Nhà thơ Lữ Mai: Cha mẹ là người có trách nhiệm đầu tiên với con cái
“Cha mẹ là người có trách nhiệm đầu tiên và cao nhất đối với con cái. Nếu đứa trẻ không được an toàn ngay trong chính ngôi nhà mình, trong vòng tay cha mẹ thì bất cứ nguy cơ xấu nào ở bên ngoài xã hội đều có thể xảy ra”.
Nhà thơ Lữ Mai.
Nhà thơ Lữ Mai (hiện đang công tác tại Báo Gia Đình Xã Hội) chia sẻ:
“Câu chuyện con trẻ không an toàn ngay chính trong nhà mình vốn không mới nhưng nó trở nên nhức nhối trong đời sống hiện đại khi ngày càng nhiều vụ việc đau đớn xảy ra. Từ xa xưa, đã có những trẻ nhỏ bị bạo hành, bóc lộc sức lao động, xâm hại tình dục… đã có bao bi kịch khủng khiếp, đau đớn chìm vào im lặng. Việc chìm vào im lặng ấy có nhiều lý do trong đó có cả tác động của nhận thức xã hội, định kiến, tâm lý sợ sệt… Một phần của những dấu ấn đau đớn ấy được thể hiện qua các tác phẩm văn chương nghệ thuật. Bây giờ, khi đời sống xã hội thay đổi, các hình thức bạo hành càng trở nên nhức nhối, dã man hơn với tần suất báo động nghiêm trọng. Nhưng do nhận thức của con người về bạo hành trẻ em phần nào đã được thay đổi nên việc sẵn sàng lên tiếng tố cáo tội ác cũng được chú ý hơn. Nói đến một ngôi nhà, chúng ta thường liên tưởng ngay tới định nghĩa về mái ấm, bình yên, là môi trường để trẻ nhỏ được chăm sóc, giáo dục, bảo vệ an toàn nhất. Thế nhưng, vì sao có quá nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến xâm hại, sát hại trẻ em lại xảy ra trong chính môi trường được coi là gần gũi này?. Theo tôi, nguyên nhân chính bởi môi trường ấy giờ đây đều đang tồn tại nguy cơ mâu thuẫn, những “khoảng tối” nhận thức, đặc biệt là về quyền và phương pháp nuôi dạy, chăm sóc trẻ em”.
Bạo lực tại các trường mầm non cũng không phải là câu chuyện mới, nhiều giáo viên hoặc chủ cơ sở mầm non đã bị khởi tố nhưng những việc thương tâm sau cánh cổng trường đóng kín đối với trẻ em vẫn xảy ra, thưa chị?
- Với trẻ em, sau nhà mình thì trường học được coi là mái nhà thứ hai của các em. Nhưng cũng như mái nhà đầu tiên, mái nhà thứ hai này đang tồn tại nhiều “khoảng tối”. Rất nhiều nhà trẻ tư thục đang được mở ra, phương pháp quản lý còn lỏng lẻo, chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên không được kiểm soát chặt chẽ, ý thức trách nhiệm phụ huynh chưa cao, sẵn sàng giao phó con cái từ sáng đến tối mà ít quan tâm đến mối quan hệ giữa trẻ nhỏ với nhà trường, nhà trường với gia đình. Theo quan sát của tôi, hầu hết các vụ bạo hành trẻ em ở trường học đã được công bố chủ yếu xảy ra ở các cơ sở trường tư thục, nhà trông trẻ tư nhân…
Là phụ nữ, khi xem các hình ảnh đó, trong chị có suy nghĩ cảm xúc gì?
- Lần nào tôi cũng vô cùng bàng hoàng, xót xa và bức xúc. Tôi là một người mẹ có con đang ở tuổi đi học mẫu giáo nên mỗi khi bất đắc dĩ phải tiếp nhận bất cứ thông tin nào liên quan đến bạo hành trẻ em thì cảm xúc xót xa trong tôi bị đẩy lên cao nhất. Trong rất nhiều tội ác thì những tội ác liên quan đến trẻ em đều mang tính trầm trọng nhất. Có rất nhiều tình huống trong thực tế cũng như ở phim ảnh, văn chương… đến những tên tội phạm nguy hiểm còn phải dừng tay trước ánh mắt, nụ cười trẻ thơ… thì theo tôi những kẻ đã ra tay xâm phạm trẻ em là dạng tội phạm nguy hiểm nhất, đáng phải chịu những hình phạt cao nhất.
Chị có liên tưởng đến con mình không?
- Có và tôi nghĩ đó là tâm lý chung của mỗi bậc làm cha mẹ. Chưa cần nói tới việc một đứa trẻ trạc tuổi con mình bị bạo hành mà khi chúng ta nhìn những trẻ em khác chịu đói rét, nghèo khổ, bệnh tật… mỗi người đều dấy lên một lòng trắc ẩn, xót thương muốn được giúp đỡ, bao bọc. Đó là tình cảm bản năng giữa con người với con người, giữa những người lớn trưởng thành với trẻ em chưa đủ sức bảo vệ cho mình.
* Theo tôi, con có an toàn hay không, bắt đầu từ trách nhiệm cha mẹ!
- Đúng là như vậy! Cha mẹ là người có trách nhiệm đầu tiên và cao nhất đối với con cái. Nếu đứa trẻ không được an toàn ngay trong chính ngôi nhà mình, trong vòng tay cha mẹ thì bất cứ nguy cơ xấu nào ở bên ngoài xã hội đều có thể xảy ra.
Thực tế, rất nhiều cha mẹ lệ thuộc việc chăm nuôi, dạy dỗ con cho người giúp việc và trường học?
- Đó là một thực tế khá phổ biến và đầy bất cập trong xã hội hiện đại. Tôi không đồng tình với chuyện nhiều bậc làm cha mẹ vin cớ vào công việc, sự bận rộn để gần như giao phó hoàn toàn việc chăm sóc, dạy dỗ con cái cho người giúp việc và trường học, kể cả gần gũi hơn là ông bà thì cũng không thể thay thế được cha mẹ. Việc cha mẹ lệ thuộc vào các mối quan hệ này, đẩy trách nhiệm dạy dỗ con mình về phía những người khác cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến trẻ bị xâm hại hoặc lệch lạc về nhận thức, tình cảm gia đình.
Là một nhà thơ, và cũng làm báo liên quan tới gia đình, xã hội, khi dạy dỗ chăm sóc con, chị vừa đầy tình thương và sự hiểu biết?
- Tôi vừa yêu thương con bằng bản năng người mẹ và vừa học tập cách chăm sóc, dạy dỗ con mỗi ngày. Sự học ấy không bao giờ là đủ, rất nhiều chuẩn mực, định nghĩa cần được mở mang, thay đổi mỗi ngày. Gia đình tôi chỉ có hai vợ chồng cùng nhau chăm sóc, dạy dỗ con, không có ông bà, người giúp việc hay ai khác hỗ trợ. Chúng tôi đều làm văn chương, công tác tại một tòa soạn báo nên công việc khá bận rộn song dù bận rộn đến đâu, trừ lúc công tác đặc biệt, bằng không mỗi sáng, mỗi chiều chúng tôi đều cùng nhau đưa đón con đến trường, trò chuyện khi con trở về nhà, cùng nhau ăn tối và cho con đi dạo bộ. Đó là trách nhiệm cũng là hạnh phúc với người mẹ như tôi.
Chị đã làm những gì để bảo vệ sức khỏe và tinh thần cho con của mình?
- Việc chăm sóc, bảo vệ trẻ ở mọi phương diện như tôi đã nói, đó vừa là trách nhiệm vừa là hạnh phúc của bậc làm cha mẹ. Tôi tin rằng, cũng như tôi, hầu hết những bậc làm cha mẹ khác đều yêu thương, chăm sóc con bằng cả bản năng lẫn sự hiểu biết nhất định. Trong đời sống hiện đại, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ có phần khó khăn hơn xưa từ những chuyện đơn giản nhất là bữa ăn của trẻ dùng loại thực phẩm gì để an toàn cho đến cách giáo dục trẻ biết tự bảo vệ mình, tránh xa cạm bẫy…
Có nhiều phương pháp giáo dục trẻ em nhưng một trong những điều khiến tôi trăn trở nhất đó là làm sao để gieo cấy vào tâm hồn mỗi đứa trẻ tấm lòng nhân ái, yêu thương con người. Khi trẻ em có được điều đó chúng sẽ biết phản kháng chống lại cái xấu, tương lai thành những người lớn lương thiện. Tất cả những việc như tố cáo tội ác, mở ra phiên tòa… là cần thiết nhưng cũng chỉ là giải quyết những sự việc đau lòng đã xảy ra. Chúng ta không mong muốn mở thêm những phiên tòa, nhà tù mà chỉ mong sự nhân rộng của mầm thiện trong xã hội.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ.