Thích ứng với biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long: Bắt đầu từ sự phát triển bền vững
Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT;) đưa ra mới đây đã khẳng định, trong vòng 1 thế kỷ nhiệt độ trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể tăng từ 2,5 - 3,7 độ C. Nước biển dâng cao 0,8 đến 1 mét. Đồng nghĩa điều này, sẽ có khoảng 40% diện tích của ĐBSCL bị nước biển nuốt trọn.
Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng dữ dội đối với ĐBSCL.
Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng
Tại cuộc hội thảo về tác động môi trường khu vực ĐBSCL được tổ chức mới đây ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh, những đợt hạn mặn trong 3 năm qua, trong đó có những đợt hạn mặn bất thường thực sự không còn là sự cảnh báo với khu vực ĐBSCL. Hiện nay, hầu hết các cửa sông tại BĐSCL bị xâm mặn từ 50 km đến 70 km. đặc biệt, sông Vàm Cỏ có xâm mặn hơn 90km.
Hàng loạt hậu quả nặng nề đã và đang ảnh hưởng trực tiếp với người dân. Năm 2016, mức thiệt hại khoảng 17.000 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2017, hạn mặn đã gây thiệt hại gần 8.000 tỷ đồng. Cụ thể, 11/13 tỉnh thành buộc phải công bố tình trạng thiên tai. Gần 500.000 ha tổng diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại. Trên 82.000 ha đất tôm nuôi bị ảnh hưởng thậm chí mất trắng. Hạn mặn còn khiến 390.000 hộ thiếu nước sinh hoạt…
Bên cạnh đó, từ 2010 đến nay, diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển có xu thế ngày càng gia tăng. Tốc độ xói mòn đã vượt tốc độ bồi tích làm diện tích ĐBSCL giảm khoảng 300 ha một năm. Số liệu thống kê của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho thấy, hiện nay sạt lở đã và đang xảy ra ngày một nghiêm trọng ở hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu (vùng thượng và hạ châu thổ) nhất là vào khoảng thời gian đầu và cuối mùa mưa lũ. ĐBSCL hiện có trên 560 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 790 km. Sạt lở bờ sông có 49 điểm, với tổng chiều dài lên đến 266 km.
“Khát” phù sa tiếp tục là vấn nạn của ĐBSCL do việc các quốc gia ở thượng nguồn xây nhiều đập thủy điện, tích nước. Phù sa có vai trò bồi đắp để bù lún và bồi đắp để lấn đất ra biển. Trong những năm qua, lượng phù sa giúp bồi đắp cho đồng bằng theo hướng Đông bình quân là 16 mét/năm và theo hướng Mũi Cà Mau là 26 mét/năm tạo hình hài cho ĐBSCL.
Trong khoảng 160 triệu tấn phù sa của sông Mê Kông chảy về mỗi năm, 100 triệu tấn đổ ra biển, trong đó có khoảng 16.000 tấn dinh dưỡng tạo ra nguồn thức ăn thủy sản, phục vụ công tác khai thác, đánh bắt. Sự cắt giảm phù sa, đồng nghĩa không chỉ ngành thủy sản điêu đứng.
GS.TS Trần Thục- Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc gia về BĐKH cho biết, những kịch bản của BĐKH mà ĐBSCL đang phải gánh chịu không còn là sự nhận diện mà là hệ lụy hiện hữu. Nếu như 1 thế kỷ nữa, nhiệt độ nước biển tại Việt Nam tăng 3 độ C. Mực nước biển ĐBSCL tăng từ 55 – 75 cm, sẽ khiến cho 40% tổng diện tích ĐBSCK bị ngập nước.
Việc nước biển dâng, xâm mặn sẽ khiến cho 45% diện tích vùng ĐBSCL bị nhiễm mặn vào năm 2030, ước tính gây thiệt hại khoảng 380.000 tỷ đồng (17 tỷ USD). ĐBSCL là khu vực có sản lượng nông sản lớn nhất tại Đông Nam Á. Đây cũng là “vựa lúa” lớn nhất Việt Nam. Hậu quả khôn cùng nếu không có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ ngay từ bây giờ.
Hiểu đúng nghĩa cụm từ “bắt đầu”
PGS.TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi Khí hậu cho biết, trong thời gian dài Việt Nam đã thực hiện các giải pháp chính sách đối với BĐKH cho khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, những ứng phó ấy có nhiều nhóm vấn đề chưa thực sự tương xứng, rời rạc, thiếu đồng bộ và chắp vá. Chính vì vậy, “bắt đầu” các giải pháp cấp bách một cách toàn diện, phù hợp với thực tiễn ngay từ bây giờ chính là mục tiêu tối thượng của Chính phủ và các đơn vị liên quan.
Đây có lẽ cũng là nội dung, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, phải hiểu rõ nghĩa của sự bắt đầu. Việt Nam không phải mới bắt đầu ứng phó với BĐKH. Nhưng bắt đầu như thế nào, là thách thức lớn cần được xem xét toàn diện để đưa ra được những quyết sách làm cơ sở tiền đề, làm mẫu hình lựa chọn chuyển đổi mô hình phát triển bền vững cho ĐBSCL.
Đó là việc phân tích, nhận diện được đầy đủ hơn các thách thức do BĐKH, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn. Tiếp đến là dự báo được các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở cho định hình mô hình phát triển vùng ĐBSCL và các định hướng chuyển đổi lớn. Từ đó, đưa ra cơ chế chính sách đổi mới có tính đột phá nhằm tận dụng cơ hội chuyển hóa các thách thức thúc đẩy quá trình chuyển đổi, phát triển bền vững ĐBSCL.
Trong đó, tập trung vào các cơ chế về đất đai, thuế, kiến tạo thị trường, xúc tiến đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Và một nhóm vấn đề “bắt đầu” vô cùng quan trọng, đó là xác định các dự án, các nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện phù hợp trong tổng thể phát triển toàn vùng với sự tham gia của các bên bao gồm Chính phủ, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL…
“Nói dễ hơn làm, bởi câu chuyện ứng phó trước BĐKH, tạo sự bền vững cho ĐBSCL không phải chỉ đến bây giờ mới thực hiện. Rất nhiều hội nghị trước đây đã từng lấy ý kiến về giải pháp phát triển bền vững cho ĐBSCL, nhưng nhiều đề án, giải pháp vẫn chỉ là tồn tại trên giấy. Quyết tâm chuyển đổi mô hình phát triển bền vững gắn liền với điều kiện tự nhiên, con người và văn hóa, phải là sự bắt đầu đúng nghĩa”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.