Nhà thơ Thanh Tùng: Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Nhà thơ Thanh Tùng quê gốc Nam Định nhưng lớn lên ở Hải Phòng, sau này ông chuyển vào sinh sống ở TP Hồ Chí Minh và qua đời ở đó ngày 12/9/2017. Ông có nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ hay nhưng có lẽ do bài thơ Thời hoa đỏ được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc quá nổi tiếng khiến công chúng nhớ đến ông là chỉ nhớ tới Thời hoa đỏ.
Nhà thơ Thanh Tùng.
Bài thơ "Thời hoa đỏ" được nhà thơ Thanh Tùng viết vào khoảng năm 1972, khi ấy cuộc hôn nhân của ông cùng người vợ ở đất cảng Hải Phòng đã đổ vỡ. Nỗi bi thương về cuộc tình dang dở trở thành nguồn cảm hứng cho những câu thơ làm run rẩy trái tim người đọc: Trong câu thơ của em anh không có mặt/ Câu thơ về một thời yêu đương tha thiết/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say. Bài thơ sau khi in báo đã được một nhà làm sách tuyển vào cuốn 99 bài thơ tình. Và cuốn sách cũng tình cờ nằm trong ba lô của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng trong chuyến ông đi Nga năm 1989.
Do quá lạnh, nhạc sĩ phải nằm viện vì bị ho nặng và trong phòng bệnh ông đọc cuốn sách mang theo, những câu thơ: “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi…” lập tức vang lên thành nhạc điệu… Bản thu âm đầu tiên do ca sĩ Lệ Thu hát.
Nhà thơ Thanh Tùng từng làm nghề khuân vác trên bến cảng Hải Phòng, sau đó chuyển sang làm công nhân đóng tàu. Thời kỳ bài thơ "Thời hoa đỏ" được phổ nhạc, ông đang làm nghề bán sách. Ông kể rằng lần đầu ông nghe thấy bài “Thời hoa đỏ” do ca sĩ Thái Bảo hát trên sóng radio là khi ông đang bán sách ở vỉa hè. Bài hát khiến ông tưởng mình như đang được bay lên.
Nhưng Thanh Tùng không phải chỉ có những câu thơ rất hay trong bài “Thời hoa đỏ”, ông còn là tác giả của nhiều bài thơ và tập thơ khác, tài hoa không kém. Trong đó có những câu như: Hà Nội ơi, nguồn mộng mơ dày như cỏ mùa xuân/Mỗi khi tôi thấy mình xơ xác/ Tôi lại về đánh cắp/ Dẫu một chút bóng đêm trên đường phố Khâm Thiên/ Dẫu một mảnh lá vàng còn ướt nước Hồ Gươm/ Tôi rung lên mỗi khi chạm bóng cửa ô/ Như được chạm vào vai gầy áo mẹ/ Tôi bé nhỏ và tôi vẫn thế/ Trái tim luôn xao động/ Như bên trong vẫn đầy ắp sóng Hồ Tây/ Vội vã trở về, vội vã ra đi/ Chẳng kịp nhận ra từng con phố… trong bài thơ “Hà Nội” đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ thành bài hát “Hà Nội ngày trở về”.
Hoặc có những câu thơ xuất sắc mà nói như tác giả Đỗ Anh Vũ trong bài báo viết về ông khi nghe tin ông mất là nó đã bị cái bóng của Thời hoa đỏ che mất như: Thành phố gầy như ngực mẹ tôi/Tôi không dám mạnh chân sợ mặt đường long nhựa/Không dám cả cười buông thả/Sợ bao vết thương bom đạn vẫn chưa lành trong bài “Trở về” hoặc: Mai tôi đi rồi/Tôi có khóc đâu mà gió ướt/Mà nắng rát lên tôi mặn chát/Mai tôi đi rồi/Để lại đây tiếng búa khắc vào hồn phố/Cùng mộng mơ lảng vảng cuối con đường…
Nhà thơ ra đi nhưng hình ảnh một thi sĩ buồn vấn vương vì tình yêu dang dở vào đúng những tháng ngày đắm say trong cuộc đời thì còn mãi, trong thơ và nhạc.