Trên kệ sách tuần này
Đức Thánh Trần/ Những dòng thơ viết trong đêm không ngủ/ Những dòng thơ viết trong đêm không ngủ
Đức Thánh Trần
Sau khi in 2 tập truyện ngắn, nhà văn Trần Thanh Cảnh tiếp tục ra cuốn tiểu thuyết lịch sử “Đức Thánh Trần” (NXB Hội Nhà văn và Thái Hà Books ấn hành). Qua 250 trang sách, tác giả cố gắng diễn giải về vương triều Trần lẫy lừng 3 lần kháng Nguyên toàn thắng, nhất là về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhân vật hiển hách nhất thời đại: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Diễn giải ấy thể hiện tinh thần cốt yếu của nó ngay trong nhan đề tác phẩm: Đức Thánh Trần. Đức Thánh Trần, ở đây tác giả Trần Thanh Cảnh đã thần thánh hóa nhân vật lịch sử Trần Quốc Tuấn. Hay chính xác hơn, là tác giả nhấn mạnh và khẳng định phẩm chất thần thánh, vị thế thần thánh, uy vọng thần thánh của Hưng Đạo Đại Vương.
Theo nhà phê bình văn học Hoài Nam, Trần Quốc Tuấn qua miêu tả của Trần Thanh Cảnh, là nhân vật có sức lan tỏa đến kỳ lạ. Cái sức lan tỏa và quyến dụ kỳ lạ ấy của Trần Quốc Tuấn là của thần chứ không phải của người. Nó khiến cho, ở phạm vi gần, cả loạt nhân vật xung quanh Ngài, người thân và những tùy tướng tâm phúc, như công chúa Thiên Thành, nàng Quế Lan, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng… đều ít nhiều được nhuốm một màu sắc bất phàm.
Những dòng thơ viết trong đêm không ngủ
A. Pushkin (1799 - 1837) được ví là “mặt trời thi ca Nga”, một biểu tượng của dòng văn học lãng mạn Nga thế kỉ 19. Dù đã trải qua nhiều thế hệ, nhưng thơ ca và các sáng tác khác của ông vẫn được xem là mẫu mực, đi cùng năm tháng.
“Những dòng thơ viết trong đêm không ngủ” là tập thơ mới nhất của Pushkin vừa được NXB Kim Đồng ra mắt bạn đọc Việt Nam, qua bản dịch của dịch giả Thúy Toàn. 48 bài thơ trong tập thấm đẫm tinh thần cách mạng và dân tộc. Độc giả có thể tìm thấy ở đây những bài thơ như: Cánh hoa hồng nở muộn, Con chim nhỏ, Toi yêu em, Buổi sáng mùa đông… Điều thú vị, cuối sách có thêm phần chú thích, giúp độc giả hiểu rõ hơn bối cảnh ra đời của các bài thơ, từ đó có thể mở rộng biên độ tiếp cận.
Dịch giả Thúy Toàn là người nặng lòng với văn học Nga. Với thơ Pushkin, gần nửa thế kỷ qua, ông đã dịch nhiều bản dịch của “mặt trời thi ca Nga” và được độc giả Việt Nam đón nhận và chép trong sổ tay. Với cuốn sách này, dịch giả Thúy Toàn hi vọng “đưa ra được một hình ảnh Pushkin theo sự hiểu của mình”.
Sài Gòn - Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người
Cuốn khảo cứu thú vị, dày gần 500 trang của TS Nguyễn Đức Hiệp sẽ dẫn người đọc dõi theo một hành trình dài của mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn hơn 300 năm. Cuốn sách mang tới những thông tin hữu ích, gợi lại một lịch sử, ký ức xã hội đã phai nhạt nhưng còn dư âm cho đến ngày nay.
Theo TS Nguyễn Thị Hậu, với cách viết mộc mạc, gần gũi nhưng phong phú về hình ảnh và chuẩn xác về tư liệu, TS Nguyễn Đức Hiệp đã giúp độc giả dễ dàng hình dung ra một Sài Gòn - Chợ Lớn xưa, một “Hòn ngọc Viễn Đông” từng lung linh, tỏa sáng qua các khu đô thị, các con đường, các công trình kiến trúc cùng với nhiều hoạt động, sinh hoạt của con người thời bấy giờ.