Đưa giáo dục liêm chính vào nhà trường
Xung quanh việc “quà biếu” Tết, trao đổi với phóng viên ĐĐK, ông Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Lễ Tết, nhất là dịp tết cổ truyền là thời điểm những hành vi này bùng phát; cho nên cần tăng cường nhắc nhở. Tuy nhiên, bên cạnh nhắc nhở, khi vi phạm cần xử lý nghiêm mang tính răn đe để không bị biến tướng trong việc biếu tặng.
TS Phạm Tất Thắng.
PV:Thưa ông, ông nghĩ sao khi mới đây Ban Bí thư ra Chỉ thị 16 nhắc lại quy định cấm biếu quà Tết lãnh đạo. Đây là vấn đề không mới nhưng năm nào cũng phải nhắc nhở. Vậy làm sao để việc này đi vào ý thức của từng người, và cần tiến tới xây dựng một chế độ liêm chính?
TS Phạm Tất Thắng: Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục liêm chính, phòng chống tham nhũng trong xã hội, đặc biệt là nhóm đối tượng có khả năng liên quan đến tham nhũng nhiều hơn. Lễ Tết nhất là dịp Tết cổ truyền là thời điểm những hành vi này bùng phát; cho nên cần tăng cường nhắc nhở; rồi nêu lên cách thức, giải pháp để thực hiện. Nhưng tôi cho rằng, bên cạnh nhắc nhở quan trọng là cần đưa ra những giải pháp, khi vi phạm cần xử lý nghiêm mang tính răn đe, với các chế tài xử lý đích đáng. Từ đó làm sao cho việc xử lý phải mang tính răn đe đối với những người khác để không dẫn đến các sai lầm tương tự.
Sâu xa của vấn đề là cần hướng tới xây dựng một chế độ liêm chính. Vậy ông nghĩ sao khi Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã đặt ra vấn đề xây dựng chế độ liêm chính và đề nghị giáo dục liêm chính cần đưa vào chương trình giáo dục phổ thông?
-Trong bối cảnh hiện nay đặt ra mục tiêu hướng tới xây dựng chế độ liêm chính là đúng. Bởi rõ ràng, phòng chống tham nhũng có hiệu quả đòi hỏi sự tham gia của nhiều tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên tôi cho rằng, đưa giáo dục liêm chính vào nội dung học phổ thông tại các nhà trường cần cân nhắc. Vì hiện nay chúng ta phải cải cách chương trình giáo dục phổ thông một phần vì chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông quá nặng, quá nhiều nội dung. Trong xu hướng cải cách, để giảm tải cho chương trình phổ thông rất nên cân nhắc trong việc đưa các nội dung về giáo dục liêm chính vào trong chương trình giáo dục phổ thông.
Trong xây dựng chế độ liêm chính, việc tuyên truyền để có nhận thức về liêm chính trong phòng, chống tham nhũng cần phải làm một cách rộng rãi tới nhiều tầng lớp trong xã hội.
Tuy nhiên, để thực sự có hiệu quả nên tập trung vào một số nhóm có khả năng, có thể có hành vi tham nhũng.Ví dụ đội ngũ cán bộ công chức. Hay Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đang đặt vấn đề có thể mở rộng ra cả đối với khu vực tư. Những đối tượng quản lý doanh nghiệp tư, đặc biệt doanh nghiệp có khả năng liên quan đến hệ thống ngân hàng, xây dựng liên quan đến câu chuyện “bên A, bên B”. Vì thế nên tập trung vào nhóm đối tượng có khả năng cao liên quan đến tham nhũng. Nếu làm tràn lan e rằng sẽ không có hiệu quả. Tức là cần có đối tượng chung để tuyên truyền, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Nhưng cũng có nhóm đối tượng cần tuyên truyền sâu hơn, từ nhận thức phải chuyển thành hành động để làm sao không có các hành vi không liêm chính, nghĩa là mắc sai phạm.
Người dân rất bức xúc về nạn tham nhũng vặt. Vậy trong việc giáo dục liêm chính đối với cán bộ công chức, tiến tới xây dựng một chế độ liêm chính, chúng ta cần tập trung vào nhóm đối tượng này?
-Cán bộ công chức là nhóm đối tượng cần tuyên truyền tập trung bởi hai lý do. Thứ nhất, những đối tượng sắp đi làm trong tương lai gần, và đã đi làm nhưng làm việc ở những vị trí dễ có khả năng tham nhũng. Thứ hai, tham nhũng vặt liên quan chủ yếu đến cán bộ công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân. Điều người dân bức xúc nhất chính là tham nhũng vặt vì hàng ngày người dân tiếp xúc với cán bộ, đi giải quyết các thủ tục hành chính bị vòi vĩnh, người dân cảm thấy bức xúc. Cho nên đó chính là nhóm đối tượng cần phải tập trung giáo dục tuyên truyền.
Trong xây dựng chế độ liêm chính, rất cần sự đánh giá của người dân về bộ máy công quyền. Có lẽ đây cũng là lúc để các nơi đẩy mạnh việc lấy ý kiến, lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá về cán bộ, và hiệu quả của bộ máy, thưa ông?
-Đó là một cách, cũng là một kênh đánh giá. Trong đánh giá cán bộ chúng ta phải có nhiều kênh đánh giá. Từ đánh giá của đồng nghiệp, cơ quan, rồi hiệu quả công việc được giao một cách cụ thể. Với bộ phận công chức liên quan đến phục vụ người dân chắc chắn phải lấy ý kiến của người dân. Thông qua việc đánh giá thái độ, rồi cách ứng xử, hiệu quả, thời gian giải quyết công việc, mức độ thực hiện đúng quy định về thời gian giờ giấc giao tiếp. Và theo tôi đây chính là kênh quan trọng nhất để đánh giá cán bộ công chức, nhất là cán bộ công chức hàng ngày trực tiếp làm việc với dân.
Trân trọng cảm ơn ông!