Biến khát vọng thành thịnh vượng của quốc gia, dân tộc
Chiều 11/1, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2018 đã diễn ra Hội thảo Kinh tế vĩ mô - Đối thoại chính sách cấp cao “Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững cho Việt Nam: Những thách thức và động lực mới”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, cùng đại diện các bộ, ban ngành của Việt Nam tham dự.
Năng lượng sạch - năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực quan trọng để nền kinh tế có thể phát triển nhanh, bền vững Nguồn: Báo Thanh niên
Năng lượng sạch cho phát triển bền vững
Tại 3 trong 4 phiên thảo luận tại Diễn đàn, hầu hết các ý kiến đều nhấn mạnh đến vai trò của nguồn năng lượng sạch - năng lượng tái tạo, như là một trong những động lực quan trọng nhất để nền kinh tế có thể phát triển nhanh, bền vững. Song đây cũng chính là thách thức lớn trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế Việt Nam.
Ngay trong phiên thảo luận vào sáng cùng ngày với chủ đề “Công nghệ, năng lượng xanh cho phát triển bền vững”, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh rằng, việc hướng tới thay thế các nguồn năng lượng hoá thạch (than, dầu) bằng năng lượng sạch (gió, mặt trời) đang là xu thế không chỉ trong khu vực mà đang diễn ra khắp thế giới.
Đề cập đến thực trạng của Việt Nam với 26 nhà máy nhiệt điện than và đang có xu hướng tăng thêm, ông John Kerry cho rằng đây là một quyết định “không thông thái”; đồng thời khẳng định với tiềm năng sẵn có, Việt Nam có thể phát triển một hệ thống năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay vì chỉ ở mức “những mảnh vụn” như hiện nay. Cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng nói rằng, việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump năm ngoái tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu không đồng nghĩa với việc nước Mỹ chối bỏ trách nhiệm trong vấn đề này và thực tế là chính quyền “các bang vẫn giữ cam kết ở mức độ địa phương”.
Ông Hoàng Quốc Vượng- Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, từ sau khi có quyết định về giá điện mặt trời hồi tháng 4/2017, bộ này đã tiếp nhận số dự án đăng ký mới với công suất lên tới 15.000 MW. Trong đó, đã có 4.000MW được chấp thuận bổ sung quy hoạch, khoảng 4.000MW khác đang đề nghị Thủ tướng xem xét. “Nếu được thông qua, đến năm 2020 chúng ta sẽ có thêm 8.000 MW năng lượng tái tạo. Khi ấy, nỗi lo không phải là thiếu nguồn này mà là hệ thống điện như hiện nay có đủ năng lực hấp thụ hay không”- ông Vượng chia sẻ.
Kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Năm 2017, Việt Nam tăng trưởng 6,81%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất châu Á và toàn cầu. Đồng thời cải cách kinh tế được đẩy mạnh, tăng cường công khai minh bạch và phòng chống tham nhũng. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và công bằng. Qua đó, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra một sinh khí mới cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, cần thẳng thắn thừa nhận nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong trung và dài hạn. Trong đó một thách thức quan trọng là làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, nhờ đó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Nhấn mạnh, sau 30 năm đổi mới, kể từ năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế xã hội; Nền kinh tế Việt Nam đang trở thành một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng vào hệ thống kinh tế toàn cầu, là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực và thế giới- tuy nhiên Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta không được chủ quan và thỏa mãn với kết quả đạt được; không được phép để quán tính cỗ máy phát triển dừng lại. Vì thế, Thủ tướng cho rằng: “Trong thời gian tới, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo. Cần nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ. Đặc biệt trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng của nước ta chỉ kéo dài thêm khoảng 2 thập kỷ nữa và áp lực quốc tế ngày một gay gắt hơn”.
Tăng trưởng và phát triển là cuộc đua đường trường
Làm thế nào để tăng trưởng nhanh và bền vững? Đánh giá đây là một cách đặt vấn đề hay và quan trọng, Thủ tướng cho rằng dường như là hai mục tiêu có thể mâu thuẫn với nhau nhưng một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã đạt được. Rồi, chính Thủ tướng đặt vấn đề: Vậy, phải làm gì để đạt được cả hai mục tiêu có vẻ như mâu thuẫn này? Và, ở Việt Nam cần thực hiện hai mục tiêu này như thế nào? Phân tích, Thủ tướng nói đến 3 đòn bẩy để Việt Nam đạt được 2 mục tiêu quan trọng này. Đó là năng lượng xanh và phát triển bền vững; Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải cách quản trị rủi ro, đặc biệt trong tín dụng, thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý: Tăng trưởng và phát triển là một cuộc đua marathon đường trường chứ không phải là một cuộc chạy đua nước rút. Vui mừng với những kết quả đạt được trong năm 2017, nhưng hãy coi những thành tựu này là cơ sở để chúng ta có thể tự tin hơn trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng mạnh mẽ, từ đó tạo ra nền móng vững chãi hơn để nền kinh tế có thể tăng trưởng cao hơn trong dài hạn.
Thủ tướng nói: Chúng ta hãy cùng nỗ lực biến khát vọng thành thịnh vượng của quốc gia, của dân tộc bằng những việc làm và hành động cụ thể, tận dụng triệt để cơ hội, vững vàng vượt qua thách thức, phát huy tối đa những tiềm lực của nền kinh tế, để phấn đấu trở thành một “con hổ kinh tế” mới của châu Á.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018 Ảnh: Thống Nhất/TTXVN Trả lời câu hỏi của TS Vũ Thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) rằng điều gì khiến Thủ tướng tâm đắc nhất khi nhìn lại thành quả điều hành trong năm qua, người đứng đầu Chính phủ khẳng định đó là việc các chỉ số môi trường kinh doanh của nền kinh tế được nâng hạng, gồm năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc; môi trường kinh doanh đầu tư tăng 14 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 11 bậc và số tín nhiệm lên mức tích cực. “Nói như thế để thấy rằng các chỉ tiêu vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội được quan tâm chỉ đạo toàn diện. Nhưng cũng không thể không nhắc tới tỉ lệ đói nghèo giảm xuống để không ai bị rớt lại phía sau tăng trưởng”- Thủ tướng nói thêm. |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình- Trưởng ban Kinh tế Trung ương nêu lại câu chuyện tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 6/2017, khi ấy, các chuyên gia đánh giá kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2017, rằng mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6,7% liệu có khả thi khi tăng trưởng 6 tháng mới chỉ đạt 5,73%. “Nhưng hôm nay chúng ta ngồi đây và có thể phát biểu rằng, nền kinh tế đã có những bước bứt phá mạnh mẽ trong 2 quý cuối năm, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó tăng trưởng đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm, với môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đều được thăng hạng theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như WB và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)”- ông Bình nhấn mạnh. |