Hà Giang cần phát triển mạnh du lịch
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch với các điểm đến nổi tiếng như: Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Cột cờ Lũng Cú, Khu di tích kiến trúc Nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng... đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Đẩy mạnh việc đưa hình ảnh Hà Giang đến với du khách - Ảnh:hagiang.gov.vn.
Làm tốt công tác truyền thông, nhất là đưa hình ảnh của địa phương đến với du khách, khôi phục, giữ gìn các lễ hội và những nét văn hóa truyền thống. Phấn đấu đến năm 2020 thu hút được 3 triệu khách du lịch.
Đó là chỉ đạo trong thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, năm 2018 và các năm tiếp theo Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Giang cần phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, khắc phục tồn tại, hạn chế, khai thác tiềm năng, lợi thế có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đề ra giải pháp đột phá, quyết liệt để xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện với tầm nhìn "là tỉnh phên dậu kiểm mẫu phía Bắc giảm nghèo bền vững thành công nhất".
Tỉnh Hà Giang cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, xã hội hóa đầu tư bằng các hình thức thích hợp, hoàn thành việc xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa, vùng phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tạo ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, tập trung trồng rừng, dược liệu gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị kinh tế; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, đảm bảo chất lượng và phát triển các vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy lợi thế về địa lý, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, du lịch, thủy điện, kinh tế biên mậu, xuất, nhập khẩu, vùng nguyên liệu gỗ, cây dược liệu,... để phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, khai khoáng, chế biến nông lâm sản, dịch vụ thương mại biên giới; quản lý, khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và kết cấu hạ tầng giao thông.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hà Giang chú trọng công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững và các chính sách giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; tiếp tục phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng thứ bậc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.