Chuẩn đầu ra về ngoại ngữ cho sinh viên: Còn nhiều lúng túng
Với việc tiếp nhận sinh viên có chuẩn đầu vào ngoại ngữ thấp, thời gian học môn này trong hầu hết các trường không nhiều, nhiều trường ĐH đang lúng túng trong việc xác định chuẩn đầu ra ngoại ngữ của sinh viên.
Tại hội thảo tổng kết đánh giá triển khai tiếng Anh tăng cường trong các trường CĐ đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2008-2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây tại TPHCM, một số bất cập trong việc dạy và học tiếng Anh trong các trường ĐH đã được nêu ra.
Theo đó, Đề án ngoại ngữ 2020 đề ra mục tiêu sinh sinh viên tốt nghiệp ĐH không chuyên ngữ đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 3 (B1, tương đương trung cấp). Tuy nhiên, mục tiêu này đã không đạt được vì nhiều nguyên nhân.
Về phía các trường, do thiếu giảng viên và trình độ ngoại ngữ của giảng viên nhìn chung không đồng đều. Trong khi đó, chương trình, giáo trình, tài liệu học tập vẫn ở mức độ cơ bản, không được cập nhật thường xuyên hướng tới chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Học liệu chưa phong phú, thiếu hấp dẫn sinh viên.
Theo ông Trần Anh Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), việc xây dựng lộ trình cụ thể theo hướng dẫn của Bộ chưa được các trường thực hiện đầy đủ. Trong đó, một số trường xây dựng lộ trình triển khai nhanh nhưng không tính tới các điều kiện đảm bảo chất lượng trên cơ sở thực tế phát triển của trường.
Hiện nay Bộ GD&ĐT không quy định chặt chẽ số tín chỉ tiếng Anh trong chương trình đào tạo chính khóa. Các trường sẽ tùy theo chuẩn đầu vào và đầu ra tiếng Anh của sinh viên để bố trí số lượng tín chỉ phù hợp, thông thường sẽ dao động ở mức trên dưới 10 tín chỉ.
Nhiều trường ĐH cho biết, có trên 80% sinh viên không thể đạt chuẩn ngoại ngữ này nên khó khăn trong việc xét tốt nghiệp. Vì vậy, giải pháp một số trường đưa ra là… hạ chuẩn ngoại ngữ!
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hữu- Trưởng ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, mục tiêu đặt ra đối với các trường ĐH trong giai đoạn 2017-2025 là phải rà soát lại yêu cầu chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Những trường chưa công bố cần xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên.
Từ kinh nghiệm của Đề án 2020, bà Hữu lưu ý để đạt mục tiêu đề án chuẩn ngoại ngữ quốc gia như Chính phủ đã phê duyệt thì các trường cần tiếp tục xây dựng chuẩn đầu ra nhưng có lộ trình phù hợp để triển khai yêu cầu chuẩn đầu ra đó.
Về phía các trường ĐH, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù đề án mới không đặt ra mức năng lực cụ thể sinh viên đạt được (B1) khi tốt nghiệp ĐH, CĐ như Đề án 2020 nhưng không nên vì thế mà hạ chuẩn xuống quá thấp khiến sinh viên không có động lực phấn đấu…