Về Bạc Liêu
Dinh thự công tử Bạc Liêu, chùa đậm nét Khmer Xiêm Cán, nhà hát Cao Văn Lầu, vườn chim, cây xoài cổ thụ 300 năm tuổi, ...tạo cho Bạc Liêu sức hấp dẫn riêng có.
Đến thành phố Bạc Liêu, điểm dừng chân đầu tiên là quần thể Dinh thự Công tử Bạc Liêu tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ. Đây là nhà của ông Trần Trinh Trạch, con trai của ông Trần Trinh Huy (1900-1973) - người được mệnh danh là Công tử Bạc Liêu. Ngôi nhà xây dựng năm 1919 được coi là bề thế nhất của Bạc Liêu thời đó, do kỹ sư người Pháp thiết kế và có nhiều vật liệu nhập khẩu từ Pháp. Đến thăm ngôi nhà mà nhân vật nổi tiếng về mức độ ăn chơi xa xỉ lúc sinh thời giúp bạn hiểu rõ về cuộc đời của công tử Bạc Liêu -tay chơi có “số má” của Sài Gòn và Nam Bộ trong những năm 1930, 1940.
Công tử có 5 vợ (chỉ 1 người là có cưới hỏi) và...10 người con. Hiện nhà Công tử Bạc Liêu được phục dựng gần như nguyên trạng và trở thành khách sạn. Tuy nhiên để được trải nghiệm một ngày làm công tử Bạc Liêu, du khách cần phải đặt trước cả tháng. Điểm ấn tượng trong căn phòng là chiếc điện thoại thời Pháp tới giờ vẫn đang được sử dụng.
Cũng trong lòng thành phố, nhà hát Cao Văn Lầu được coi là một trong những nhà hát đẹp của Việt Nam. Nhà hát được thiết kế độc đáo với tạo hình 3 chiếc nón lá úp xuống,có tổng diện tích hơn 2000m2. Đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, các liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử của Bạc Liêu và Nam Bộ. Nhà hát không chỉ là điểm biểu diễn nghệ thuật mà còn là điểm du lịch đáng chiêm ngưỡng ở Bạc Liêu.
Nhà hát Cao Văn Lầu còn nhắc nhớ tới cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu, tuy không sinh ra ở Bạc Liêu những ông đã chọn mảnh đất này để gắn bó và sáng tác, trong đó có bản Dạ cổ Hoài lang nổi tiếng. Vậy nên, cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu được coi như một trong những biểu tượng văn hóa của Bạc Liêu. Khu tưởng niệm Cao Văn Lầu giờ đã trở thành điểm đến thu hút du khác, đặc biệt với những người yêu đờn ca tài tử.
Bạc Liêu còn nổi tiếng bởi những ngôi chùa kiến trúc Khmer. Dừng chân tại ngôi chùa Xiêm Cán hơn 100 năm tuổi (xây dựng năm 1887) này được coi là một trong những ngôi chùa Khmer đẹp và lâu đời nhất ở Nam Bộ với những đặc trưng đậm nét của kiến trúc chùa Khmer. Bao quanh chùa là dãy tường xây kiên cố, được trang trí nhiều họa tiết hoa văn cùng với hình ảnh của các vị thần trong văn hóa khmer. Trong khuôn viên chùa có nhiều công trình kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Nam tông.
Chùa hiện có đến hơn 100 pho tượng các loại, một quả chuông có từ năm 1887. Độc đáo nhất là những bức tranh trên trần và các vách tường trong chánh điện mô tả cuộc đời đức Phật. Những đuôi rồng trên đỉnh tháp của chùa Xiêm Cán được đánh giá là chiếc Chivia được tạo dáng đẹp nhất ở các chùa Khmer Đồng bằng sông Cửu Long.
Cách thành phố Bạc Liêu gần 20km, điện gió Bạc Liêu là địa điểm check-in chụp ảnh sống ảo được giới trẻ yêu thích. Khi trời trong xanh và có nắng, hình ảnh những chiếc quạt gió khổng lồ không ngừng quay in trên nền trời xanh tạo nên một khung cảnh bắt mắt, cho phép các bạn trẻ thực hiện những kiểu ảnh selfie ấn tượng.
Nhà máy Bạc Liêu được xây dựng năm 2012 và hoàn thành năm 2016 với tổng vốn đầu tư là hơn 5.000 tỷ đồng. Đến nay, nhà máy điện gió không chỉ cung cấp điện cho mạng lưới điện quốc gia mà còn là điểm du lịch không thể bỏ qua ở Bạc Liêu.
Với những người yêu thiên nhiên hoang sơ thì Vườn chim Bạc Liêu là điểm không thể không ghé qua. Vườn nằm gần như tách biệt hẳn với không khí náo nhiệt, ồn ào của một thành phố đang chuyển mình. Đến đây, bạn sẽ như lạc vào một bức tranh nhiên nhiên đầy màu sắc, một thế giới căng tràn không khí tươi mát, không khói bụi ô nhiễm.
Vườn chim Bạc Liêu cũng là một thảm rừng ngập mặn cực hiếm còn sót lại ở Việt Nam, là nơi sinh sống, cư trú của nhiều loài động vật, thực vật. Bạn có thể men theo các con đường để vào vườn chim, cảnh tượng mở ra trước mắt bạn như một khu rừng nguyên sinh chưa bị con người tác động. Nơi này còn có một quán cà phê để du khách nghỉ ngơi sau chuyến khám phá . Được ngồi nhâm nhi ly cà phê và nhìn ngắm những đàn chim bay lượn, những mảng xanh thực vật trù phú thì còn cảm giác gì thú vị hơn.
Sau khi thăm vườn chim, cũng có thể tới vườn nhãn cổ. Nhãn Bạc Liêu nổi tiếng với 2 giống nhãn Su-bic và Tu-huýt có giống từ Trung Quốc. Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt. Còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt. Gần đó có cây xoài cổ thụ 300 tuổi, trong khu nhị tỳ, thuộc quản lý của chùa Ông Bổn, ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu).
Khi nhắc tới cây xoài này, người dân nơi đây thường kể nhiều câu chuyện mang hơi hướng truyền thuyết, như cây xoài có thể tỏa “linh khí” chữa bệnh cho con người. Những câu chuyện được thêu dệt xung quanh cây xoài có người tin, có người nghi ngờ nhưng cây xoài cổ thụ 300 tuổi vài người ôm không xuể vẫn cứ xanh tươi đứng đó chứng kiến sự thay đổi của người dân bản địa...
Bạc Liêu giáp với Cà Mau và nằm cùng trên bán đảo Cà Mau, cực Nam của Tổ quốc. Ở Bạc Liêu hội tụ nhiều dân tộc cùng sinh sống như: Chăm, Việt, Khmer, Hoa… Người dân ở đây sống phóng khoáng và trở thành nét đặc trưng của người Nam Bộ. Nhắc đến Bạc Liêu người ta thường nhắc đến các giai thoại gắn liền với Bạc Liêu như : Công tử Bạc Liêu nhà giàu và chịu chơi, tiêu tiền không tiết. Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng tận ngày nay và được xem như là nền móng của cổ nhạc. Bạc Liêu còn nổi tiếng với nghề làm muối. Muối Bạc Liêu không có vị đắng, chát, ít lẫn tạp chất. Dưới thời Pháp, Mỹ, hoạt động kinh doanh muối ở đây rất phát triển và được xem như vựa muối lớn nhất miền Tây |