Không ngừng nâng cao bản lĩnh đạo đức cách mạng, sẵn sàng đối phó với những thách thức mới

Theo Hồng Thanh Quang (Nhân Dân) 09/01/2018 15:30

Báo cáo trước Quốc hội sáng 6/11/2017, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2017 đã giành được nhiều kết quả tích cực, về cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Không ngừng nâng cao bản lĩnh đạo đức cách mạng, sẵn sàng đối phó với những thách thức mới

Cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hà Nội tham gia bảo vệ các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao của đất nước. Ảnh: Nhandan.

Năm 2018, tình hình tội phạm có xu hướng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, cần thực hiện đồng bộ một loạt giải pháp, trong đó cần xác định rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành gắn với trách nhiệm người đứng đầu; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân (CAND); phân tích tình hình trong và ngoài nước, kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đổi mới giáo dục pháp luật; thường xuyên kiểm tra, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập, thiếu sót, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự; chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh trấn áp tội phạm, tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật…

Để xứng đáng hơn với vai trò nòng cốt trên mặt trận bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm đầy cam go, phức tạp, lực lượng CAND hơn bao giờ hết, cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ bản lĩnh chiến đấu và đạo đức cách mạng, sẵn sàng đối phó những thách thức mới, trước tác động to lớn và rất khắc nghiệt của mặt trái trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Sinh thời, Bác Hồ đã luôn mong muốn lực lượng CAND phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của những công bộc của dân trong một lĩnh vực công tác hết sức đặc thù, liên quan tới sự an nguy của cả xã hội, cả chế độ và cả quốc gia: “Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân...”.

Có thời điểm Bác đã rất thẳng thắn khi đề cập những việc còn chưa được trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng nói chung, lực lượng CAND nói riêng. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10 (tháng 1/1956), Bác Hồ chỉ rõ “Khuyết điểm của cán bộ nói chung, của công an nói riêng là: Sợ khó, sợ khổ, không bền gan, không quyết chí, kém cảnh giác, hữu khuynh”. Không phải ngẫu nhiên mà Bác đã luôn đặt tính đạo đức trong hoạt động nghiệp vụ của người công an cách mạng lên vị trí cao. Trong bức thư ngày 11/3/1948 gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII, chủ bút tờ nội san Bạn dân của Công an khu XII, khi nói về “Tư cách người Công an cách mệnh”, Bác đã nhấn mạnh: “Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức”. Đó là:

“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tuỵ.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Cũng theo lời Bác dạy, muốn có bộ máy công an tốt thì từng cán bộ công an phải tốt. Muốn có những cán bộ công an tốt thì cần phải thường xuyên tiến hành tốt hoạt động tự phê bình và phê bình.

Trong bài nói chuyện tại Trường Công an trung cấp khóa 2 năm 1951, Bác Hồ nêu rõ: “Tuy công an là của nhân dân, nhưng đồng thời cũng phải biết phê bình người phạm sai lầm. Trong nội bộ, công an cũng phải phê bình nhau. Đối với người không sửa được thì phải tẩy trừ ra khỏi ngành kẻo để lại thì con sâu làm rầu nồi canh…”. Theo Bác, nội bộ công an từ cấp cao đến nhân viên phải đoàn kết nhất trí, nhưng “Đoàn kết không phải là “chén chú chén anh”, là anh A giấu lỗi cho anh B”. Vì thế, “Trong nội bộ phải thực hành dân chủ, phải luôn luôn tự kiểm thảo để đi đến đoàn kết. Phê bình và tự phê bình phải từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Phê bình trên công tác cách mạng, phê bình để tiến bộ, không phải để xoi mói”.

Bác Hồ cũng đã luôn căn dặn, để gìn giữ và đắp bồi thêm những phẩm chất đạo đức, người chiến sĩ công an phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Trong bài nói chuyện tại Trường Công an Trung ương ngày 28/1/1958, Bác giải thích: “Thế nào là chủ nghĩa cá nhân? Là so bì đãi ngộ: lương thấp, cao, quần áo đẹp, xấu, là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn. Chủ nghĩa cá nhân như vi trùng đẻ ra nhiều bệnh khác: sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa; vui thì làm, không vui thì không làm; thích thì làm, không thích không làm. Phải đề cao tính tổ chức, đề cao kỷ luật. Chống chủ nghĩa ba phải; trái phải, phải dứt khoát, phải rõ ràng, không được nể nang. Can đảm bảo vệ chính nghĩa, dũng cảm tự phê bình và phê bình. Xác định toàn tâm toàn ý, 100% phục vụ nhân dân. Có thế mới khắc phục được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm… Công an là bộ máy giữ gìn chính quyền chống thù ngoài địch trong, mà còn chủ nghĩa cá nhân là còn có địch ở bên trong, địch ở trong con người mình. Kẻ địch ấy lại không thể lấy súng bắn vào được. Phải ra sức phấn đấu rèn luyện tư tưởng mới khắc phục được nó”.

Bác cũng nhắc nhở trong bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn khóa II của Bộ Công an (ngày 16/5/1959): “Chủ nghĩa cá nhân không phải chống lại một lần mà hết được. Trong lớp này, các cô các chú kiểm thảo thành khẩn là điều tốt, tiến bộ. Nhưng không phải kiểm thảo xong là gột rửa hết chủ nghĩa cá nhân. Ví như rửa mặt thì phải rửa hàng ngày. Vì vậy kiểm thảo ở đây không phải là xong, là đủ mà còn phải tiếp tục luôn luôn phê bình, tự phê bình, kiểm thảo trong mọi việc”.

Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi hết sức cơ bản cho quá trình phát triển, đất nước cũng còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen. Chúng ta đang phải đối mặt với những sự chống phá hết sức tinh vi, mạnh mẽ của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm cũng như những tác động tiêu cực từ tình hình khu vực, thế giới. Tình hình tội phạm và trật tự an toàn xã hội đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Trong khi đó, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát Nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2017), “Trong lực lượng của chúng ta cũng còn có một bộ phận chưa có quyết tâm cao và biện pháp cụ thể để phòng chống tội phạm có hiệu quả; có nơi, có lúc bọn tội phạm còn lộng hành, đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân…”.

Thực tế cho thấy, đã xuất hiện những cá nhân ở ngay cả cấp cao, do mất cảnh giác và thiếu tu dưỡng phẩm hạnh đã mắc phải những sai lầm không nhỏ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm các loại, phải chịu sự trừng phạt đích đáng của pháp luật...

Ý thức được điều này, lực lượng CAND với tinh thần “Đổi mới, chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, đang nỗ lực xây dựng đội ngũ trong sạch, vững mạnh để thật sự làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2017: Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"...

Trong bối cảnh đó, những lời dạy của Bác Hồ về rèn luyện đạo đức cách mạng vẫn còn nguyên giá trị đối với những người chiến sĩ công an của nhân dân. Bởi lẽ, cũng theo lời Bác nói, “Đối với nhân dân, đối với Đảng, với cách mạng xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm của công an rất lớn, rất nặng nề. Cho nên phải xây dựng một bộ máy công an rất tốt, rất chắc chắn. Ai phải xây dựng? Mỗi một cán bộ công an đều có trách nhiệm vào đấy. Ai cũng tiến bộ, cũng khắc phục được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm, thì toàn bộ bộ máy công an sẽ tốt. Điều đó thật là rõ ràng, dễ hiểu, cho nên mỗi cán bộ công an phải cố gắng, gương mẫu trong học tập, trong công tác, gương mẫu về đạo đức cách mạng”.

Theo Hồng Thanh Quang (Nhân Dân)