Thanh Hóa: Thoi thóp trạm xử lý rác thải
Dự án Trạm xử lý rác thải sinh hoạt thị trấn Kim Tân và vùng phụ cận, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường. Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai, dự án này chậm tiến độ rõ rệt.
Rác thải được đốt ngay tại hai hố dùng để chôn lấp.
Càng xử lý, càng ô nhiễm
Trước thực trạng rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện không có nơi xử lý, hoặc xử lý không triệt để, gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại các xã, năm 2014, huyện Thạch Thành đã đầu tư hệ thống xử lý rác thải công suất lò đốt 450 kg/h (2 lò là 900 kg/h), sử dụng công nghệ nhiệt đốt nhiệt Nfi-05 và các hạng mục sân tập kết rác, sân phơi, hố chôn lấp… với tổng mức đầu tư lên đến 15 tỷ đồng.
Trạm xử lý rác thải này được quy hoạch và xây dựng tại khu đồi Cà, thuộc thôn Đự, xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành và được giao cho Cty Giao thông công chính huyện vận hành, quản lý.
Hệ thống lò đốt rác này được kỳ vọng sẽ xử lý hết lượng rác thải sinh hoạt của người dân trên toàn huyện Thạch Thành, thậm chí là cho cả một số xã thuộc các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung…
Tuy nhiên, chỉ sau ít thời gian đưa vào sử dụng, lò đốt này lại đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, do lượng rác thải quá lớn đã khiến 2 lò đốt rác không đủ công suất, khối lượng rác trong ngày không được đốt hết.
Mùa hè, trời mưa, ruồi muỗi nhiều vô kể, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Nghiêm trọng hơn, để tiết kiệm chi phí, đơn vị quản lý đã ngang nhiên đốt rác trực tiếp ở dưới các hố chôn lấp, gây khói và mùi nồng nặc khó chịu.
Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Ngợi, xã Thành Thọ không giấu được bức xúc cho biết: Do lò đốt không thể xử lý hết lượng rác thải hàng ngày, họ đã cho công nhân đốt rác ngay trên sân tập kết, phơi rác.
Nhiều hôm, khói đậm đặc bao phủ toàn xã, khiến không khí ngột ngạt và ô nhiễm vô cùng. Đồng thời, lượng rác tồn dư do không được xử lý kịp thời đã rỉ nước và gây ra mùi hôi thối nồng nặc.
Theo quan sát của chúng tôi, bên trong khu vực trạm xử lý rác thải này, các công trình, hạng mục đều đang dở dang, rác được đổ và bay bừa bãi khắp nơi, 2 chiếc hố lớn được đào bên cạnh bãi rác dùng để chôn lấp rác khó đốt lại được đơn vị chủ quản dùng để đốt rác.
Thời điểm chúng tôi đến đây, rác tại hai hố này vẫn đang cháy mịt mùng và khói mù mịt, bay vào khu dân cư.
Ông Bùi Văn Ngọc – Trưởng thôn Đự cũng không cho biết thêm: Thực chất, thời gian 2 lò đốt kể trên hoạt động rất ít, còn lại chủ yếu là họ đốt trực tiếp ở dưới các hố chôn lấp, thậm chí có thời điểm đốt luôn ở sân phơi rác.
Việc làm cẩu thả trên đã khiến môi sinh của trên 180 hộ dân sinh sống quanh bãi rác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ẩu vì thiếu kinh phí
Đem câu hỏi, vì sao Cty không thể xử lý hết rác thải như dự kiến ban đầu đến cơ quan chủ quản là Cty Giao thông công chính huyện Thạch Thành để làm rõ vấn đề, chúng tôi được ông Phạm Hữu Văn – Giám đốc Cty này cho biết: “Số rác thải được đốt ngoài hố là do lò đốt không triệt để, khiến 19% rác còn lại trong tro vẫn cháy khi đưa ra hố chôn lấp”(?) – ông Văn phủ nhận việc đốt rác ngoài hố chôn lấp.
Tuy nhiên, khi được phóng viên chứng minh về việc Cty đang đốt rác trực tiếp ngay ngoài hố chôn lấp, ông Văn lúng túng cho biết: Do đợt mưa lũ vừa qua xảy ra trên địa bàn huyện, khối lượng rác tăng đột biến khiến 2 lò không đốt kịp nên phải đốt ngoài trời.
Vì sao đến nay đã quá thời hạn hoàn thành nhưng dự án vẫn còn quá nhiều hạng mục nằm trong tình trạng nham nhở, dở dang? – Trả lời, ông Văn cho rằng: Mặc dù đã quá hạn thi công nhưng do huyện không có đủ kinh phí như phê duyệt đã khiến Cty không thể hoàn tất các hạng mục như thiết kế.
Đến thời điểm hiện tại, hệ thống này mới chỉ được đầu tư hơn 9 tỷ đồng. Đồng thời, Cty cũng chỉ mới tiến hành thu gom rác tại các khu vực như: Thị trấn Kim Tân, các xã
Thành Hưng, Thành Kim, Thành Thọ và dọc theo tuyến QL45, đoạn chạy qua huyện Thạch Thành.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Hưng – Chủ tịch UBND xã Thành Thọ cho biết: Thực trạng ô nhiễm tại khu xử lý rác thải là khá nghiêm trọng. Xã cũng đã nhiều lần nhận được kiến nghị của bà con nhân dân, nhưng việc xử lý nằm ngoài khả năng của chính quyền.
“Chúng tôi đã báo cáo lên lãnh đạo và các phòng ban chuyên môn của huyện. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm hiện tại, mấu chốt vẫn là kinh phí để hoàn thiện các hạng mục còn dở dang ”– ông Hưng nói.