Nghiện điện thoại

Khánh Vân 14/01/2018 09:00

Tiến sĩ Tô Thanh Phương - Trưởng khoa Cấp tính nữ (Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I - Thường Tín, Hà Nội) cho biết, mới đây, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp nữ sinh mắc chứng trầm cảm vì quá nghiện điện thoại, mạng xã hội Facebook.

Đó là một em học sinh nữ (18 tuổi, ở Hà Nội). Theo gia đình thì con gái mình vốn là một học sinh giỏi, liên tục đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tuy nhiên, từ đầu năm học lớp 12 đến nay, lực học của nữ sinh này bỗng nhiên sa sút, thậm chí em còn sống thu mình, khép kín.

Bố của em học sinh này cho biết, vợ chồng anh phát hiện ra con gái có những biểu hiện bất thường từ ngày 20/11/2017, khi các bạn rủ đi đến nhà cô giáo chủ nhiệm chơi, Linh nhất định không đi. Tưởng con bận học nhưng vợ chồng anh cứ thấy con liên tục ôm điện thoại. Kể từ đó gia đình mới bắt đầu để ý đến những hành động của con.

Đến giữa tháng 12, lúc đi làm về anh thấy con ở nhà, gọi điện cho cô giáo thì mới biết con trốn học và lúc nào cũng cầm chiếc điện thoại. Thấy vậy, anh khuyên bảo nhưng con không nghe lời. Chỉ khi vợ chồng anh cắt mạng internet trong nhà, con gái anh mới bắt đầu bộc lộ rõ những biểu hiện bất thường. Không có mạng internet để sử dụng, con gái anh tỏ ra cáu gắt, đập phá đồ đạc trong nhà, thậm chí có hành động chống trả. Quá lo lắng, gia đình đã mời bác sĩ tâm lý đến nhưng con gái anh không hợp tác.“Dùng mọi cách không có hiệu quả, cuối cùng tôi đành phải đánh thuốc mê rồi chuyển cháu xuống Bệnh viện Tâm thần Trung ương”, người bố đau khổ chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Tô Thanh Phương, học sinh này đang điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế với bệnh nhân trầm cảm. Hiện nay tình trạng nghiện điện thoại, mạng xã hội dẫn đến trầm cảm phải nhập viện điều trị như em học sinh đang ngày càng gia tăng, các gia đình có con mắc chứng bệnh kiểu này cần phải nhẹ nhàng động viện, chăm sóc con, vì khi nhập viện đa số các cháu đều không hợp tác nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Về vấn đề này, PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn - Phó chủ tịch hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng xét trong những hành vi nghiện, hành vi nghiện facebook, điện thoại thông minh có thể là một kiểu của hành vi nghiện mới. Hành vi này chưa hoàn toàn đáng sợ xét trên bình diện hậu quả lâm sàng hay hậu quả xã hội. Nhưng xét trên bình diện độ tuổi và nhân cách của con người, hành vi nghiện này sẽ ảnh hưởng khủng khiếp đối với hoạt động học tập của học sinh.

Bàn về việc quản lý học sinh sử dụng facebook, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng có nhiều nguy cơ có thể xảy ra bắt nguồn từ mạng xã hội, nếu như không ngăn chặn từ trước thì sẽ khó giải quyết về sau. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều bậc phụ huynh. Thậm chí nhiều người còn mong muốn có thể ngăn chặn việc con cái họ tham gia mạng xã hội.

Về việc định hướng cho học sinh việc sử dụng facebook, theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, chúng ta không chỉ trách cứ các bạn trẻ mà cần hiểu và đồng cảm. Gia đình cần, định hướng và nhắc nhở con cái trong việc lựa chọn loại hình giải trí lành mạnh và sử dụng facebook, điện thoại thông minh một cách hợp lý.

Khánh Vân