Học sinh TP HCM hoang mang khi bỏ cộng điểm nghề
Nhiều người cho rằng, nếu triển khai ngay, việc bỏ cộng điểm nghề cho học sinh vào lớp 10 sẽ tạo thiệt thòi cho không ít học sinh.
Thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP HCM năm 2017.
Thông tin bỏ cộng điểm khuyến khích nghề cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10, theo nội dung Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông mà Bộ GD-ĐT vừa công bố đang khiến dư luận hoang mang.
Nhiều người cho rằng, nếu triển khai ngay, việc bỏ cộng điểm khuyến khích này sẽ tạo thiệt thòi cho không ít học sinh.
Sau một thời gian dài tập làm quen và phấn đấu rất nhiều thì mới đây, Nguyễn Huyền Băng, học sinh lớp 9/9 Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1 đã xuất sắc đạt loại giỏi nghề Nhiếp ảnh.
Như vậy, nếu theo quy định hiện hành, Băng sẽ được cộng 1,5 điểm khuyến khích vào kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tới. Vì thế, khi nghe thông tin về việc có thể sẽ bỏ cộng điểm khuyến khích nghề, Băng cảm thấy buồn, hụt hẫng và cho rằng như vậy là không công bằng cho những học sinh học nghề nghiêm túc.
“Công sức các bạn bỏ ra để giành được loại giỏi tương đương với 1,5 điểm cộng thực sự là rất đáng để cộng vào. Nếu bây giờ không được cộng, các bạn sẽ thấy việc học nghề rất vô ích”, Huyền Băng bày tỏ.
Đó là suy nghĩ của rất nhiều học sinh tại TP HCM vừa hoàn thành kỳ thi nghề.
Theo Bộ GD-ĐT, việc bỏ điểm khuyến khích nghề là cần thiết để tạo sự công bằng cho tất cả các thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đồng thời, đây cũng là cách nhằm chấn chỉnh tình trạng loạn các cuộc thi ở địa phương để cộng điểm khuyến khích cho học sinh, từng bước đưa dạy nghề về đúng với mục đích đã đề ra là hướng nghiệp, phân luồng.
Tuy nhiên, bà Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Quận 5 cho rằng, đột ngột bỏ cộng điểm thi nghề là việc không nên làm.
Thời gian qua, các đô thị lớn như TP HCM đã làm rất tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh thông qua việc dạy nghề từ lớp 8.
Cộng điểm khuyến khích là hình thức phù hợp để khuyến khích học sinh quan tâm đến việc học nghề nhiều hơn.
Nhiều năm qua, ở thành phố này, việc cộng điểm nghề chưa tạo bức xúc, tiêu cực gì đến mức báo động.
Bà Thu cũng cho rằng, nếu cứ động một chút là đổi mới, bỏ cái này thêm cái kia thì rất khó cho học sinh cũng như các trường.
“Tôi chỉ mong rằng những điểm đổi mới kịp với xu hướng hội nhập thì cũng làm sao tạo được niềm tin và sự an tâm cho phụ huynh. Đừng cứ mỗi năm lại ban hành một dự thảo, cứ thay đổi như vậy thì thứ nhất phụ huynh sẽ cảm thấy hoang mang, không còn tin tưởng vào ngành giáo dục, thứ hai là ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý học sinh”, bà Thu nêu quan điểm.
Trong khi đó, đứng ở góc độ khác, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1 nhìn nhận, việc bỏ cộng điểm thi nghề là cần thiết trong điều kiện học tập ngày nay của học sinh tại các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội. Các địa phương có thể dùng loại hình khác để khuyến khích học sinh học nghề.
“Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là dịp chúng ta tuyển chọn và phân luồng học sinh. Vậy nên tôi thấy việc bỏ cộng điểm nghề cho các em học sinh tại các thành phố lớn là điều hợp lý. Nhưng việc này muốn thực hiện cần phải có lộ trình, có thời gian để các trường, các em học sinh và phụ huynh có sự chuẩn bị”, ông Khoa cho biết.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đang đưa ra lấy ý kiến đóng góp đến hết ngày 18/2.
Do vậy, điều nhiều học sinh, phụ huynh và đại diện nhiều trường trung học cơ sở mong nhất bây giờ là Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe đầy đủ các luồng ý kiến để đưa ra được sự điều chỉnh phù hợp nhất, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2018.