Hệ thống Mặt trận phải là một hệ thống không có tham nhũng
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, sắp tới trong toàn quốc, hệ thống Mặt trận phải là một hệ thống không có tham nhũng, mỗi địa phương phải phát hiện vụ việc tham nhũng để báo cáo cấp ủy để cấp ủy xử lý.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận tại buổi thảo luận tổ.
Ghi nhận các ý kiến thảo luận tại tổ, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định ý kiến của đại biểu sẽ được bổ sung vào báo cáo, vào đề án nhân sự và chương trình hành động của MTTQ Việt Nam.
Cũng theo người đứng đầu Mặt trận, trong thời gian qua, những ý kiến cử tri và nhân dân phản ánh lên Mặt trận tại 2 kỳ họp Quốc hội đều được Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo và giao cho các bộ ngành giải quyết.
Sự tham gia của nhiều Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương trong việc tham dự ngày hội đại đoàn kết thời gian qua cũng chính là một cách để lắng nghe ý kiến của nhân dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với hệ thống Mặt trận.
Nhắc lại quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi cho rằng, Mặt trận có bàn tay sạch, không có dự án, không liên quan đến tiền bạc nhiều, cho nên Mặt trận phải vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, huy động toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, sắp tới trong toàn quốc, hệ thống Mặt trận phải là một hệ thống không có tham nhũng, mỗi địa phương phải phát hiện vụ việc tham nhũng để báo cáo cấp ủy để cấp ủy xử lý.
Để tiếng nói người dân đến với chính quyền
* Là một người cống hiến cho công tác Mặt trận từ khi còn đương nhiệm đến khi về hưu, điều trăn trở của PGS. TS Trần Hậu (nguyên Giám đốc Trung tâm lý luận UBTƯ MTTQ Việt Nam) là vai trò của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Ông Trần Hậu phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
Hiện nay, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư rất cực, rất vất vả, tối ngày tối đêm, chính sách chế độ non yếu, trách nhiệm lớn nhưng quyền hạn không có. Người dân luôn tin tưởng Mặt trận và tìm đến Mặt trận để chia sẻ tâm tư, tuy nhiên, nhiều khi Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư chỉ có thể lắng nghe, không thể giải quyết.
Chính vì vậy ông Trần Hậu cho rằng cần phải quan tâm đến vấn đề dân chủ ở cơ sở, phải tính toán lại chính quyền ở cơ sở, xã phường để tiếng nói của người dân đến với chính quyền ở xã, phường.
Cần kênh thông tin tình hình trên biển
Ông Nguyễn Việt Thắng phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
* Đồng quan điểm với ý kiến của ông Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện hải quân, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, thông tin trên biển hầu như báo chí không phản ánh mà chủ yếu lấy thông tin ở báo nước ngoài.
“Tại sao chúng ta lại phải nhờ tiếng nói của người khác? Hiện Việt Nam chưa có tiếng nói chính thống về các vấn đề trên biển, Mặt trận cần lên tiếng để làm sao có kênh thông tin rõ ràng hơn về tình hình trên biển”, ông Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh.
Tiêu chí “đô thị văn minh”
* Chia sẻ về công tác Mặt trận ở cơ sở, ông Phan Hoà, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, để thực hiện được nhiệm vụ giám sát, phản biện, Mặt trận phải độc lập và không phụ thuộc vào chính quyền.
Ông Phan Hòa phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
Trong công tác xây dựng nông thôn mới có tiêu chí rõ ràng, tuy nhiên phong trào đô thị văn minh còn mờ nhạt. Ông Hoà đặt vấn đề như thế nào là đô thị văn minh? Mặt trận và các cơ quan chức năng phải đưa ra tiêu chí rõ ràng về đô thị văn minh và phải đưa ra mục tiêu thực hiện phong trào như thế nào. Bởi thực tế hiện nay nhiều khu dân cư ở đô thị không xứng đáng và không đáp ứng đủ các tiêu chí đô thị văn minh vì ô nhiễm môi trường, tắc đường,.. những yếu tố này không đáng sống so với các xã nông thôn mới.
“Việc có tiêu chí rõ ràng về xây dựng đô thị văn minh cũng là một cách để các đô thị cấp hai, cấp ba phấn đấu”, ông Phan Hoà nhấn mạnh.
Có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Hiện nay, nhiều vụ việc tham nhũng bị phanh phui lại không thấy có bóng dáng của Thanh tra Chính phủ, thanh tra liên ngành mà lại xuất phát từ tố cáo của nhân dân và báo chí.
Do vậy, ông Phan Hoà cho rằng, khi phát hiện được hiện tượng tham nhũng lãng phí, cần phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng vì những người tố cáo không cần khen thưởng mà cần bảo vệ an toàn.
Ngoài việc chống tham nhũng ra thì việc chống lãng phí phải được quan tâm nhiều hơn nữa, ông Hoà đề xuất. Lãng phí phải được quan tâm và phải xử lãng phí về phương diện kinh tế cũng như luật pháp.
Nông thôn mới phải gắn với nông nghiệp sạch
Viện sĩ Trần Đình Long phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
* Dành nhiều quan tâm cho chương trình xây dựng nông thôn mới, Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cho rằng, đây là chương trình lớn mà Mặt trận tham gia, do vậy trong xây dựng chương trình hành động, Mặt trận cần phải xây dựng Hội thảo về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
“19 tiêu chí nông thôn mới được hoàn thiện nhưng không gắn liền với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn. Cho nên Mặt trận phải nâng cao nhận thức của người dân để từ đó phát triển bền vững”, Viện sĩ Trần Đình Long chia sẻ.
Mặt trận vận động nhân dân lên tiếng
* Ông Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên Trưởng Ban Tổ chức, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc thảo luận tại tổ là sự đổi mới và tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu tại các hội nghị trước đó.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
Tuy nhiên, ông Vĩnh cũng cho rằng, hoạt động của Mặt trận cần phải thiết thực hơn. Mặt trận vận động nhân dân phải lên tiếng về các vụ việc tham nhũng thì phải có biện pháp bảo vệ nhân dân tố cáo tham nhũng.
Cũng như phải lên tiếng phổ biến tác hại của việc sản xuất thực phẩm bẩn, hiện tượng “lợn hai chuồng, rau hai luống”….
Ngày 4/1 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17 về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2019-2024.
Bày tỏ niềm vui mừng trước chỉ thị sớm của Ban Bí thư, ông Vĩnh cho rằng, chỉ thị đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể như Đại hội là một phong trào thi đua, trong đó có những điểm mới, mạnh mẽ như Thường vụ cấp uỷ sang làm Bí thư Đảng đoàn và trực tiếp là Chủ tịch Mặt trận.
Đưa bảo tồn văn hóa vào xây dựng nông thôn mới
* Đến từ Tây Nguyên, bà Linh Nga Niê Kdăm, dân tộc Ê đê, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn hoá Dân gian Việt Nam trăn trở với công tác bảo tồn các giá trị văn hoá.
Bà Linh Nga Niê Kdăm phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
Nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, bà Linh Nga Niê Kdăm cho rằng, Mặt trận nên chú trọng vấn đề bảo tồn văn hoá khi nông thôn mới vì thực tế hiện nay tại các buôn làng Tây Nguyên đều có nhà Rông. Trong khi nhà Rông chưa sử dụng hết mục đích thì lại phải xây dựng nhà văn hoá theo tiêu chuẩn nông thôn mới do vậy người dân không đồng thuận.
“Văn hoá mới là cái cốt”, nêu lên mệnh đề này, bà Linh Nga Niê Kdăm cho biết, hiện nay Việt Nam có 12 Di sản văn hoá, 12 di sản đó nằm khắp nơi trên đất nước. Làm thế nào để Mặt trận cùng góp phần bảo tồn được di sản văn hoá vì văn hoá mới là cái cốt. Cho nên cần phải bảo tồn văn hoá trong xây dựng nông thôn mới.
Bà Linh Nga Niê Kdăm cũng nhắc tới sự quan tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6 ở Cần Thơ hồi đầu năm 2017. Tổng Bí thư nhấn mạnh quan điểm cần phải quan tâm tới đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm tới đất sản xuất cho đồng bào dân tộc đồng thời thận trọng trong việc giao đất của đồng bào cho việc làm trang trại.
“Vì đất sản xuất là xương máu của đồng bào, là tâm huyết của đồng bào”, bà Linh Nga Niê Kdăm khẳng định.
Phòng, chống tham nhũng phải bỏ xin - cho
* Đánh giá cao 10 kết quả nổi bật của công tác Mặt trận trong năm 2017, ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng đã đến lúc cần đổi tên Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành Phong trào sản xuất hàng Việt Nam sẽ có ý nghĩa cao hơn.
Ông Võ Đại Lược phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
Trong công tác phòng chống tham nhũng, ông Lược cho rằng, tham nhũng đã là quốc nạn. Nhưng tại sao lại là quốc nạn, bởi vì chúng ta đang thực hiện cơ chế xin - cho, kiểu gì cũng có tham nhũng.
“Chúng tôi hoan nghênh việc trừng trị thích đáng những người tham ô, tham nhũng nhưng đồng thời Đảng, nhà nước cũng cần phải thay đổi cơ chế xin cho thành cơ chế thị trường phân bổ quyền lực thì tham nhũng dù vẫn có nhưng sẽ giảm ở mức thấp nhất”, ông Lược kiến nghị.
Theo ông Lược, tham nhũng là vấn nạn của nhiều quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam và quốc gia nào cũng đang vật lộn để tìm ra cách trừng trị nó.
“Đây là vấn đề rất lớn. Đòi hỏi sự quyết tâm cao của Đảng và cả hệ thống chính trị”, ông Võ Đại Lược khẳng định.
Trong công tác giám sát, nhiều văn bản quan trọng Trung ương lại không hỏi Mặt trận như dịch vụ công, đề án 12 nghìn tỷ... Theo ông Lược, Mặt trận cần được tiếp cận và phản biện những văn bản quan trọng hơn.
Còn giám sát thực tế, ông Lược cho rằng, nên chăng cấp huyện giám sát cấp xã, cấp tỉnh giám sát cấp huyện, trung ương giám sát các tỉnh. Mặt trận cũng cần có một chương trình giám sát trong một năm tập trung 2 đến 3 điểm, quy định rõ giám sát ở đâu, ai quyết định, đoàn giám sát được thành lập như thế nào.
Phát huy đạo đức của công dân
* Chia sẻ với các đại biểu tại cuộc thảo luận tổ, ông Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân bàn đến việc phát huy dân chủ ở cơ sở.
Ông Lê Kế Lâm phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
Theo ông Lâm, phải hiểu đây là một cuộc vận động hay để nhân dân đóng góp ý kiến vào xây dựng đảng, xây dựng chế độ. Bởi thực tế, việc giám sát dân chủ ở cơ sở chưa thực chất. Ví dụ phường có 300 hộ dân nhưng chỉ đi được 20 hộ, những ý kiến phát biểu không bám sát vào đời sống thiết thực chính. Vì vậy, Mặt trận phải suy nghĩ, làm thế nào để người dân nói được tâm tư nguyện vọng của mình đối với công việc của Đảng, nhà nước.
Đặc biệt, ông Lê Kế Lâm đề nghị đưa việc phát huy dân chủ ở cơ sở vào việc phát huy đạo đức của công dân.
“Đạo đức công dân đang báo động. Người buôn bán thì buôn hàng giả, hàng lậu, người sản xuất thực phẩm thì làm ra những thực phẩm ô nhiễm … Rõ ràng đạo đức công dân, trách nhiệm cộng đồng cần phải phát động thành cuộc vận động sâu rộng”, ông Lê Kế Lâm nhấn mạnh.
Trong công tác đối ngoại nhân dân, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân cho rằng, trên đất liền đã làm rất tốt nhưng chưa có cuộc vận động nào trên biển trong công tác đối ngoại với các nước Philippines, Indonesia, Singapore... để tạo thuận lợi hơn cho ngư dân của Việt Nam hành nghề trên biển.
Ông Lê Kế Lâm cũng nêu ra quan điểm, chống tham nhũng không nhất thiết phải tử hình mà làm sao lấy lại tài sản của họ, trả lại nhân dân để cũng nhà nước khôi phục lại kinh tế. Ví dụ tham nhũng 100 tỷ thì trả lại 70 tỷ.
Phong trào phải có chất lượng
* Là người gắn bó với Mặt trận ở vai trò là uỷ viên uỷ ban 6 nhiệm kỳ, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng đã chia sẻ nhiều tâm tư, tình cảm khi được sinh hoạt và làm việc trong môi trường Mặt trận hơn 30 năm qua.
Ông Nguyễn Ngọc Minh phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
Theo ông Minh, bên cạnh những vấn đề bức xúc, nóng bỏng đang diễn ra nhân dân đều nhận thấy nỗ lực của cán bộ Mặt trận tại khu dân cư trong rất nhiều công việc.
Đối với chương trình năm 2018, ông Minh cho rằng, nội dung các phong trào nên đi sâu hơn, xây dựng tâm thế cho các hoạt động mang tính chủ động, đi sâu vào chất lượng các phong trào.
Kinh nghiệm cho thấy Mặt trận không thể nhận trách nhiệm chính trong phòng chống tham nhũng mà đây là là trách nhiệm của toàn xã hội.
“Tôi cho rằng, đã đến lúc phải xử lý triệt để, dứt khoát, dứt điểm, tạo được niềm tin trong nhân dân”, ông Minh nhấn mạnh.
Quang cảnh buổi thảo luận tổ.
Chiều ngày 5/1, tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 8, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc thảo luận tại tổ với nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, cởi mở của các vị uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khoá VIII.
Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 8 đã chia làm 4 tổ để các đại biểu thảo luận một cách sâu sắc hơn Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2017 và Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm 2018; Đề án tổ chức Đại hội Mặt trận các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024; Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020; Tờ trình của Ban Thường trực về bổ sung nhân sự Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Đây cũng là lần đầu tiên Mặt trận tổ chức hình thức này, nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh tập thể của các uỷ viên uỷ ban trong việc đóng góp trí tuệ, tinh thần sáng tạo cho công tác Mặt trận trong thời gian tới.