Giáo sư Nguyễn Văn Huyên với các khảo cứu dân tộc học: Nâng tầm tri thức bản địa

Phương Linh 13/01/2018 11:05

Về cuốn sách “Hội hè lễ tết của người Việt” gồm tập hợp những tiểu luận nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên về lễ-tết-hội, về tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt trong xã hội truyền thống vừa được tái bản, nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn nhận định: Nguyễn Văn Huyên rõ ràng không phải là người đầu tiên viết về phong tục tập quán của người Việt, nhưng ông có những điểm độc đáo riêng mà thế hệ tác giả đi trước chưa làm được.

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên với các khảo cứu dân tộc học: Nâng tầm tri thức bản địa

“Hội hè lễ tết của người Việt” được GS Nguyễn Văn Huyên viết bằng tiếng Pháp. Theo các nhà nghiên cứu, những tiểu luận này, trước hết, là cách trò chuyện thú vị và hấp dẫn giữa một người trí thức bản địa với những độc giả, nhà nghiên cứu Pháp, những người cũng đang mong muốn và thậm chí, tham vọng tìm hiểu Việt Nam một cách kỹ càng. Thông qua cách trò chuyện mang tính hàn lâm đó, GS Nguyễn Văn Huyên còn tiến đến những vỡ lẽ nhận thức mà ngày nay chúng ta càng thấm thía hơn: chính sự đa dạng và khác biệt văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng mới thực sự làm nên giá trị bền vững chứ không phải là hơn - kém hay ít - nhiều.

Cuốn sách cho ta trở lại đắm mình trong không khí của Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu…, cho ta hình dung rõ ràng và như được tham dự Lễ hội Phù Đổng. Những điều đặc biệt khác, như tục thờ cúng thần tiên, sự có mặt khắp chốn của thành hoàng làng, các húy kỵ sinh và tử, sự phong nhiêu của thần tiên gốc Việt…, cũng được tác giả mô tả, phân tích hết sức sinh động, tinh tế và khoa học.

Theo đánh giá của giới nghiên cứu, bởi luôn lắng nghe và suy tư về cỗi gốc dân tộc mình nên những trang viết của học giả Nguyễn Văn Huyên, sau hơn bảy mươi năm, vẫn có thể mời gọi mọi độc giả Việt hôm nay cùng đọc lại, nghĩ suy và tiếp nối hành trình đối thoại, thông hiểu lẫn nhau.

Trong cuốn sách, mỗi người có thể bắt gặp hình ảnh của mình, của làng xóm, cộng đồng xung quanh. Chẳng hạn khi viết về Tết Nguyên đán, tác giả kể: “Bọn trẻ con cũng không bị bỏ quên. Là hy vọng của tất cả các thế hệ ở nước này hơn là ở các nước khác, chúng có phần Tết của mình. Để phục vụ chúng, ở khắp nơi, đâu đâu cũng có những người bán tranh dân gian có giá trị giáo dục lớn. Bằng những nét vụng về và ngây thơ, bôi màu sặc sỡ, những bức tranh này diễn tả sinh hoạt thật là bận rộn của đồng ruộng, lớp học rất sôi động của thầy đồ cóc, đám rước vinh quy bái tổ của ông nghè chuột, theo sau là phu nhân chuột ngồi trong kiệu, tay cầm quạt. Những tranh đó gợi lại, một cách thật là sinh động và chua chát, cuộc sống của kẻ giàu và người nghèo. Chúng kể lại các sự tích anh hùng lấy từ lịch sử dân tộc: Hai Bà Trưng và nữ anh hùng Triệu Ẩu mặc chiến bào đang đánh đuổi những bọn áp bức Trung Quốc; Đinh Tiên Hoàng, người sáng lập vương triều đầu tiên của dân tộc, có khi theo truyền thuyết, đang cưỡi rồng vượt qua sông, có khi được hiện đại hóa, đang duyệt binh theo kiểu Pháp; cuộc gặp gỡ cảm động của Lý Chiêu Hoàng trẻ tuổi với Trần Cảnh, vua đầu tiên của nhà Trần,...’’ (trích “Tết Nguyên đán của người Việt Nam”).

Lễ tết là một phần lớn trong cuốn sách. Việt Nam có một số lễ tết xuyên suốt cả năm như Tết Nguyên đán (mồng 1 âm lịch), Tết Thanh minh (tháng 3), Tết Đoan ngọ (tháng 5), Tết Trung thu (rằm tháng 8), Tết Xá tội vong nhân, Tết Cửu trùng 9-9, Tết 10-10… Tết 10-10 trùng vào tết cổ truyền của người Mường khoảng cuối tháng 10 âm lịch, hay còn gọi là Tết Cơm mới, đấy cũng chính là tết cổ truyền của người Việt Nam trước khi ảnh hưởng lịch của người Trung Quốc.

Trước đây thời kỳ nhà Nguyễn có cơ quan tư thiên giám và thông thiên giám, hàng năm ban ra một lịch, nên ông Tú Xương mới nói rằng “xuân từ trong ấy ban ra”, tức ban ra lịch để cả nước theo lịch, để phân chia các tiết trong năm, tiến hành việc sản xuất nông nghiệp cũng như hội hè lễ tết. Lịch đó căn cứ vào âm dương lịch của người phương đông nói chung.

Sách của GS Nguyễn Văn Huyên có đề cập đến đầu tiên là sự phân chia của lịch pháp là người Việt Nam sử dụng âm lịch, tức tính theo vòng quay của mặt trăng đối với trái đất, nhưng 24 tiết mà người ngày xưa tính ra được lại là tính theo vòng quay của mặt trời. Người xưa với tất cả các nước trên thế giới khi sử dụng âm lịch hoặc dương lịch đều lúng túng, bởi đây là bài toán bao vật trong thiên văn học, giữa mặt trăng mặt trời và trái đất, được cái nọ mất cái kia. Do đó dân tộc này chọn dương, dân tộc kia chọn âm. Và người Việt Nam, người Mường cũng có cách tính lịch riêng, chỉ có 10 tháng chính, mỗi tháng 30 ngày, cho nên ngày xưa 30 ngày chia ra thượng tuần, trung tuần, hạ tuần. Đến khi văn minh phương tây vào Việt Nam thì “tuần” ấy mới thành 7 ngày, còn tuần của các cụ ngày xưa là 10 ngày...

Lịch cổ truyền của người Mường, do tháng 10 âm lịch là kết thúc vụ lúa mùa nên tổ chức một lễ cơm mới, còn khi du nhập của nền văn hóa phương bắc thì chúng ta có thêm Tết Nguyên đán. Và cuối cùng các triều đại phong kiến ngả về Tết Nguyên đán, coi đó là tết chính của người Việt Nam. Về Tết Đoan ngọ của người Việt Nam, trời rất nóng, khí hậu xưa cũng khác bây giờ, khí độc rất nhiều cộng theo gió lào. Ở Việt Nam cực kỳ nóng, và người ta có những nghi lễ như đeo bùa cho trẻ con, bôi màu móng chân móng tay… Tất cả nghi lễ ấy tạo ra tín ngưỡng xung quanh tết. Và sau một thời gian thiếu đói dài thì người Việt Nam lại có hoa quả để ăn, làm bánh trong Tết Trung thu. Tết Trung thu của Trung Quốc là cho người lớn còn Tết Trung thu ở Việt Nam là cho trẻ em và rất vui vẻ. Để gần như kết thúc mùa thu chuyển sang mùa đông…

Phần thứ hai cuốn sách có nói lễ tết chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, nhưng khi vào Việt Nam có độ khúc xạ nhất định. Việt Nam trong một khu nhà văn hóa Đông Nam Á nói chung, mà đặc điểm của nó là tiếp thu tất cả những văn hóa có chọn lọc từ bên ngoài khu vực vào.

Có thể khẳng định mức độ quan tâm của các trí thức đầu thế kỷ 20 về phong tục và văn hóa Việt Nam không phải chỉ duy nhất học giả Nguyễn Văn Huyên. Ngay từ đầu thế kỷ 20, trước sự có mặt của văn hóa phương tây rất nhiều nhà trí thức, kể cả những nhà nho coi là duy tân cũng đã bắt đầu quan tâm mô tả tái dựng nền văn hóa Việt Nam truyền thống. Ngay từ rất sớm, khoảng 1915 thì Phan Kế Bính đã bắt đầu viết Việt Nam phong tục và đăng những bài nhỏ trên Đông Dương tạp chí. Sau Phan Kế Bính có Đào Duy Anh với Việt Nam văn hóa sử cương… Các tác giả đó đã cho chúng ta bức tranh truyền thống, đặc biệt là những phong tục tập quán của người Việt Nam. Tuy nhiên, đến Nguyễn Văn Huyên, với lối viết khác theo phương pháp mô tả dân tộc học đã cho độc giả thấy rõ nét hơn về phong tục, tập quán người Việt Nam.

Nói về điểm độc đáo riêng của học giả Nguyễn Văn Huyên trong “Hội hè lễ tết của người Việt”, TS Mai Anh Tuấn cho rằng: Nếu chúng ta đọc kỹ những trang viết của Nguyễn Văn Huyên sẽ thấy, đằng sau sự mô tả sẽ đọc ra được cấu trúc về tâm tính, tộc người. Một trong điểm ưu thế và khác biệt của Nguyễn Văn Huyên so với các tác giả từng viết về phong tục Việt Nam chính là ông viết bằng tiếng Pháp. Lợi thế viết bằng tư duy tiếng Pháp khiến cho Nguyễn Văn Huyên về mặt tri thức ngang hàng với các học giả Pháp… Bằng các bài tiểu luận, Nguyễn Văn Huyên đã đưa những câu chuyện mang cấu trúc văn hóa Việt Nam để phương tây hiểu hơn về Việt Nam. Và cách Nguyễn Văn Huyên đưa Việt Nam đến với phương tây cũng khá dân chủ, mang tinh thần đối thoại.

Còn nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thì cho rằng: Những học giả đầu thế kỷ 20 đã khái quát được những phong tục tập quán của Việt Nam tương đối đầy đủ. Tuy nhiên phong cách của những nhà Nho như cụ Phan Kế Bính là chỉ kể ra chứ không theo phương pháp dân tộc học hiện đại nào cả. Các cụ cũng không khảo cứu ở làng nào, mà mặc nhiên ở Việt Nam có ngần này phong tục, có ngần này cái làng… Còn ở Nguyễn Văn Huyên, ông học phương pháp mô tả và nghiên cứu dân tộc học thực địa nên nghiên cứu về tết ông rất rõ, ví dụ nghiên cứu Tết Trung thu ông đề rõ ngày tháng năm nào, và khảo tả đúng ngày hôm đó Tết Trung thu diễn ra như vậy. Ưu điểm phương pháp của Nguyễn Văn Huyên cho ví dụ rất cụ thể, và có thể năm sau không còn như thế nữa. Đến bây giờ rõ ràng Tết Trung thu không giống với thời đó nữa. Phương pháp dân tộc học rất có giá trị, là minh chứng sống chứ không có mặc định Việt Nam là phải như thế”.

Phương Linh