Nhạc sĩ Hoàng Dương: Dáng huyền tha thướt đê mê!
Mồng 3 Tết Đinh Dậu, tức ngày 30/1/2017, nhạc sĩ Hoàng Dương qua đời ở tuổi 84. Thật buồn cười khi có ai đó có lần đã nói rằng ghép bất cứ địa danh nào khác như Sài Gòn, Huế, Hải Phòng vào câu gọi “Hà Nội ơi!” đều được và do vậy ca khúc không hẳn nói lên được khí chất Hà Nội khi bình luận về tác phẩm “Hướng về Hà Nội”.
Nhạc sĩ Hoàng Dương.
Bởi vì thực ra cho đến giờ này, chắc có lẽ “Hướng về Hà Nội” vẫn là tác phẩm mang không khí Hà Nội nhất trong số những bài hát về Hà Nội và nó, đương nhiên có một vị trí đặc biệt. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta hiểu rằng, nhạc sĩ Hoàng Dương sinh ra ở làng Canh - Diễn, ông là con trai của một danh nhân văn hóa đất Hà thành - cụ Trúc Khê Ngô Văn Triện. Hơn nữa, ông là người được đào tạo về khí nhạc - Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Ngô Hoàng Dương là người có công đầu xây dựng bộ môn cello và khoa đàn dây của Nhạc viện Hà Nội.
Cho nên, “Hướng về Hà Nội” không phải chỉ là một bài hát, nó là một tác phẩm thanh nhạc mà có lần NSND Quang Thọ khẳng định là “một kiệt tác”, khi không cần hát lên thành lời thì rõ ràng đây là một tác phẩm độc tấu cho đàn violoncell “đầy chất trữ tình tự sự”.
Nhắc đến Hoàng Dương trước hết là nhắc đến một nhà soạn nhạc. Ông viết các tác phẩm thính phòng như Bài ca chung thủy, Hát ru, Sonatine, Bài ca Hạ Long, Bài ca không lời, Mơ về trái núi Thiên Thai, Tây Nguyên tươi đẹp, bản Concerto số 1 viết cho violoncell và dàn nhạc… Ông cũng là một người thầy mẫu mực đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ. Trong đó, đặc biệt là cặp đôi nghệ sĩ cello nổi tiếng Ngô Hoàng Quân – Trần Thị Mơ là con trai và con dâu ông.
Không phải người làm khí nhạc nào cũng viết ca khúc nhưng nếu đã viết bài hát ấy nhất định khác với những nhạc sĩ chỉ viết ca khúc. Hoàng Dương là nhạc sĩ không viết nhiều ca khúc, nếu không kể đóng góp của ông ở phần khí nhạc và công lao gây dựng, đào tạo, giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thì chỉ với một “Hướng về Hà Nội” ông đã xác lập một vị trí để ở lại, trong lòng người hâm mộ. Giai điệu da diết, ca từ đẹp đẽ với ánh đèn, hàng liễu và đặc biệt là người con gái Hà thành với "áo màu tung gió chơi vơi”, “dáng huyền tha thướt đê mê, tóc dài thả gió lê thê” mãi mãi là tình yêu ông gửi lại!