Dịch giả Giáp Văn Chung: Viết, với những nhà văn chân chính, tức là sống
Dịch giả Giáp Văn Chung, người Việt định cư tại Hungary, tháng 10-2017 được trao tặng Huân chương Công trạng Chữ thập vàng Hungary ngạch Dân sự, phần thưởng cao quý của Nhà nước Hungary, cho những nỗ lực bền bỉ trong nhiều năm qua để dịch thuật, giao lưu văn hóa giữa hai nước. Ông trả lời phỏng vấn về những nét đặc biệt của một nền văn học vĩ đại được đơm chồi từ một đất nước nhỏ bé.
Dịch giả Giáp Văn Chung.
PV:Thưa dịch giả Giáp Văn Chung, bạn đọc Việt Nam chỉ mấy năm gần đây mới được biết nhiều hơn về văn học Hungary, tuy chưa phải là tất cả nhưng bắt đầu hình dung được một diện mạo. Là người chuyển ngữ, ông thấy nền văn học này được đánh giá như thế nào trên thế giới?
Dịch giả Giáp Văn Chung: Một nước nhỏ như Hungary nhưng có nền văn học đáng kinh ngạc, đáng trân trọng, với bề dày khoảng 1000 năm. Hungary có lẽ là đất nước có số giải Nobel tính trên đầu người vào loại cao nhất trên thế giới (15 giải trên 10 triệu dân), trong đó có 1 nhà văn là Kertész Imre. Cũng nói thêm rằng rất nhiều nhà văn Hungary đã được đề cử Nobel, cũng có người đã lọt vào vòng cuối cùng rồi, như năm mà Mạc Ngôn (Trung Quốc) được trao giải thì László Krasznahorkai (tác giả Chiến tranh và chiến tranh) cũng vào vòng 5. Có một khó khăn là tiếng Hungary rất khó, nên việc chuyển ngữ sang ngay cả các nước châu Âu cũng bị hạn chế. Đó là thứ ngôn ngữ đứng đơn lẻ trong đại gia đình các ngôn ngữ Châu Âu, vì người ta cho rằng trong lịch sử người Hungary có gốc gác từ miền Trung Á. Họ đã làm cuộc di dân trải qua 500 năm đi gần về phương Tây và cuối cùng đến thế kỷ thứ 10 thì họ đến định cư tại lòng chảo Cacpat, trung tâm là mảnh đất Hungary hiện nay.
Như vậy, thưa ông, tầm cỡ một nền văn học hay nói rộng hơn là một nền văn hóa không phụ thuộc vào nước nhỏ hay nước lớn?
- Lịch sử Hungary đã trải qua rất nhiều giai đoạn bi thương. Có lẽ vì thế mà văn học Hungary đa số mang một âm hưởng bi thương. Nhiều người hỏi tôi tại sao một nước nhỏ như thế mà có nhiều tác gia lớn như thế? Tôi nghĩ nó như một cây cảnh, nếu được cắt tỉa thì mới lên được hình hài đẹp. Có lẽ Hungary cũng có nhiều tổn thất đau thương như vậy, chia rẽ đất nước, và số người bị mất mát rất lớn, liên tục có 160 năm nằm dưới ách thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó có nhiều thế kỷ bị triều đình Áo thống trị, liên tục xảy ra những cuộc đấu tranh vì tự do. Vì thế dân tộc Hung cũng có ý chí quật cường bên cạnh một lịch sử bi thương. Người ta nói nhiều khi không phải người chiến thắng mới anh hùng, mà nước mắt lại dành cho người thất bại. Đấy cũng là điều làm nên đặc tính của văn học Hungary hiện nay.
Lịch sử bi thương có lẽ đó chỉ là một phần để làm nên nền văn học vĩ đại. Theo ông thì thực sự vấn đề nền tảng nào đã giúp văn học Hung phát triển, bởi vì không phải bất cứ dân tộc nào có quá khứ bi thương cũng có nền văn học phát triển?
- Thực ra đây là một câu hỏi không dễ. Tôi cũng chỉ có thể nói phỏng đoán của mình thôi. Thứ nhất, dân tộc Hungary là một dân tộc có nguồn gốc từ châu Á. Trong cuộc di dân 500 năm từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 10 sang vùng lòng chảo Cacpat thì họ tiếp xúc và giao lưu với rất nhiều dân tộc mà họ bắt gặp trên đường đi, ngay cả với những dân tộc chiến đấu với họ hay họ chinh phục được. Khi đến mảnh đất hiện nay là Hungary thì sự pha tạp đã khá lớn rồi. Người Hungary thường nói bây giờ ở Hung mà tìm được một người gốc Hung hoàn toàn, là không có nữa, rất hiếm. Tôi nghĩ một trong những lý do là họ tiếp biến được nền văn hóa của rất nhiều dân tộc khác, nên chỉ số IQ của người Hungary rất cao. Qua con số được giải Nobel của họ cũng có thể thấy. Người Do Thái gốc Hung cũng được coi như người Hung vì dân tộc Do Thái hòa nhập vào xã hội Hungary khá sớm. Thành phố Budapest là thành phố rất đẹp, được như là Paris của Đông Âu, cũng có sự đóng góp của người Do Thái rất nhiều vào diện mạo đó. Người ta nói người Do Thái sau 40 năm có mặt ở Hungary đã nắm bắt toàn bộ lĩnh vực truyền thông và một số ngành công nghiệp chính yếu.
Tôi không phải nhà nghiên cứu, nhưng được biết với phong trào Phục hưng, Hungary cũng chỉ bắt đầu sau nước Ý thôi. Khi đó họ đã có một sự giao lưu văn hóa tương đối lớn. Hay thư viện của nhà thờ Công giáo ở Hungary, chỉ sau thư viện của Vatican, ngay từ thế kỷ thứ 15-16. Ngay từ năm 1825 Hungary đã thành lập Viện hàn lâm khoa học rồi, là một trong những nước sớm nhất ở Châu Âu thành lập Viện hàn lâm khoa học. Tức là họ cũng có một nền tảng văn hóa tương đối sớm so với các nước Châu Âu. Khoảng cuối thế kỷ 18, một nhà quý tộc cầm đầu Chính phủ lúc đó, có một chính sách giáo dục rất cởi mở, nghiên cứu tất cả các nền giáo dục tiên tiến ở phương Tây. Người ta nói những thành quả của giáo dục Hungary có được vẫn xuất phát từ chính sách giáo dục của ông ấy cuối thế kỷ 18. Nền tảng văn hóa của họ tiếp xúc với văn hóa phương Tây rất sớm. Khoảng thế kỷ 17 ở Hungary nói tiếng Hung nhưng viết bằng tiếng Latinh. Và họ tiếp xúc với tất cả các nền văn học, văn hóa tiếng latinh rất phổ biến ở Châu Âu thời đó. Đấy chắc cũng là một trong những lý do để làm nên nền văn học Hung có tầm cỡ ở Châu Âu.
Thưa ông, cách để chúng ta nhận diện một nền văn học, một nền văn hóa lớn là gì? Các tác giả lớn người Hungary đang đặt ra vấn đề gì với nhân loại?
- Các bạn có thể thấy ngay trong cuốn Chiến tranh là chiến tranh của László Krasznahorkai, với nghệ thuật tiểu thuyết lồng trong tiểu thuyết, nhưng câu chuyện liên tục là cuộc trốn chạy khỏi chiến tranh của 4 nhân vật chính. Chúng ta chỉ thấy có đổ vỡ và đổ vỡ mà thôi. Bản thân tác giả hiện nay rất hot ở Châu Âu, được đánh giá rất cao. Nhưng nếu chúng ta tìm yếu tố lạc quan, hy vọng ở tiểu thuyết thì rất ít.
Tôi nghĩ rằng các nhà văn lớn đều có một khả năng dự cảm, dự báo tương lai. Nếu chúng ta nhìn thế giới khoảng mươi, mười lăm năm nay, chúng ta sẽ thấy khắp nơi là bạo lực. Chiến tranh sắc tộc ở Châu Phi, ở Trung Cận Đông, hay chiến tranh sắc tộc ở các nước Nam Tư cũ, hiện nay là chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới… Tôi nghĩ các nhà văn với tác phẩm của mình đã góp phần dự báo và cảnh báo nhân loại là chúng ta đang đứng trước nguy cơ rất lớn.
Một trường hợp cụ thể, như Szabó Magda tác giả cuốn Cánh cửa, người đã từng bị cấm viết mấy chục năm. Trong thời gian đó, bà vẫn viết được mấy chục cuốn nữa và những tác phẩm đó vẫn rất có giá trị. Như ông nói, tôi hình dung những nhà văn tài năng hay không sẽ thể hiện bằng tác phẩm, chứ hoàn cảnh sẽ không phải là lý do cho việc họ viết hay là không viết được tác phẩm hay?
- Không phải ngẫu nhiên Szabó Magda được mệnh danh một danh hiệu rất cao quý là “Người đàn bà viết” của Hungary. Trong viết lách hiếm khi người ta đưa ra danh hiệu đó. Bà là giáo viên văn và từng học triết học, tức là có phông kiến thức rất rộng. Nếu đọc trong Cánh cửa các bạn có thể đấy bà trích rất nhiều những điển tích của La mã thời cổ đại.
Tôi nghĩ bao giờ đối với các nhà văn viết cũng là sự thôi thúc nội tâm. Mặc dù họ bị cấm không được in nhưng viết thì không ai cấm được họ cả. Riêng Szabó Magda thì viết rất khỏe. Ở các hiệu sách Hungary sau Márai Sándor thì sách của bà cũng chiếm một góc rất trang trọng và rất lớn. Đặc biệt câu chuyện kể của bà không có gì to tát cả, mà chỉ vì khả năng kể chuyện và khả năng phân tích tâm lý rất tài tình, nên sách của bà là một trong những tác phẩm được đọc và dịch nhiều nhất ở Hungary. Ví dụ như cuốn Cánh cửa được dịch ra khoảng 40 thứ tiếng trên thế giới. Những nhà văn chân chính thì họ không đầu hàng hoàn cảnh. Viết bao giờ với họ cũng là một sự thôi thúc nội tâm. Viết, đối với họ tức là sống, tôi nghĩ như vậy.
Từ sự phát triển rực rỡ của nền văn học trong đất nước Hungary nhỏ bé, theo ông có thể có những bài học kinh nghiệm gì đối với các nền văn học của các nước nhỏ khác, cụ thể như Việt Nam?
- Điều quan trọng tôi nhận xét thấy, văn học Hungary làm được như vậy thì nhà văn phải có một sự hiểu biết rất sâu rộng, một phông văn hóa rất lớn. Ví dụ để viết Chiến tranh là chiến tranh, tác giả của nó đã phải bỏ cả năm trời để đi đến hết các địa điểm mà ông nhăc tới trong tiểu thuyết. Họ kỳ công như thế, chứ không chỉ viết bằng kinh nghiệm hay cảm tính. Các nhà văn chúng ta, một là vì điều kiện địa lý nước ta xa cách những trung tâm văn hóa lớn của thế giới; hai là ngoại ngữ như một công cụ rất cần thiết để tiếp cận với văn học thế giới thì cũng không phải mạnh lắm.
Tôi nghĩ chúng ta muốn có tác phẩm lớn, đến được với thế giới thì chúng ta phải hiểu biết thế giới. Nếu chúng ta chỉ tự khen nhau là hay, là lớn nhưng người ngoài không công nhận thì cũng phải chịu. Tôi biết nói thế này có thể động chạm, nhưng tôi nói với tinh thần xây dựng. Anh Trương Đăng Dung (trước cũng từng ở Hungary về, nguyên là Viện phó Viện văn học) có nói một câu tôi rất tâm đắc, là ông chọn dịch những tác phẩm khó, những tác phẩm hiện đại, hậu hiện đại như thế để anh em trong nước biết là người ta viết như thế nào, văn học của người ta đang hướng tới đâu. Đây là một tâm sự rất chân thành của tôi.
Ông cũng đã dịch văn học Việt ra tiếng Hungary?
- Thực ra tôi chưa làm được nhiều. Tôi có cùng một số bạn chủ biên và cùng viết lời giới thiệu làm một tuyển tập truyện ngắn Việt Nam sang tiếng Hung, được NXB Nhật ký Hungary ấn hành. Cũng khoảng 5-6 năm rồi. Trong đó tôi có dịch những chuyện như Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Vũ điệu cái bô (Nguyễn Quang Thân)… đặc biệt tôi đã “liều mạng” dịch Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Tác phẩm đó không dễ dịch, tôi phải liên hệ với Nguyễn Ngọc Tư một số lần để trao đổi. Nhưng cuối cùng ban biên tập đọc lại nói rất thích truyện đó, chứng tỏ họ có thể tiếp nhận được. Khi làm tôi cũng muốn thử nghiệm xem mình dịch ngược bạn có chấp nhận không, tất nhiên phải có người Hungary biên tập lại kỹ càng. Sau đó tôi có bắt tay vào dịch Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, nhưng rất tiếc là khi mua bản quyền thì nhà văn Bảo Ninh cho biết bản quyền cuốn này đã bán cho 1 NXB lớn ở Anh, phía NXB Hungary liên hệ mấy lần không được nên tôi cũng tạm bỏ dở đó. Tôi dự định sẽ dịch Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, một tiểu thuyết rất hay và cũng sẽ không vướng bận chuyện bản quyền…
Với những tác phẩm Việt đã in tại Hungary, độc giả có phản hồi như thế nào thưa ông?
- Không có một thống kê hay phản hồi lớn nào. Nhưng cuốn Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam, có ý kiến trên truyền hình Hungary nói rằng truyện rất hay, rất nên đọc. Thậm chí họ nói đây là cuốn sách yêu thích của họ. Tôi không biết số đông bạn đọc đại chúng như thế nào, nhưng sách đã bán hết thì cũng là một tín hiệu vui. Đợt đó có giao ước giữa hai Hội nhà văn, là bên phía Hungary sẽ làm một tác phẩm của Việt Nam và ngược lại. Nhưng bên kia không có người làm. Hungary bây giờ có chính sách hướng đông, mà họ thấy Việt Nam là nước duy nhất có khoảng 3000-4000 du học sinh từng du học trở về, nên họ muốn Việt Nam trở thành một cầu nối để phát triển quan hệ với các nước ở Đông Nam Á. Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam cũng đề nghị dịch 5-6 cuốn sách của họ, không phải cuốn nào cũng là sách văn học. Tôi có nói là cuốn nào có bản tiếng Anh rồi thì mời các dịch giả tiếng Anh. Cần lắm thì tôi sẽ dịch 1-2 cuốn vì mình cũng không đủ sức để làm.
Nhưng điểm lại quá trình dịch thuật văn học Hungary ra tiếng Việt mấy năm qua, thấy ông gần như đơn thương độc mã trong hành trình nhọc nhằn này?
- Dự án thì nhiều nhưng có một khó khăn là đội ngũ dịch tiếng Hungary sang tiếng Việt không có. Như tôi đã nói dịch phải đam mê và rất khổ công, trong khi nhuận bút dịch ở nhà không đáng là bao cả. Nên lớp trẻ sau này dù tôi có động viên nhưng vẫn chưa có lớp kế cận. Mình cũng cao tuổi rồi mà nay mai không làm nữa thì sẽ đứt đoạn. Lớp trước như bác Lê Xuân Giang tuổi đã cao, hay như anh Trương Đăng Dung thì đã chuyển sang nghiên cứu.. Có nhiều bạn trẻ tiếng Hung rất giỏi nhưng còn bận mưu sinh nên chưa có người dấn thân. Bản thân đại sứ Hungary tại Việt Nam cũng động viên tôi làm thế nào tập hợp được đông đảo hơn lực lượng dịch văn học, văn hóa Hung ra tiếng Việt. Dịch giả Lê Xuân Giang hôm sang nhận Huân chương cũng nói, làm thế nào phải có đội ngũ kế cận vài ba người, nếu không sẽ có sự đứt đoạn trong việc giới thiệu văn học Hungary. Mong muốn đấy nhưng chưa thực hiện được.
Vậy là ông sẽ vẫn kiên trì con đường dịch thuật này?
- Vì ngay từ đầu tôi xác định chỉ chọn những tác phẩm có giá trị lâu bền, bất kể là khó hay thế nào tôi vẫn làm liên tục, nên thực ra số đầu sách mình làm không được nhiều. Nếu mình chọn số đầu sách nhẹ hơn thì có thể số lượng sách sẽ được lớn hơn. Cho đến nay tôi in khoảng 15 cuốn, chủ yếu là sách văn học in ở Nhã Nam. Qua phản hồi của NXB cũng như đánh giá của bạn đọc đều đánh giá các bản dịch của tôi tương đối nhuyễn, giàu chất văn, tin cậy. Tôi cũng xác định mình không có một sức ép nào là phải làm bao nhiêu cả. Hơn nữa mình là người ngoại đạo, không học văn chương, chắc chắn là gặp khó khăn nhiều hơn so với các bạn được đào tạo cơ bản về văn chương, nên tôi xác định luôn luôn lấy sự khiêm tốn làm đầu. Chỗ nào không hiểu tôi có thể hỏi từ cụ già đến em nhỏ ở Hungary mà không ngại gì, tôi không giấu dốt. Mình cần lấy sự cẩn trọng và cần cù để mình bù lại. Các bạn đọc gặp tôi nói rất yêu thích cuốn này cuốn khác. Đấy là những tín hiệu động viên người dịch rất nhiều. Khi bỏ công sức, lao tâm khổ tứ dịch và nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc là điều an ủi rất lớn đối với người dịch.
Với riêng mình, việc dịch thuật có khó khăn nhưng cũng có niềm vui như người leo núi vậy. Nhọc nhằn lên đến đỉnh, xong một việc cũng thấy thực sự hạnh phúc. Hôm in xong cuốn Không số phận, tôi đến lấy được 10 cuốn sách mới còn thơm mùi mực, trên đường về ngồi ở quán nước chè giở ra xem lại, nghĩ Không số phận đã đến Việt Nam, tự nhiên có một niềm vui khó tả. Hạnh phúc tràn ngập vì mình đã chia sẻ được cuốn sách yêu thích cho bạn yêu văn chương Việt.
Xin cảm ơn ông!
Đọc “Cánh cửa” của Szabó Magda –trong mạch đọc lôi cuốn liền không dứt, người đọc có thể bàng hoàng nhận những day dứt của kiếp người được dẫn dắt trong mê cung tâm lý từ một ngòi bút bậc thầy. Và người đọc hiểu vì sao Szabó Magda được coi như là “bà hoàng của văn học Hungary”. Còn đối với những cuốn Bốn mùa, Trời và Đất của Márai Sándor, không ít người kinh ngạc trước tầm tư tưởng vĩ đại từ những đoạn văn suy niệm triết lý, cô đọng. Những giọng văn rất khác nhau, của những nhà văn – nhà tư tưởng lớn ấy, được chuyển ngữ sang tiếng Việt, vẫn giữ được cái hồn vía lấp lánh của nguyên tác, qua cầu nối có tên Giáp Văn Chung. |
Dịch giả Giáp Văn Chung là cựu du học sinh Khoa Giao thông, Ðại học Kỹ thuật Budapest thời kỳ 1970-1976. Năm 1977, ông về nhận công tác ở ĐH GTVT Hà Nội, tham gia giảng dạy. Năm 1988 ông quay lại Hungary làm nghiên cứu sinh. Năm 1991 ông bảo vệ luận án tiến sĩ và ở lại giảng dạy tại trường đại học Bách khoa Budapest. Từ 1997 ông làm kinh doanh tự do tại Hungary. Các tác phẩm văn học Hungary đã được Giáp Văn Chung dịch và xuất bản tại Việt Nam gồm: “Những ngọn nến cháy tàn”, “Bốn mùa”, “Trời và Đất”, “Casanova ở Bolzano”, “Lời bộc bạch của một thị dân” của Márai Sándor; “Thế giới là một cuốn sách mở” của Lévai Balázs; “Không số phận”, “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” của của Kertész Imre; “Cánh cửa” của Szabó Magda; “Chiến tranh và chiến tranh” của László Krasznahorkai... |