Nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên: Những câu hỏi chờ được trả lời
Khi các trường cao đẳng (CĐ) sư phạm khó cả đầu vào lẫn đầu ra, nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên được nhiều trường xác định là trọng tâm hoạt động. Nhưng ai trao quyền, kinh phí ở đâu, bồi dưỡng thế nào là những câu hỏi không dễ trả lời.
Khó khăn bủa vây
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Điện Biên cho rằng, việc cắt giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm mới như Bộ GD&ĐT thực hiện mấy năm qua là phù hợp với tình hình chung khi lượng giáo viên dôi dư, sinh viên tốt nghiệp xong không có việc làm. Tuy nhiên, đó chỉ là nhất thời. Có thể một thời gian nữa, khi những giáo viên bây giờ nghỉ hưu thì các trường lại thực hiện nhiệm vụ đào tạo bình thường.
“Trong giai đoạn đổi mới hiện nay nhiệm vụ của các trường CĐ theo tôi có lẽ thay đổi từ việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh sang nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Bởi nếu chỉ các trường ĐH trọng điểm thì không thể hoàn thành hết nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên của địa phương ở tất cả các cấp mầm non, tiểu học, THCS. Các trường CĐ cần tham gia cùng với các trường ĐH thực hiện nhiệm vụ này” – bà Mai nhấn mạnh.
Với Trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh, mặc dù việc tuyển sinh hàng năm không quá khó khăn nhưng điều lo lắng của nhà trường đó là sắp tới, nếu tỉnh Bắc Ninh không có chủ trương tuyển dụng giáo viên mới thì học sinh nào còn vào học trường sư phạm tỉnh nhà?
Cũng đồng tình với quan điểm là chuyển hướng sang đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nhưng lãnh đạo nhà trường cho rằng hiện nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa chính thức có chủ trương này. Tỉnh cũng chưa giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở cho nhà trường nên dù rất muốn, nhà trường cũng chưa thể lên kế hoạch chuẩn bị… Bên cạnh nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên, để duy trì các hoạt động trong nhà trường khi việc tuyển sinh khó khăn, các nhà trường đã tìm nhiều cách để hoạt động.
Tại Trường CĐ Sóc Trăng, vài năm gần đây đã giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh nhưng vẫn không thể tuyển đủ. Từ đó ảnh hưởng rõ đến nguồn kinh phí được trợ cấp. Để đảm bảo các hoạt động của nhà trường, ban lãnh đạo đã phải cùng tìm hướng giải quyết, trong đó có việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và nhân sự nhà trường, tinh gọn lại quy mô lớp, học sinh các cấp học của trường Thực hành Sư phạm cho phù hợp,...
Đồng thời tăng cường hoạt động liên kết đào tạo với các trường ĐH; mở rộng các loại hình đào tạo, mở các dạng chuyên đề bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, như chia sẻ của một lãnh đạo trường CĐ sư phạm địa phương, tuy có rất nhiều cách để duy trì hoạt động của nhà trường nhưng đó đều là giải pháp trước mắt, không thể tính lâu dài. Ngay cả trong suy nghĩ của các giáo viên, cán bộ nhà trường cũng không được yên tâm vì không biết ngày mai mình sẽ đi đâu, về đâu?
Giải thể hay sáp nhập?
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, cả nước có 155 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó có 58 trường ĐH, 57 trường CĐ, 40 trường TC có ngành đào tạo giáo viên; 44 trường ĐH, 24 trường CĐ, 38 trường TC không phải là trường sư phạm nhưng vẫn đang đào tạo ngành sư phạm.
Một mạng lưới tầng tầng lớp lớp các cơ sở đào tạo giáo viên đã dẫn tới cuộc khủng hoảng thừa cử nhân sư phạm. Trong khi đó, dù đã mạnh tay cắt giảm chỉ tiêu thì hiện nay, quy mô đào tạo ngành sư phạm gồm cả hệ chính quy và đào tạo từ xa của các trường sư phạm luôn ở mức trên 50 nghìn sinh viên một năm.
Bài toán quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm đã được đặt ra từ lâu nhưng làm như thế nào, lộ trình ra sao vẫn chưa có lời giải thỏa đáng khi vấn đề này liên quan đến đời sống của hàng nghìn giảng viên cũng như hệ thống đất đai, cơ sở vật chất khổng lồ…
Chính vì vậy, dù chật vật tồn tại, trăm ngàn khó khăn bủa vây nhưng rất ít có cơ sở đào tạo sư phạm nào lại mạnh dạn đề xuất giải thể hay sáp nhật vào các ĐH khác. Hiện mới chỉ có Trường CĐ Sư phạm Hà Nam đã trở thành một phân hiệu của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, CĐ Sư phạm Trà Vinh trở thành một khoa của ĐH Trà Vinh… Tuy nhiên, con số ít ỏi này vẫn chưa thấm vào đâu so với mạng lưới bùng nhùng các cơ sở đào tạo sư phạm hiện nay. Đó là chưa kể còn vô vàn vướng mắc về mặt thủ tục nên đến nay, việc tuyển sinh của trường CĐ sư phạm Hà Nam vẫn “bỏ ngỏ”.