Gian nan xử lý hồ sơ nhà đất
Thành phố tồn và trễ hẹn khá nhiều thủ tục nhà đất - đó là thông tin được lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong buổi tổng kết cải cách thủ tục hành chính năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Nhiều văn phòng đăng ký đất đai tồn đọng, trễ hẹn hồ sơ.
Báo cáo kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính năm 2017 trên địa bàn thành phố, Sở Tư pháp cho biết, thời gian qua Sở Xây dựng thực hiện thí điểm giải quyết kết hợp các thủ tục thuộc thẩm quyền như: Cấp giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở… Quy trình này rút ngắn thời gian thực hiện của nhóm thủ tục nên trên còn 42 ngày so với 122 ngày theo quy định trước đó.
Sở Xây dựng còn tham mưu UBND thành phố ban hành quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ trên địa bàn.
Đánh giá cao những kết quả của Sở Xây dựng, song nhiều ý kiến than phiền hoặc không hài lòng về thủ tục nhà đất nói chung và giấy chứng nhận nói riêng.
Theo phản ánh từ các quận – huyện, thời gian tiếp nhận và xử lý hồ sơ nhà đất quá lâu so với quy định.
Ông Lê Văn Thinh – Chủ tịch UBND quận Bình Tân than phiền: “Tại các quận – huyện vùng ven hồ sơ nhà đất cần giải quyết chiếm tỷ lệ cao, thế nhưng hồ sơ tồn và trễ hẹn của lĩnh vực này cũng nhiều nhất”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, qua một năm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, huyện nhận thấy chưa cải cách hành chính tốt, có đến 53% hồ sơ bị trễ hẹn. Đứng đầu hồ sơ trễ hẹn phải kể đến thủ tục nhà đất.
Theo thống kê của huyện, hiện còn 1.000 hồ sơ nhà đất đang mắc kẹt ở Sở Tài nguyên Môi trường. “1.000 hồ sơ nhà đất trễ hẹn không chỉ có ở huyện Bình Chánh mà nhiều quận – huyện khác cũng tồn tại như vậy. Văn phòng đăng ký đất đai rất băn khoăn và trăn trở về vấn đề này”, ông Dư Huy Quang – Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố chia sẻ.
Lý giải thêm về nguyên nhân chậm giải quyết hồ sơ nhà đất, đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai cho rằng, tình trạng sử dụng đất đai phức tạp do liên quan đến nhiều cơ quan.
Hiện nay các cơ quan này gặp nhiều khó khăn khi giải quyết những thủ tục nhà đất chưa có giấy tờ nhưng đã xây dựng trái phép, không phép.
Nói về vấn đề này, bà Phan Thị Bình Thuận – Phó Giám đốc Sở Tư pháp thông tin, hồ sơ nhà đất tồn nhiều chủ yếu là do thay đổi văn bản, phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện chưa đồng bộ, chưa kịp thời. Khâu xác minh từ cơ quan liên quan mất quá nhiều thời gian.
Thống kê chưa đầy đủ, năm 2017, thành phố có 38.543 hồ sơ trễ hạn. Trong đó, hầu hết hồ sơ trễ hạn rơi vào hồ sơ nhà đất. Các đơn vị có hồ sơ trễ hạn cao như: Chi nhánh Văn phòng Đất đai quận Tân Phú là 61,7%, Chi nhánh Văn phòng Đất đai quận 11 là 31,3%, Chi nhánh Văn phòng Đất đai quận 6 là 23,9%, Chi nhánh Văn phòng Đất đai quận 2 tỷ lệ là 16,44%, Chi nhánh Văn phòng Đất đai quận 5 là 23,7%...
Để hồ sơ liên quan đến thủ tục nhà đất trôi chảy hơn, văn phòng kiến nghị, nên phân cấp cho các chi nhánh được ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ chuyển nhượng.
UBND thành phố hỗ trợ bằng cách thêm phó giám đốc văn phòng đăng ký vì 2 phó giám đốc không xử lý kịp hồ sơ tiếp nhận đáp ứng đúng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Giao Sở Xây dựng xử lý các trường hợp vi phạm.
Trước tình trạng hồ sơ nhà đất trễ hẹn chiếm tỷ lệ cao nhất, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, công tác cải cách hành chính năm 2017 của thành phố có nhiều chuyển biến, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai ở các lĩnh vực như: Đô thị, nhà đất, kinh tế…. Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu, các sở, ngành, đơn vị liên quan xử lý chậm hồ sơ nhà đất phải xin lỗi, thậm chí là cam kết ngày nào xong để người dân và doanh nghiệp yên tâm.
“Năm 2018, thành phố phấn đấu đặt mục tiêu mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 90%, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên cổng thông tin một cửa điện tử của thành phố đạt trên 90%; 100% các sở, ngành, quận huyện phải xây dựng kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính để thực hiện một cách hiệu quả”, ông Tuyến chỉ đạo.