Quảng Nam thực hiện tốt công tác tinh giảm biên chế
Tại Quảng Nam, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, từ 2015 đến 2017 toàn tỉnh đã tinh giản được 1.441 biên chế.
Hiện 100% các địa phương, đơn vị tại Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021 gắn với việc xây dựng Đề án vị trí việc làm.
Quảng Nam sẽ tinh gọn lại bộ máy, biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập. (Ảnh: Một góc TP Tam Kỳ, Quảng Nam).
Trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ tập trung đẩy mạnh làm tốt công tác tinh giảm biên chế. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Sáng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược công tác cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do Tỉnh ủy Quảng Nam vừa tổ chức.
Theo đó, ngoài giải pháp quyết liệt của mỗi cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị, tỉnh sẽ điều chỉnh biên chế công chức, viên chức theo đúng lộ trình.
Cụ thể, trên tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị; Nghị định 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 của Chính phủ và Kết luận số 17-KL/TW của Bộ Chính trị; đồng thời thực hiện Kế hoạch số 177-KH/TU, ngày 18/6/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như Kế hoạch số 2140/KH-UBND, ngày 22/5/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về triển khai thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (giai đoạn 2015-2021).
Tại Quảng Nam hiện nay 100% các địa phương, đơn vị tại Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021 gắn với việc xây dựng Đề án vị trí việc làm.
Trong đó, số lượng đăng ký thực hiện tinh giản biên chế đến năm 2021 là 3.489 biên chế (giảm thêm 270 biên chế so với số lượng được phê duyệt tại định số 1728/QĐ-UBND của UBND tỉnh và đạt tỷ lệ giảm 9,5% so với tổng biên chế giao).
Qua 3 năm (2015-2017) triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 của Chính phủ, đến nay Quảng Nam đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
Trong đó, tổ chức bộ máy từng bước được củng cố, kiện toàn gắn với quy định chức năng, nhiệm vụ đáp ứng tốt nhiệm vụ tham mưu, quản lý, điều hành; các đơn vị sự nghiệp công lập được quy hoạch, phân loại chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp điều kiện thực tế.
Theo đó, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP (tính đến ngày 30/11/2017), toàn tỉnh đã tinh giản được 1.441 biên chế.
Trong đó: Khối Đảng có 42 biên chế; khối Nhà nước: 1.399 biên chế (gồm:188 cán bộ, công chức (CBCC), 1.204 viên chức (VC) và 07 biên chế thuộc doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Tỷ lệ tinh giản biên chế so với tổng biên chế giao là 3,8%, so với tổng biên chế thực hiện là 4,46%. Trong đó, tỷ lệ tinh giản biên chế cán bộ, công chức là 4%; viên chức là 4,65%.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hứu Sáng nhận định: “Qua số liệu trên cho thấy, việc thực hiện tinh giản biên chế của tỉnh Quảng Nam là khá tốt so với bình quân chung cả nước (tỷ lệ bình quân cả nước tinh giản CBCC là 0,83%, VC là 0,54%).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, điều đáng lưu ý là hầu hết các trường hợp tinh giản biên chế khối Nhà nước là các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi của viên chức ngành y tế, giáo dục và đào tạo (viên chức giáo dục đào tạo là 985 trường hợp, y tế 118 trường hợp); các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khác số lượng CBCCVC tinh giản biên chế còn thấp, chưa bảo đảm tỷ lệ theo lộ trình tinh giản của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hữu Sáng.
Ông Nguyễn Hữu Sáng cũng nhận định, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế ở một số địa phương, đơn vị chưa quyết liệt; cá biệt có địa phương, đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức có số lượng biên chế tăng so với hiện nay; việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan, đơn vị còn chậm, thiếu quyết liệt.
Việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chưa tinh giản đúng đối tượng không đạt chuẩn (năng lực, đạo đức, sức khỏe).
Đối tượng tinh giản chủ yếu là viên chức ngành y tế, giáo dục và đào tạo; các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khác số lượng cán bộ, công chức viên chức tinh giản biên chế còn thấp, chưa bảo đảm tỷ lệ theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trong những khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng tinh giảm biên chế của địa phương hiện nay là công tác nhận xét, đánh giá cán bộ ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa đảm bảo thực chất nên việc xét tinh giản biên chế khó khăn.
Công tác đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát có mặt chưa được kịp thời, thường xuyên nên tiến độ triển khai thực hiện so với lộ trình của Trung ương và tỉnh đề ra còn chậm.
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn, hạn chế nêu trên, Sở Nội vụ đang đề xuất một số giải pháp, biện pháp đến UBND tỉnh Quảng Nam để có giải pháp thực hiện việc tinh giảm biên chế tại địa phương có hiệu quả trong thời gian tới.
Theo đó, có 5 nhóm giải pháp mà Sở Nội vụ đang trình UBND tỉnh là chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Trung ương, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam và UBND tỉnh về tinh giản biên chế. Tiến hành thực hiện điều chỉnh giảm biên chế.
Trong đó: Điều chỉnh giảm 6% biên chế công chức năm 2018 và lộ trình từ năm 2019 đến năm 2021, mỗi năm giảm thêm 1,5% so với biên chế được Bộ Nội vụ giao năm 2015 (3.609 biên chế) tiến tới mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với biên chế giao năm 2015 (giảm 379 biên chế).
Đồng thời, cũng tiến hành điều chỉnh giảm biên chế viên chức từ năm 2018 đến năm 2021, mỗi năm giảm 2,5% tổng biên chế viên chức UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2015 (giao 33.168 biên chế), để đến năm 2021 đạt mục tiêu tổng biên chế viên chức của tỉnh giảm 10% theo quy định (tương ứng với giảm 3.316 biên chế).
Riêng đối với biên chế viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo, từ năm 2019 đến năm 2021, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm rà soát quy mô trường lớp, số lượng học sinh tại địa phương để điều hòa giáo viên, chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu hoặc báo cáo UBND tỉnh xem xét bố trí biên chế (tăng/giảm) để tỷ lệ giáo viên/lớp tại các cấp học đảm bảo theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nội vụ và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
UBND tỉnh cũng cho phép điều chỉnh giảm biên chế những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện nay không thuộc đối tượng áp dụng tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tin giản biên chế...
Cùng với các giải pháp trên, UBND tỉnh cần chỉ đạo, cho phép đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp có nguồn thu sự nghiệp.
Cùng với đó là cần phải có sự tăng cường kiểm tra, giám sát và cơ chế khuyến khích để đảm bảo những người có năng lực tiếp tục yên tâm công tác.