Luôn có sự không an toàn cho trẻ khi rời 'tầm mắt' cha mẹ

Việt Quỳnh 08/01/2018 08:35

Khi hàng loạt các vụ việc liên quan đến người giúp việc hành hạ, đánh đập làm tổn thương tinh thần lẫn sức khỏe các bé từ một đến vài tháng tuổi bị đưa ra công luận, chúng ta mới đau đớn nhận ra rằng, con trẻ không an toàn ngay chính trong nhà mình.

Luôn có sự không an toàn cho trẻ khi rời 'tầm mắt' cha mẹ

Tiến sĩ Tâm lý Trần Thành Nam.

Tiến sĩ Tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo Dục - ĐH QGHN) chia sẻ:

1. “Có những vụ việc như vậy xảy ra là do chúng ta chưa coi trọng và xem giúp việc chăm sóc trẻ là một nghề được xã hội thừa nhận, để kiếm sống lâu dài. Do không được thừa nhận là một nghề nên sẽ không có những quy tắc ứng xử nghề nghiệp, không có việc huấn luyện kỹ năng để thực hành chăm sóc giáo dục trẻ theo nguyên tắc nuôi dạy tích cực và khoa học, không có sự sàng lọc những người đang có dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần ra khỏi việc chăm sóc trẻ. Chính những người đang hành nghề cũng cảm thấy xấu hổ khi bị gọi là osin hay giúp việc thì họ không thể có động cơ tốt hoặc toàn tâm toàn ý cho việc chăm sóc.

Cha mẹ cũng cần chấp nhận rằng sẽ luôn có những tình huống không an toàn cho trẻ khi các em ở xa vòng tay, ngoài tầm mắt của mình. Điều quan trọng là cha mẹ cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng để giảm thiểu nguy cơ không an toàn cho con. Ý thức rằng nguy cơ có thể đến từ những người và từ môi trường xung quanh con. Riêng đối với người giúp việc, để giảm thiểu nguy cơ, cha mẹ cần có kỹ năng phỏng vấn người giúp việc trước khi thuê; bỏ công hướng dẫn họ tìm hiểu trẻ, cách chăm sóc trẻ cũng như cách hỗ trợ việc nhà nếu quyết định thuê; và trao đổi về những nguyên tắc, cái gì mình muốn và không muốn họ làm một cách rõ ràng trước khi rời khỏi nhà.

2. “Bạo hành trẻ ở trường mầm non cũng trở nên nhức nhối thời gian gần đây. Nguyên nhân căn bản cũng là do quy trình đào tạo, tuyển lựa giáo viên của chúng ta còn bất cập. Mặc dầu đã được coi là một nghề nhưng tuyển chọn giáo viên mầm non không đánh giá sâu phẩm chất kỹ năng, không sàng lọc các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bạo hành trẻ như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn khả xung động mất khả năng kiểm soát cảm xúc…

Là nạn nhân của bạo hành hoặc chỉ cần chứng kiến bạo hành cũng sẽ để lại những vết thương tâm lý cho trẻ. Những nghiên cứu đi trước đã chỉ ra những hậu quả lâu dài việc bạo hành có ảnh hưởng đến chỉ số trí thông minh; quan điểm sống; tỉ lệ mắc các rối loạn tâm thần của trẻ trong tương lai. Cụ thể là những trẻ là nạn nhân của bạo hành hoặc chứng kiến hành vi bạo lực thường trở thành kẻ bắt nạt, bạo hành trong tương lai. Khi chứng kiến hoặc là nạn nhân của bạo hành, trẻ rơi vào trạng thái lo âu và hoảng sợ, điều này cản trở sự hình thành các khớp nối và các đường liên hệ thần kinh tạm thời mới trên não dẫn đến trẻ thường có kết quả học tập kém, năng lực tập trung và tư duy trừu tượng bị giảm sút. Những người bị bạo hành thường mắc phải rối loạn cảm xúc như lo âu, trầm cảm, nhân cách chống đối và hành vi vi phạm pháp luật khi trưởng thành. Tỉ lệ tự sát ở nhóm nạn nhân của bạo hành cũng cao hơn các nhóm khác”.

3. “Trong bối cảnh hiện tại, để bảo đảm sự an toàn cho trẻ trước người giúp việc cha mẹ nên dành thời gian để hiểu rõ hơn người mình định thuê chăm sóc. Đừng tự mắc vào “bẫy tư duy” rằng phụ nữ nào trung tuổi cũng đều có bản năng chăm sóc trẻ con. Cha mẹ hãy tìm hiểu và xác thực xem họ đã có kinh nghiệm chăm sóc bao nhiêu trẻ ở những độ tuổi nào; họ đã giúp việc bao nhiêu gia đình, trình độ học vấn của họ thế nào, hiểu biết của họ về sơ cứu trẻ (như bị bỏng, bị ngã xuống nước); kỹ năng xử lý một số tình huống khẩn cấp trong gia đình (như nếu con bị hóc hạt nhãn thì chị sẽ xử lý thế nào?); hiểu hành vi và kỹ năng xử lý các vấn đề hành vi của trẻ (như khi con ăn vạ và không chịu đi ngủ chị sẽ làm gì?)…

Sau khi đã quyết định thuê, cha mẹ cũng cần dành đủ thời gian để hướng dẫn người giúp việc lịch sinh hoạt, thói quen của trẻ, bệnh hoặc tật của trẻ và cách ứng phó (ví dụ trẻ bị dị ứng cái gì; trẻ sợ cái gì); cách thức để họ liên lạc với mình và các số điện thoại khẩn cấp; cách sử dụng bộ sơ cứu và các nguyên tắc an toàn ở gia đình. Cha mẹ cũng nên nói rõ ràng về những kỳ vọng của mình và những gì được phép và không được phép (ví dụ không vào trong phòng ngủ…)

Ở trường học, việc cha mẹ có thể làm ngày là dành một vài phút để hỏi chuyện cô về ngày học trên lớp của con qua đó hiểu và giúp giáo viên giải tỏa được phần nào áp lực nếu có. Cha mẹ cũng nên tạo thói quen nói chuyện với con về tình hình trên lớp học để nhận diện sớm những dấu hiệu nguy cơ của bạo lực qua đó có cách xử trí kịp thời.

Cách thức bền vững hơn để ứng phó với nạn bạo hành là dạy cho con mình những kỹ năng tiết lộ và phản ứng đúng với những tình huống tiêu cực. Cha mẹ có thể dạy con mô tả cảm xúc một cách đơn giản (cảm xúc khó chịu – dễ chịu); dạy con nói ra các cảm xúc và những dự cảm xấu; dạy con nguyên tắc Cự tuyệt – Tránh Xa – Nói ra khi gặp một tình huống có tính đe dọa. Cuối cùng, cha mẹ sẽ cùng con tập dượt xử lý một số tình huống có thể xảy ra khi trẻ ở một mình.

Về mặt quản lý xã hội; với một số công việc liên quan đến chăm sóc phục vụ con người trong đó bao gồm cả nghề giúp việc chăm sóc trẻ em cần phải xây dựng một hệ thống quy tắc ứng xử cho những người hành nghề. Thứ hai là phải xây dựng hệ thống tiêu chí sàng lọc để loại ra những người không đáp ứng đủ phẩm chất của nghề, có lịch sử bạo hành hoặc đang bị các rối loạn tâm thần, mất cân bằng tâm lý khỏi việc tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Cuối cùng, cần thiết kế cung cấp các khóa huấn luyện kỹ năng chăm sóc trẻ cho những người hành nghề và xây dựng thói quen cho xã hội sử dụng lao động phải dựa trên các chứng chỉ hành nghề được nhà nước thừa nhận”.

Việt Quỳnh