Trái đất rỗng - giả thuyết tồn tại qua nhiều thế kỷ
“Flat-earthers”, những người tin rằng Trái đất là một dải đất phẳng, từng đưa ra giả thuyết ngộ nghĩnh về hình dạng của hành tinh của chúng ta. Nhưng đó chưa phải giả thuyết điên rồ nhất, bởi có những người thực sự tin rằng Trái đất rỗng ruột và có nhiều chủng người ưu việt sinh sống ở đó.
Mô hình giả thuyết sơ đồ về Trái đất rỗng Nguồn: OddCentral.
Thuyết Trái đất rỗng lần đầu xuất hiện vào thế kỷ 17, do một số nhà khoa học hàng đầu lúc bấy giờ đưa ra. Đến nay, thuyết Trái đất rỗng hiện đại còn cho rằng có nhiều chủng tộc ưu việt sinh sống trong lõi Trái đất như người Viking, người Asyrian...và những chủng người này thường xuyên cử vật thể bay không xác định (UFO) thám thính bề mặt Trái đất thông qua các lỗ hổng ở Bắc cực và Nam cực.
Người đưa ra thuyết Trái đất rỗng hiện đại chính là Rodney Cluff, tác giả của cuốn “Tuyệt mật của thế giới: Trái đất rỗng ruột”. Năm 2017, Cluff đã tổ chức một hành trình khám phá lõi Trái đất, với kế hoạch di chuyển bằng tàu phá băng từ Nga tới một cửa đường hầm tại Bắc cực. Tuy nhiên kế hoạch này sau đó bị hủy vì lý do tài chính.
Ngày nay, đa phần giới khoa học đều nhất trí rằng Trái đất được tạo nên bởi các lớp và vỏ không thể phá vỡ, bao quanh một lõi dạng cầu rắn chắc bằng hợp kim sắt-kền. Xung quanh lõi đó là một lớp dạng lỏng dày tới 2.260 km. Giả thuyết này được nhà địa chấn học người Đan Mạch Inge Lehmann đưa ra năm 1936 trong lúc nghiên cứu các trận động đất ở New Zealand và được ủng hộ trong suốt các thập kỷ sau đó.
Nhưng đó chỉ là giả thuyết chính thống. Trong năm 1692, nhà khoa học Edmund Halley lần đầu tiên đưa ra lý thuyết Trái đất rỗng, cho rằng hành tinh này bao gồm hàng loạt lớp vỏ dạng cầu gắn với nhau. Ông cho rằng mỗi lớp vỏ này được ngăn cách bởi một bầu khí quyển có ánh sáng đủ khả năng hỗ trợ sự sống.
Giảng viên người Mỹ John Cleves Symmes cũng đưa ra lý thuyết mới cho rằng hành tinh của chúng ta là một hang động khổng lồ có chứa một Mặt trời mini bên trong. Ông cũng nói rằng có nhiều hố lớn ở Bắc cực và Nam cực tạo nên đường vào thế giới lòng đất. Lý thuyết này sau đó được gọi là “Hố Symmes”. Symmes thậm chí từng đề xuất trước Quốc hội Mỹ để rót vốn cho hành trình khám phá hố ở Bắc cực năm 1822, nhưng thất bại.
Đến thế kỷ 20, giả thuyết Trái đất rỗng càng trở nên phổ biến hơn nhờ một số tác phẩm văn học và phim ảnh. Đáng chú ý nhất trong số này là tác phẩm “Hành trình tới Trung tâm Trái đất” của nhà văn nổi tiếng người Pháp Jules Verne.
Ngày nay, một số người ủng hộ giả thuyết này còn tin rằng Đức quốc xã đã trốn vào lòng Trái đất sau Thế chiến II, cũng như người Viking từng kiểm soát Greenland hay các bộ lạc thất truyền của Israel. Nhiều người còn cho rằng lòng Trái đất là nơi có một mạng lưới gồm 100 thành phố đầy con người sinh sống, có tên gọi là Agartha.