Để doanh nghiệp SME bứt tốc

PV 11/01/2018 16:17

Ngay từ đầu năm 2018, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh nghiệp SME) đón nhận nhiều tín hiệu vui, là động lực để khối doanh nghiệp này tạo ra những bước phát triển đột phá tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Đó là việc Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2018; đó là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đặt ra yêu cầu các bộ ngành phải cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa

Để doanh nghiệp SME bứt tốc

BIDV liên tục đồng hành, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp SME.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nước ta có khoảng gần 600.000 doanh nghiệp SME, chiếm khoảng 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế; tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp SME xấp xỉ 121 tỉ USD, chiếm 30% tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp. Hàng năm các doanh nghiệp SME đóng góp khoảng 40% GDP; 30% kinh phí nộp ngân sách nhà nước, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút gần 60% lao động...

Có số lượng đông đảo, tuy nhiên theo báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) thì số doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6% tổng số doanh nghiệp SME, còn lại số lượng doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn. Chính bởi quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên các doanh nghiệp loại này gặp khá nhiều khó khăn, nhất là không đủ năng lực tài chính để đầu tư vào, máy móc, công nghệ hiện đại...

Mặc dù doanh nghiệp SME là đối tượng khách hàng tiềm năng, tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng xuất phát từ hạn chế của doanh nghiệp như thiếu kinh nghiệm quản trị điều hành, thiếu tài sản, chưa minh bạch trong hoạt động kinh doanh, chưa am hiểu về sản phẩm ngân hàng, quy trình, thủ tục vay vốn ngân hàng…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp SME còn đang gặp rất nhiều khó khăn khác như: các thủ tục hành chính còn khá rườm rà; chi phí thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh còn quá cao; phải trả nhiều loại chi phí trong quá trình hoạt động; hạn chế trong việc tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh...

Nhận thấy rõ vai trò, tiềm năng của khối doanh nghiệp SME, cũng như những khó khăn của khối doanh nghiệp này, trong thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có chủ trương và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa có hiệu lực với các chính sách hỗ trợ chung cũng như các chương trình hỗ trợ mục tiêu; Nghị quyết số 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ với những yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp,... là hành lang pháp lý quan trọng để các các cấp, các ngành và các thành phần của nền kinh tế chung tay hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khối doanh nghiệp SME.

Nhưng không phải đợi đến khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, mà trước đó ngành ngân hàng - với vai trò huyết mạch của nền kinh tế - đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp SME.

Theo một lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thì Ngân hàng này đã sớm nhận thấy tiềm năng của khối doanh nghiệp SME và đã xây dựng chiến lược để doanh nghiệp SME trở thành đối tượng khách hàng mục tiêu quan trọng, tiềm năng. Để thực hiện mục tiêu đó, BIDV đã thành lập đơn vị độc lập chuyên trách quản lý phân khúc đối tượng khách hàng này và xác định thông điệp xuyên suốt “Đồng hành với SME”. Từ đó, Ngân hàng này đã triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp SME.

Về cơ chế chính sách, BIDV triển khai áp dụng quy trình cấp tín dụng cho doanh nghiệp SME trong đó đơn giản hóa về hồ sơ thủ tục cấp tín dụng, thường xuyên triển khai các chương trình/gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp SME với quy mô nguồn vốn hỗ trợ hàng năm lên đến 50-60.000 tỷ đồng, ban hành các sản phẩm dịch vụ gắn với nhu cầu, đặc thù của doanh nghiệp SME ở các lĩnh vực/ngành nghề tiềm năng và tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp SME khi tiếp cận vốn vay (cụ thể như: cơ chế cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm, đa dạng hóa loại hình tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp SME như thế chấp quyền đòi nợ trong tương lai từ hợp đồng thương mại, thế chấp hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh…).

Bên cạnh đó, với năng lực tài chính mạnh, mạng lưới rộng khắp và uy tín được khẳng định, BIDV cũng được các tổ chức quốc tế tin tưởng, lựa chọn ủy thác vốn để hỗ trợ doanh nghiệp SME, cụ thể như: Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) do World Bank (WB) tài trợ; triển khai cho vay ủy thác từ các nguồn vốn JICA, JIBIC; nguồn vốn hỗ trợ từ ADB, Đại sứ quán Đan Mạch...

Ngoài ra, BIDV đã hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINASME), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… để tổ chức các Hội thảo, Hội nghị để hướng dẫn, hệ thống hóa các cho doanh nghiệp các văn bản pháp lý cơ bản liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư dự án, các yêu cầu về báo cáo tài chính... từ đó giúp doanh nghiệp nắm rõ các quy định về đầu tư dự án, quy định về vay vốn ngân hàng gắn với yêu cầu minh bạch về báo cáo tài chính. Cũng thông qua các hội thảo, Ngân hàng này đã thực hiện tư vấn về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, về quy trình, thủ tục vay vốn, trao đổi kinh nghiệm trong việc lập các phương án/kế hoạch kinh doanh/dự án đầu tư theo quy định của Pháp luật/Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp SME tìm kiếm khách hàng và thị trường đầu ra, cung cấp thông tin kết nối hợp tác thương mại - đầu tư...

Về kế hoạch năm 2018, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Tổng Giám đốc BIDV - cho biết: BIDV cam kết “Liên tục đổi mới - Đồng hành cùng SME”. BIDV sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp SME, triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao... BIDV cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm, khai thác các nguồn vốn chương trình cho vay ưu đãi với chi phí thấp của các tổ chức tài chính trong nước (các nguồn quỹ hỗ trợ doanh nghiệp SME của các cơ quan bộ/ban/ngành) và quốc tế (WB, IFC, JBIC, ADB…) nhằm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp SME.

Đồng thời, BIDV sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội VINASME để đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp SME; tổ chức các hội thảo tư vấn, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ doanh nghiệp SME tiếp cận nguồn vốn ngân hàng... Ngân hàng này cũng sẽ tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa quy trình, thủ tục giao dịch đối với khách hàng SME; nghiên cứu cung cấp các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao để gia tăng tiện ích cho doanh nghiệp.

Tính đến hết 2017, BIDV là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về quy mô hoạt động đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp SME. BIDV phục vụ khoảng 236.000 doanh nghiệp SME, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp tại BIDV và xấp xỉ 39% doanh nghiệp SME trong cả nước.

Riêng trong năm 2017, dư nợ BIDV cho vay doanh nghiệp SME tăng trưởng 31% so với 2016, đạt 220.561 tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng dư nợ tín dụng của BIDV và khoảng 17% tổng dư nợ doanh nghiệp SME trong nền kinh tế.

PV