Vẫn lo thực phẩm bẩn
Những năm qua, an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề nổi cộm khiến người dân lo ngại. Chính phủ đã vào cuộc và nỗ lực kiểm soát. Song việc xử lý việc vẫn chưa tránh được tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.
Cận Tết cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng và sử dụng các loại sản phẩm thực phẩm tăng cao, vì thế người tiêu dùng càng nơm nớp với thực phẩm bẩn.
Kiểm tra kiểm tra bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn cho công nhân. Nguồn: Báo Long An.
Liên tiếp các vụ ngộ độc tập thể
Cụ thể, trưa 19/12/2017, gần 200 công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại và Dịch vụ Miền Quê ăn bữa trưa với cơm trắng, canh chua nấu dọc mùng, gà kho, đậu phụ và rau muống xào. Ngay sau đó, các công nhân này cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn. Từ trưa đến khoảng 16 giờ cùng ngày, có 197 người được đưa đến Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch và Trung tâm y tế huyện Long Thành cấp cứu.
Qua thăm khám, cho thấy, triệu chứng nổi bật nhất mà hầu hết các công nhân gặp phải là tê lưỡi, hơi ngứa vùng cổ họng, mệt mỏi và buồn nôn. Một số khác bị đau bụng nhưng triệu chứng không rõ ràng. Sau khi kiểm tra mẫu thức ăn, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai cho rằng tình trạng mà các công nhân gặp phải xuất phát từ dọc mùng và kết luận đây là sự cố về an toàn thực phẩm. Nguyên nhân chính là do trong quá trình chế biến dọc mùng, nhà bếp đã làm không kỹ, còn sót lại phần vỏ, công nhân ăn vào bị ngứa.
Vài ngày sau, 25/12/2017, sau bữa ăn trưa tại nhà ăn của Công ty trách nhiệm hữu hạn New Apparel Far Eatern (Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), đến khoảng 12h15, hàng chục công nhân cảm thấy buồn nôn, đau bụng với dấu hiệu của ngộ độc thức ăn. Bữa ăn trưa gồm canh chua bạc hà, chả thịt chiên, đậu đũa xào và cá bạc má chiên... trong đó, một số công nhân phát hiện dọc mùng khi ăn vào có biểu hiện ngứa, khó chịu ở cổ.
Ngay sau đó, hàng loạt công nhân đã bị ngất xỉu và lập tức được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Thánh Tâm (xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước). Tất cả đều trong tình trạng mệt mỏi, ly bì. Theo các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Thánh Tâm, khi nhập viện, các bệnh nhân đều có triệu chứng ngứa cổ, buồn nôn, nôn ói, đau bụng... do ngộ độc thực phẩm.
Gần đây nhất, sau bữa cơm chiều 28/12/2017, hơn 90 công nhân tại một công ty may ở Khu Công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh tự nhiên cảm thấy đau đầu, chóng mặt, đau bụng quặn từng cơn, nôn ói. Đến 20 giờ cùng ngày, 92 công nhân đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á để cấp cứu...
“Bắt cóc bỏ đĩa”
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã họp với các thành viên Ban Chỉ đạo. Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, đến nay cả nước đã xây dựng thành công 744 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó có 379 chuỗi đã được giám sát, xác nhận; 20 địa phương triển khai dán tem điện tử.
Trong năm 2017, cả nước đã thành lập hơn 22.400 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại hơn 625.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%; xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền trên 61 tỷ đồng. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tỷ lệ đạt yêu cầu tăng từ 91% (năm 2016) lên 97,3% (năm 2017).
Đáng chú ý, cho đến thời điểm hiện nay, tất cả các mẫu thực phẩm không phát hiện có chứa chất cấm trên gần 10.000 mẫu tại các chợ, cơ sở giết mổ; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chiếm 0,06% giảm 2,05%. Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm chỉ tiêu vi sinh chiếm tới 26,7% số mẫu được kiểm tra so với mức 9,35% của năm 2016.
Số tiền phạt vi phạm an toàn thực phẩm trong hoạt động kinh doanh nông lâm thuỷ sản là trên 80 tỷ đồng. Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 13.540 vụ, phạt trên 27,7 tỷ đồng, thu giữ tang vật trên 25 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát Môi trường phát hiện 6.477 vụ việc, tăng 25% so với năm 2016, xử phạt 36 tỷ đồng, khởi tố, điều tra các vụ việc nghiêm trọng.
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an), hiện nay, rất nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm xảy ra, nếu căn cứ theo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự để khởi tố, nhiều khả năng số vụ vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý hình sự sẽ tăng mạnh từ năm 2018.
Tuy nhiên có thể nhận thấy, tình trạng hàng giả, hàng nhái vi phạm ngày càng phức tạp, tinh vi, song kết quả xử lý, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái chưa tương xứng với mong muốn và kỳ vọng của người dân. Tương tự, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, mặc dù mức xử phạt đã tăng lên, thậm chí có thể truy tố hình sự, song chưa có vụ việc điển hình nào được đưa ra xét xử “làm gương”.
Tình trạng “nhờn luật”, coi thường sức khỏe, tính mạng của người dân vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Trong khi đó, lực lượng giám sát, kiểm tra truy nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, sản phẩm lại vừa mỏng, vừa yếu. Hơn thế, sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành, chính quyền cấp phường, xã chẳng những thiếu đồng bộ mà còn dẫm chân lên nhau.
Ở phương diện của ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm qua, dù số vụ ngộ độc thực phẩm giảm nhưng số trường hợp tử vong lại tăng gấp đôi. Năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 3.800 người mắc giảm 27 vụ và 438 người mắc so với năm 2016.
Số người tử vong do ngộ độc thực phẩm là 24 người, tăng 12 người so với năm 2016, trong đó có 11 người ngộ độc methanol trong rượu, 10 người do độc tố tự nhiên (cá nóc, cóc…), 3 trường hợp chưa xác định nguyên nhân. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, cần phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm tại các địa phương, tránh đùn đẩy trách nhiệm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong năm 2018, cần tăng cường các giải pháp phối hợp đồng bộ trong sản xuất sạch gắn với chương trình phối hợp Chính phủ đã ký với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để “xóa rau hai luống, lợn hai chuồng.” Công tác quản lý thức ăn đường phố phải được thực hiện thường xuyên tránh tình trạng rộ lên một hồi rồi đâu lại vào đấy.
“Quả bóng trách nhiệm” về an toàn thực phẩm lâu nay vẫn được chuyền đi chuyền lại qua 3 bộ chủ quản. Mặc dù lòng tin của người tiêu dùng vào an toàn thực phẩm đã có song người dân chưa thể thực sự yên tâm chừng nào không có sự nỗ lực vượt bậc, quyết tâm mạnh mẽ của các cơ quan quản lý.