Chủ động giám sát an toàn thực phẩm
Mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong có đó một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn”...
Tổ chức các đoàn đi giám sát ATVSTP trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh đến rợn người khi mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 người mới mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Để hạn chế tình trạng đó, tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường các hoạt động đảm bảo ATVSTP. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến, quán ăn, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể... được thực hiện quyết liệt.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Có thể nói, không có lĩnh vực nào mà vấn đề quản lý Nhà nước lại tác động trực tiếp, thường xuyên và nóng bỏng như ATVSTP. Để đảm bảo ATVSTP, đến nay, các ngành chức năng trong tỉnh liên tục triển khai các hoạt động. Trong đó, một thuận lợi lớn là năm 2017 tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện phân cấp cụ thể về hoạt động.
Ngoài phân cấp theo các sở, ngành, riêng ngành Y tế, đơn vị thường trực cũng đã thực hiện phân cấp đến tận địa phương. Nhờ đó, đã khắc phục được tình trạng kiểm tra chồng chéo hoặc bỏ sót công tác quản lý.
Theo ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban Thường trực, Ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh: Nhận thức của người tiêu dùng, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng cao. Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương ngày càng đi vào chiều sâu.
Nhờ đó, đến nay, trong sản xuất, kinh doanh rau quả tươi sống tỉnh Hà Tĩnh bước đầu đã hình thành một số vùng tập trung với tổng diện tích 117,28 ha đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP. Trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật luôn được chú trọng. Tỉnh cũng đã thành lập được 316 hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng mới và nâng cấp được 39 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung…
Tỉnh cũng hướng dẫn, khuyến khích, chỉ đạo các cơ sở sản xuất nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGAP, đảm bảo ATVSTP. Hiện, Hà Tĩnh cũng đã xây dựng được 6 vùng nuôi áp dụng quy trình nuôi tôm an toàn sinh học theo hướng VietGAP. Tại các trường học, bếp ăn tập thể, Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn liên ngành đi giám sát.
Mặt trận cùng vào cuộc
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Để nâng cao ý thức người dân đối với ATVSTP, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch để Mặt trận cùng phối hợp thực hiện. UBMTTQ tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo, triển khai đồng bộ tới hệ thống MTTQ các cấp. Do đó, thời gian gần đây, vấn đề ATVSTP, đặc biệt những vấn đề an toàn ngay trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ đã được Mặt trận đẩy mạnh tuyên truyền. Để làm được điều đó, Mặt trận đã phối hợp với Hội Nông dân tổ chức tuyên truyền tới từng người dân trong việc sản xuất thực phẩm an toàn. “Để được công nhận một KDC kiểu mẫu, một KDC văn hóa phải gắn với KDC đảm bảo an toàn. An toàn từ sản xuất, chế biến cho tới tiêu thụ”, bà Thủy nói.
Việc phối hợp với đoàn liên ngành cũng được thực hiện một cách bài bản như xây dựng kế hoạch sau đó tiến hành tham gia trên tất cả các loại hình. Vừa qua có rất nhiều vụ việc trên địa bàn Hà Tĩnh được các ngành chức năng, trong đó Mặt trận tham gia phối hợp giám sát. Thông qua đây, Mặt trận tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên, mà trước hết là các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền trong các hội viên, đoàn viên của tổ chức này để nâng cao hơn nhận thức của người dân và để người dân hiểu.
Tuy nhiên, bà Thủy cũng cho rằng, cán bộ Mặt trận không có chuyên môn cao về ATVSTP nên các cấp, các ngành cần tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ làm công tác này. Đồng thời yêu cầu phải có cán bộ làm công tác này cùng tham gia giám sát. Ví dụ, khi giám sát về an toàn trong thực phẩm thì phải có Sở Y tế cùng vào cuộc. Nếu làm được việc này thì mọi việc sẽ được thực hiện dễ dàng hơn.
“Rõ ràng, giám sát ATVSTP không phải cứ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, khua chiêng gõ trống, một năm vài lần là xong mà cần áp dụng quy trình tương tự như điều tra. Phải có sự đầu tư cho lực lượng thanh tra ATTP. Đây phải là đội ngũ thực sự chuyên nghiệp, có tâm, dám phát hiện, ngăn chặn thực phẩm bẩn đến với cộng đồng. Bên cạnh thanh tra, cũng cần phát huy tốt vai trò của người dân trong phát hiện các vụ việc, cơ sở không bảo đảm ATTP. Phải làm sao để cá nhân, tổ chức nào mới manh nha ý định sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn nhằm thu lợi bất chính thì ngay lập tức sẽ ý thức được rằng họ đang đối mặt với tai mắt của nhân dân, với hệ thống kiểm tra, hậu kiểm chặt chẽ”, bà Thủy thẳng thắn nói.