ rệt, lượng khách hàng đặt mua linh vật có yếu tố ngoại lai rất hiếm, thay vào đó, một số mẫu linh vật truyền thống đang được các nghệ nhân nghiên cứu, chế tác và bắt đầu tìm được thị trường tiêu thụ.

Tại TPHCM, việc sử dụng, trưng bày, sản xuất, cung tiến các biểu tượng, linh vật đã được các nghệ nhân, tổ chức và nhân dân nhìn nhận một cách khoa học và nghiêm túc.

“Nếu như gần đây, 3 ngôi chùa tại quận Thủ Đức, Hội quán Nghĩa An tại quận 5 và di tích Lăng Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh vẫn trưng bày các sản phẩm, linh vật không phù hợp, thì hiện nay tại đây đã không còn nữa”- phó giám đốc Sở VHTT TPHCM Võ Trọng Nam nói.

Còn tại Ninh Bình, địa phương này đã đưa 10 sư tử đá ngoại lai ra khỏi di tích Cố đô Hoa Lư, chùa Nhất Trụ (huyện Hoa Lư) và đền Đức Thánh Nguyễn (Gia Viễn), tạo hiệu ứng xã hội tích cực.

“Đặc biệt, trào lưu sử dụng sư tử đá để trang trí nội, ngoại thất ở các gia đình, trụ sở công ty, nơi làm việc… gần như rất hiếm gặp. Ở làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân và các công ty tư nhân, hoạt động sản xuất, chế tác linh vật theo mẫu ngoại lai giảm rõ rệt, lượng khách hàng đặt mua linh vật có yếu tố ngoại lai rất ít, thay vào đó, một số mẫu linh vật truyền thống đang được các nghệ nhân nghiên cứu, chế tác và bắt đầu tìm được thị trường tiêu thụ” - phó giám đốc Sở VHTT Ninh Bình Nguyễn Cao Tấn cho biết.

Tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Ninh, Sơn La… cũng đã có những chuyển biến đáng kể khi có nhiều nhà nghiên cứu, giáo viên và các bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống đã tìm hiểu, nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá việc sử dụng biểu tượng, linh vật thuần Việt.

Trong đó, các nhóm Đình làng Việt, Linh vật cổ vật truyền thống Việt Nam, Chùa Việt… đã có những việc làm thiết thực để vận động, tuyên truyền, góp phần hạn chế việc tiếp nhận, đưa hiện vật lạ vào di tích.

T.Nam

Thư Hoàng