Kỷ niệm 432 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm
Lễ kỷ niệm 432 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm chính thức diễn ra tại Khu Di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, ngày 14/1/2018 (tức 28 tháng 11 năm Đinh Dậu).
Đây là hoạt động nhằm tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp và công lao của danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm, qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống hiếu học, phát huy các giá trị văn hóa, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân thành phố Cảng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng). Ông mất ngày 28 tháng Giêng mùa Đông năm Ất Dậu (1585) niên hiệu Diên Thành thứ 9 đời Mạc Mậu Hợp, thọ 95 tuổi.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà học giả uyên bác, ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như tập thơ Bạch Vân (gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán còn lưu lại), hai tập Trình quốc công Bạch vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập, hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm).
Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu chất liệu hiện thực, mang tính triết lý sâu xa của thời cuộc. Đọc thơ ông là thấy cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: “Tiên thiên hạ chi ưu phi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).
Khi về ở ẩn, ông vẫn mở trường dạy học, mong đào tạo cho đời những tài năng “kinh bang tế thế”. Nhiều học trò của ông đã trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền... Có thể nói ở thế kỷ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm là “cây đại thụ”, nhà học giả, nhà triết gia lớn của Việt Nam.
Năm 1991, di tích đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích lịch sử. Năm 2016, đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là di tích quốc gia đặc biệt thứ hai của thành phố Hải Phòng, sau danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà được xếp hạng vào năm 2013.