Cảnh báo trầm cảm ở giới trẻ

Đức Trân 10/01/2018 23:53

Theo nghiên cứu mới đây của Bộ LĐTBXH, UNICEF và Viện Phát triển hải ngoại, tỉ lệ trẻ em và vị thành niên Việt Nam bị mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung là từ 8-29%, tùy theo địa phương và giới tính; tỉ lệ vị thành niên Việt Nam tự tử là 2,3%; vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội ở trẻ em và vị thành niên đang lan rộng và gia tăng.

Cảnh báo trầm cảm ở giới trẻ

Thiếu quan hệ xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn tới trầm cảm.

Nguy cơ đến từ lạm dụng điện thoại

Thông tin từ Bệnh viện Quân y 103 cho biết, trong vòng chưa đến 10 ngày, Khoa Tâm thần của bệnh viện liên tiếp tiếp nhận 5 trường hợp mắc các chứng rối loạn tâm thần do nghiện điện thoại. Trong đó, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 18 tuổi, nhiều nhất là 27 tuổi.

Một trường hợp khác gây xôn xao dư luận trong những ngày qua là trường hợp nữ sinh (sinh năm 2000) nhập viện do sức học sa sút nghiêm trọng, thậm chí còn thu mình, khép kín. Nữ sinh này thường xuyên trốn học, ở nhà cầm điện thoại suốt ngày đêm.

Thấy con có biểu hiện lạ, gia đình cắt mạng internet. Lúc này, nữ sinh lại có những biểu hiện bất thường mà chính bố và mẹ cũng không ngờ tới như đập phá, bỏ ăn, bỏ uống…

Ngay sau đó, gia đình phải đánh thuốc mê để đưa con nhập Bệnh viện Tâm thần Trung ương.

Còn nhớ, tháng 10/2017, đã xảy ra 2 vụ học sinh tự tử ở TP Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh. Các em chọn cách nhảy từ trên những tòa nhà cao tầng xuống.

Những người dân nơi 2 em học sinh này sinh sống cho biết, trước khi tự tử, các em không có biểu hiện gì bất thường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mọi thứ không như vẻ bề ngoài các em thể hiện. Đã có rất nhiều những bất ổn trong lòng các em không được phát hiện, giúp đỡ kịp thời. Vụ việc 2 em học sinh nêu trên không phải là cá biệt.

Theo BS Nguyễn Doãn Phương- Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh trầm cảm không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh mà còn ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội của người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội.

Ngoài ra, bệnh trầm cảm gây ảnh hưởng lớn về kinh tế bao gồm: những thiệt hại kinh tế trực tiếp do kinh phí điều trị trực tiếp, nhưng thiệt hại kinh tế lớn hơn đó là những thiệt hại kinh tế gián tiếp là mất khả năng lao động của người bệnh.

Không đùa với chứng trầm cảm

PGS TS Trần Văn Cường- Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam cho biết nguyên do khó nhận biết do trong rối loạn trầm cảm có tới 13 thể, trong đó có nhiều thể biểu hiện ra ngoài giống hệt tâm thần phân liệt hay trùng lặp với các triệu chứng bệnh lý như tim mạch, gan, phổi, xương khớp... nên khám mãi không ra bệnh gốc.

Trầm cảm và các bệnh lý khác cũng có sự tương tác 2 chiều, trong đó trầm cảm là yếu tố nguy cơ khiến thời gian điều trị các bệnh nội khoa kéo dài hơn và bản thân những người mắc bệnh lý mãn tính cũng có tỉ lệ trầm cảm lớn hơn như bệnh parkinson có 51% bệnh nhân trầm cảm, tiếp đến là ung thư (42%), đái tháo đường (27%), tim mạch (21%), HIV (12%)...

Để phòng bệnh hiệu quả, điều đầu tiên là người dân đặc biệt là ở vùng thành thị cần ý thức được những stress và sức ép trong công việc, gia đình và tài chính để từ đó tìm ra những biện pháp phù hợp với điều kiện thời gian và kinh tế của mình để cân bằng, tái tạo sức lao động của mình.

Việc cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi là vô cùng quan trọng để giảm các nguy cơ phát sinh các rối loạn tâm lý liên quan tới stress, trong đó có trầm cảm. Các biện pháp giảm stress tái tạo sức lao động có thể đơn giản là tập thể dục thể thao, tập yoga, gặp gỡ bạn bè, tập tĩnh tâm hoặc học một môn nghệ thuật mới (vẽ, âm nhạc…).

Bên cạnh đó, cần nâng cao kiến thức và giảm định kiến của người dân về bệnh trầm cảm và các phương pháp điều trị bệnh trầm cảm là rất quan trọng, để bệnh có thể được phát hiện sớm và điều trị sớm.

Đồng thời, nâng cao việc chẩn đoán, chất lượng khám chữa bệnh trong ngành Tâm thần và trị liệu tâm lý cũng như trang bị kiến thức về các rối loạn tâm lý tâm thần và các biện pháp trị liệu cho các bác sỹ kể cả các bác sỹ ở những chuyên ngành khác sẽ góp phần phát hiện và điều trị sớm bệnh trầm cảm từ đó giảm những hậu quả lâu dài do trầm cảm gây ra cho người bệnh, gia đình và xã hội.

Trong điều trị trầm cảm, việc kết hợp giữa điều trị thuốc và trị liệu tâm lý là hiệu quả nhất.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh trầm cảm cướp đi trung bình 850.000 mạng người mỗi năm. Trên thế giới có gần 300 triệu người mắc trầm cảm nhưng chỉ khoảng 25% trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

WHO dự báo, đến năm 2020, trầm cảm sẽ là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu.

Tại Việt Nam, WHO ước tính có khoảng 3,6 triệu người mắc căn bệnh này, chiếm 4% dân số (số liệu 2015). Thiệt hại về kinh tế liên quan tới bệnh trầm cảm ở châu Âu năm 2016 lên tới trên 113 tỷ Euro, bao gồm những thiệt hại kinh tế trực tiếp và gián tiếp.

Đức Trân