Kinh tế 2018: Đối mặt và vượt qua thách thức
Năm 2017 kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra khi GDP đạt 6,81%. Vậy dư địa nào để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% như kế hoạch đề ra trong năm 2018? Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ đã chỉ ra những khó khăn hiện hữu, cũng như những giải pháp cần lưu ý trong thời gian tới.
Kinh tế đất nước 2018 được dự báo có sự tăng trưởng khá tuy phải đối diện với không ít khó khăn.
PV: Thưa ông, kinh tế năm 2017 đã đạt được những kết quả khởi sắc. Vậy theo ông, dư địa cho năm 2018 sẽ có những thuận lợi như thế nào?
Ông Bùi Đức Thụ: Tôi cho rằng bối cảnh năm 2018, đất nước đứng trước nhiều vận hội mới. Thuận lợi đầu tiên cho sự phát triển khi bối cảnh kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi, nền kinh tế thế giới xu hướng ổn định và phát triển nhanh. Điều này tác động đến nền kinh tế nước ta khi độ mở của nền kinh tế rất lớn, năm 2017 xuất nhập khẩu đạt trên 400 tỷ USD do vậy bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng phục hồi là yếu tố, môi trường hỗ trợ lớn cho kinh tế của ta.
Thứ hai, cùng với quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2017 thành công của APEC đưa hội nhập gần gũi hơn, các cam kết đầu tư, quan hệ thương mại song phương đa phương được mở rộng là môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam.
Thứ ba, quá trình cải cách kinh tế trong nước trong những năm vừa qua đã chú trọng cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, cơ sở hạ tầng tăng nhiều. Môi trường chính trị ổn định, hạ tầng được cải thiện, môi trường kinh doanh, cải cách hành chính phát triển là “mảnh đất màu mỡ hơn” trong thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Đó là những cơ hội để đảm bảo phát triển kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tương đối cao.
Nhưng khó khăn không phải là không có, vậy trong năm 2018 nền kinh tế sẽ phải đối mặt với những khó khăn thách thức nào, theo ông?
-Khó khăn của nền kinh tế còn nhiều. Độ mở của nền kinh tế rất lớn cũng tác động trực tiếp vào nền kinh tế nước ta. Chính trị tại một số khu vực không ổn định, những diễn biến bất thường tại Trung Đông, Châu Phi, Triều Tiên và thái độ của Mỹ với một số nước có thể làm gia tăng căng thẳng, tạo nên sự bất ổn chính trị khu vực nên sẽ tác động trực tiếp đến quan hệ kinh tế thương mại đầu tư của các nước. Chính yếu tố bất ổn này có thể cản trở sự tăng trưởng trong quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới và ảnh hưởng tới nước ta.
Những khó khăn thách thức hiện hữu khi chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, năng suất lao động thuộc vào loại thấp nhất trong khu vực, so với Thái Lan chỉ bằng ½. Yếu tố công nghệ, tri thức đóng góp cho sự tăng trưởng có nhích lên nhưng so với các nước, ta còn rất thấp. Những lợi thế trước đây của nền kinh tế như tài nguyên, lao động giá rẻ mất dần, đòi hỏi thay đổi bằng chất lượng công nghệ, hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Những yếu tố đó phải trở thành nhân tố quyết định trong sự tăng trưởng phát triển trong giai đoạn tới thì ở ta lại không rõ, mờ nhạt.
Ông Bùi Đức Thụ.
Các cân đối lớn của nền kinh tế tuy duy trì ở mức độ ổn định nhưng để cải thiện căn bản trong 2018 chắc chưa thể cải thiện ngay. Năm 2018 mở cửa hội nhập, cắt giảm thuế, thu ngân sách cũng chịu tác động trong điều kiện chi ngân sách chưa được cải thiện. Nếu điều hành không tốt, thu không đạt nhưng chi vẫn như vậy, nguy cơ bội chi làm gia tăng nợ công trong khi chưa tái cơ cấu ngân sách một cách mạnh mẽ thì duy trì bội chi và mức nợ công gia tăng trong 2018 là vấn đề thực tế.
Chất lượng tín dụng tuy được cải thiện, nợ xấu ở mức dưới 3% tổng dư nợ cho vay nhưng lại không bền vững. Bởi gốc của chất lượng tín dụng phụ thuộc vào chất lượng hoạt động của nền kinh tế. Khi chất lượng kém hiệu quả thì người sử dụng vốn, người đi vay khó có khả năng bảo toàn vốn do đó nguy cơ làm gia tăng nợ xấu là cái không thể coi thường.
Tôi xin lưu ý rằng dư nợ cho vay của toàn nền kinh tế rất lớn chiếm 1,4 lần GDP hiện hành nên nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào vốn vay là vấn đề cần tính đến. Từ 1/1/2018 thuế suất ôtô bằng 0, trong khi kim ngạch nhập khẩu gia tăng, nếu xử lý không khéo dẫn đến thâm hụt cán cân ngoại thương và tác động đến cán cân tổng thể đó là vấn đề đang được đặt lên.
Hiện chi cho bộ máy quá lớn song nghịch lý là lương lại quá thấp, từ đó dẫn đến thiếu động lực lao động, thưa ông?
-Trung ương 6 đã đề cập đến sắp xếp đầu mối tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Định hướng rõ rồi, giờ cần sắp xếp quyết liệt hơn để giảm gánh nặng ngân sách nuôi bộ máy. Hiện chính sách thu nhập của ta như một “chiếc áo vá”, thiếu tính đồng bộ dẫn đến thiếu động lực, có ngành thu nhập cao, có ngành vất vả nhưng thu nhập thấp không dựa trên cống hiến, hiệu quả lao động. Điều này thấy rõ nhất trong khu vực nhà nước.
Do đó cần rà soát tổng kết đánh giá để ban hành hệ thống chính sách thu nhập một cách đồng bộ dựa trên cống hiến, hiệu quả lao động để trả công cho người lao động một cách hợp lý, công bằng.
Trong bối cảnh đó, chúng ta cần những giải pháp nào để vượt qua khó khăn, thưa ông?
-Chính phủ nên tập trung đối với chính sách tài khóa. Trong bối cảnh bội chi và nợ công như vậy, nếu chính sách tài khóa trong điều hành không chặt chẽ, kỷ luật tài chính không nghiêm, chi ngân sách vượt trong điều kiện nguồn thu không ổn định sẽ đe dọa an ninh tài khóa. Do đó phải duy trì nợ công ở mức cho phép, triệt để tiết kiệm, hạn chế xây trụ sở, lễ Tết, mua sắm ô tô. Tài khoản công nên có cơ chế khoán vì Trung ương đã có chủ trương rồi vấn đề phải triển khai để tiết kiệm cho nhà nước.
Theo dõi nhiều năm vừa qua tôi thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối cao, năm 2017 tăng 18-19%. Nếu mức cung tiền tệ đưa ra nền kinh tế càng nhiều trong khi kinh tế gặp khó khăn có thể dẫn đến có nguy cơ lạm phát quay trở lại. Cho nên trong chính sách tiền tệ, Chính phủ cần điều hành hết sức nhạy cảm,linh hoạt, căn cứ vào tình hình thực tiễn, tín hiệu của thị trường để có giải pháp phù hợp. Vì mọi chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ bao giờ cũng có độ trễ, đưa tiền ra ngày hôm nay nhưng vài tháng sau mới gây hiệu ứng đến giá cả, lạm phát do đó phải cân nhắc.
Đối với chính sách xuất nhập khẩu ngoại thương phải duy trì được cân bằng cán cân ngoại thương, đẩy mạnh xuất khẩu thị trường mới. Phát triển sản xuất mà không tiêu thụ được là nguy cơ khủng hoảng và gây nên bất ổn, do đó thị trường trong nước và quốc tế phải tái cơ cấu lại và mở rộng.
Tôi cho rằng, vận hội của chúng ta rất nhiều nhưng thách thức rất lớn. Năm 2018 thuận lợi sẽ nhiều hơn nếu như chúng ta biết chớp lấy vận hội, điều hành nhanh nhạy quyết liệt thì yếu tố thuận lợi sẽ được nhân lên, ổn định của kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn. Nhưng nếu điều hành không đồng bộ, không quyết liệt thì cơ hội sẽ qua đi và khó khăn sẽ nổi lên, và điều này phụ thuộc lớn vào điều hành của Chính phủ.
Trân trọng cảm ơn ông!