Cổ vật hồi hương: Xe kéo hoàng cung về kinh thành Huế
Nhà Tả Trà thuộc khu vực cung Diên Thọ, nơi ở của các thái hậu, hoàng thái hậu, trong mấy năm qua trở thành nơi thu hút du khách tham quan hoàng cung Huế.
Hiện vật được trưng bày tại nhà Tả Trà, khu vực cung Diên Thọ, hoàng cung Huế - Ảnh: TTO.
Trong nhóm cổ vật trưng bày, du khách đặc biệt chú ý đến chiếc xe kéo bằng gỗ khảm trai nguyên vẹn, sang trọng và quý phái. Đây là chiếc xe được cho là do vua Thành Thái đặt làm tặng mẹ là hoàng thái hậu Từ Minh vào đầu thế kỷ trước. Đặc biệt, đây là cổ vật hồi hương gần như duy nhất ở VN do một cơ quan nhà nước thắng đấu giá ở nước ngoài.
Hiện vật giá trị
Giữa năm 2014, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế được "mách nước" bởi một sử gia rằng có hai hiện vật quý giá thuộc hoàng cung triều Nguyễn sắp được văn phòng Rouillac, TP Tours, Cộng hòa Pháp tổ chức đấu giá. Đó là chiếc xe kéo nói trên và chiếc "long sàng" được xác định có nguồn gốc hợp pháp.
Hồ sơ kèm theo cho hay hiện vật do chính nhà vua nhượng cho ông Prosper Jourdan, chỉ huy đội cận vệ của nhà vua (có lẽ do Pháp đặc phái). Việc sang nhượng này kèm theo một giấy tay của nhà vua.
Hiện vật được chuyển về Pháp năm 1907, được chủ nhân mới trân quý, giữ gìn cẩn thận, từng được đưa đi trưng bày tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Dijon (Bourgogne, Pháp) và nhận được nhiều sự chú ý.
Sau khi tham khảo nhiều chuyên gia trong giới cổ vật và văn hóa lịch sử, trung tâm di tích đã đề xuất và được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế duyệt chi tạm thời 50.000 USD (tương đương 33.000 euro lúc ấy) để tham gia đấu giá hai món cổ vật. Cán bộ Đại sứ quán VN tại Pháp và một số Việt kiều đồng ý hỗ trợ, trực tiếp đấu giá.
Tại phiên đấu giá ngày 13/6/2014, ông Phan Thanh Hải - giám đốc trung tâm di tích - nối máy trực tiếp với một Việt kiều để theo dõi và quyết định. Theo lời ông Hải, chiếc "long sàng" số hiệu 84 với giá khởi điểm từ 1.000 euro, được đẩy giá lên 100.000 euro kèm theo 24% chi phí là 124.000 euro nên ta... thôi.
Kế tiếp là chiếc xe kéo số hiệu 85, giá khởi điểm 2.000 euro, sau đẩy lên 44.000 euro. Phía VN nâng lên 45.000 euro và trúng đấu giá. Kèm theo 24% chi phí, giá của xe lên đến 55.800 euro, gần gấp đôi số tiền duyệt chi của UBND tỉnh. Ông Hải cho biết: "Dù không đủ tiền nhưng những hiện vật này độc bản, vừa có giá trị hiện vật, vừa có giá trị về lịch sử văn hóa nên tôi quyết định mua".
Giấy tay của vua Thành Thái ký bán chiếc xe kéo. Ảnh: TTO.
Vướng "luật"
Sự việc trở nên kịch tính ngay sau phiên đấu giá, người phụ trách trưng bày của Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet, Paris là bà Katia Mollet tuyên bố nhà nước Pháp đã đề nghị mua chiếc xe này cùng giá nói trên.
Bà Katia Mollet viện dẫn "quyền ưu tiên mua" của nước sở tại: các tổ chức thuộc nhà nước được quyền ưu tiên mua hiện vật đấu giá bằng giá trúng trong các cuộc đấu giá bất kỳ tại Pháp. Tình hình lúc ấy khá rối bời, vì hầu như không ai có nhiều kinh nghiệm trong tình huống tương tự thế này.
Có khá nhiều nhà chuyên môn, đáng chú ý trong đó là GS Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, là một trong những người có ý kiến tư vấn xác đáng. Theo ông Lê, Bảo tàng Guimet là một bảo tàng về văn hóa phương Đông nổi tiếng, bảo quản một khối lượng hiện vật lớn, trong đó có một số hiện vật quý của VN và thường tổ chức những cuộc trưng bày đạt hiệu quả cao. Họ đã bảo quản tốt một số di vật VN và qua các cuộc trưng bày, góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa VN ra thế giới.
Việc họ giành mua lại chiếc xe kéo của vua Thành Thái mà ta đã trúng đấu giá, cũng không ngoài mục đích bổ sung cho bảo tàng của họ. Không nên đặt vấn đề tranh kiện mà là vận động để họ không giành quyền mua lại xe kéo. Vận động có nhiều cách, trước hết nên trực tiếp với Bảo tàng Guimet thông qua tùy viên văn hóa của Đại sứ quán VN tại Pháp. Đồng thời vận động qua một số cơ quan văn hóa Pháp như các viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó có những nhà VN học hiểu biết về VN.
GS Phan Huy Lê nói lúc ấy: "Nếu chúng ta vận động một cách có tình, có lý, chắc rằng Bảo tàng Guimet sẽ vui lòng rút lui ý kiến giành mua lại cổ vật mà chúng ta đã trúng đấu giá. Khi vận động không có kết quả, chúng ta mới nghĩ đến những giải pháp khác, trong đó có sự can thiệp của cơ quan chính phủ!".
Một cuộc vận động và tác động từ các cơ quan ngoại giao, cơ quan văn hóa lẫn những nhân vật có uy tín, gồm cả GS Phan Huy Lê sau đó diễn ra rất nhanh chóng, mạnh mẽ.
Chiếc xe kéo đã được phía Pháp "nhường" lại cho trung tâm di tích Huế mua về. Ngày 17/4/2014, hiện vật được chuyển về Hà Nội. Đến ngày 21/4/2014, xe được đưa về Huế và trưng bày tại nhà Tả Trà...
Về đến Hà Nội lúc ấy, chiếc xe kéo trở thành tiền lệ vì chưa từng có cổ vật nào do cơ quan nhà nước mua đấu giá đưa về như thế nên hiện vật bị quy vào hàng nhập khẩu, muốn thông quan trung tâm di tích phải đóng gần 130 triệu đồng tiền thuế VAT, tương đương 10% giá mua chiếc xe. Theo ông Phan Thanh Hải, trung tâm di tích và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét và sau đó, Bộ Tài chính đã đồng ý hoàn lại tiền thuế đã đóng.
Ông Phan Thanh Hải cho rằng do nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan mà di sản văn hóa VN đã bị mất mát quá nhiều. Hiện nay, trong rất nhiều cuộc đấu giá trên thế giới có hiện vật quý của VN, vì không chủ động được nguồn tiền lẫn thông tin nên rất nhiều thứ quý giá của đất nước đã bị vuột khỏi tầm tay.
Băn khoăn Nhiều nhà chuyên môn rất băn khoăn về lai lịch của "chiếc xe do đích thân vua Thành Thái đặt làm để tặng mẹ là hoàng thái hậu Từ Minh" như trong hồ sơ khẳng định, bởi trên xe gần như không có "chỉ dấu hoàng gia" nào. Cho dù hồ sơ kèm theo có cả giấy viết tay của vua Thành Thái bán đồ cho ông Prosper Jourdan (gồm cả chiếc xe kéo) nhưng nội dung mua bán không nhắc đến việc xe vua tặng mẹ. Vì vậy nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng có thể do người môi giới thêu dệt để bán cho được giá, và "chuyện đó vẫn thường xảy ra trong mua bán cổ vật". Tuy vậy, theo giới đồ cổ, chiếc xe thuộc hàng quý hiếm nên giá cả nói trên là tương đối rẻ so với thị trường cổ vật VN. Việc đánh giá này dựa trên các thông số sau: đúng xuất xứ từ hoàng cung triều Nguyễn; kiểu dáng sang trọng, phần khảm nạm trang trí tuyệt đẹp, đặc biệt là sự nguyên vẹn gần như hoàn hảo... |