Nhà thơ Việt Phương: Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi
Nhà thơ Trần Việt Phương tên thật là Trần Quang Huy, sinh năm 1928 tại Hà Nội, qua đời ngày 6/5/2017, thọ 89 tuổi. Ông là tác giả của rất nhiều tập thơ, trong đó “Cửa mở”, xuất bản năm 1970, được đánh giá là một hiện tượng thơ, một sự kiện văn học, một sự kiện xã hội vào thời điểm nó ra đời. Tuy nhiên, tác giả tập thơ "Cửa mở" lại được dư luận chú ý hơn ở góc độ một con người chính trị.
Nhà thơ Việt Phương.
Cuộc đời của nhà thơ Việt Phương có một nét thẳng băng, số phận gần như an bài để ông sinh ra là trở thành người giúp việc, người tư vấn gần gũi nhất cho nhiều thế hệ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Chính phủ. Khi mà 19 tuổi, năm 1947 ông đã trở thành thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lúc đó đang là Phó thủ tướng, rồi kể cả sau này khi bác Phạm Văn Đồng là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng. Một chặng đường dài tới 53 năm. Trước đó, cậu thanh niên Trần Quang Huy từng đậu tú tài thời Pháp thuộc, đã tham gia Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, từ năm 1945 đến năm 1947, là bộ đội Nam tiến tham gia kháng chiến chống Pháp.
Trong thời gian 53 năm làm thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Việt Phương cũng có thời gian tham gia vào nhóm các cán bộ giúp việc cho Tổng bí thư Lê Duẩn, đồng thời là thành viên chủ lực của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Sau này khi đã ở tuổi nghỉ hưu ông vẫn là Ủy viên thường trực của Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Ủy viên thường trực Ban Nghiên cứu đổi mới của Thủ tướng Phan Văn Khải…
Số phận ấy ắt phải bắt đầu từ khả năng đặc biệt nhờ thiên phú và tự phấn đấu của ông, để đạt được phẩm chất và năng lực đủ để các nhà lãnh đạo phát hiện ra và tin tưởng lựa chọn. Đồng thời, cũng thấy, cuộc đời không màng vụ lợi của những người thuộc thế hệ như ông khi sự gần gũi đặc biệt với các nhà lãnh đạo cấp cao không phải để mưu cầu chức quyền cho riêng mình. Có lẽ, sự quen thân với các nhà lãnh đạo chỉ đem lại “ưu ái” cho ông khi tập thơ “Cửa mở” ra đời năm 1970 chỉ trong vòng 2 tuần sau phát hành đã bán hết 5.300 bản, với những suy tưởng mới mẻ đi trước thời đại, dù cũng gặp chút trắc trở, thì sau đó tập thơ vẫn được lưu hành bình thường.
Với tập thơ “Cửa mở”, nhiều năm sau, người ta vẫn cảm thấy rung động với những câu thơ vừa giản dị, vừa đầy cách tân, mang đậm tính triết lý khi đặt lại những vấn đề về tư tưởng, nhận thức và tình cảm của người Việt Nam vào những năm tháng ấy. Những câu thơ như: Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa/ Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương hoặc Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin/ Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả/ Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ/ Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn… đã thổi vào thơ ca một tư duy mới và nhiều năm sau khi đất nước đổi mới, tinh thần đi trước thời đại của nhà thơ Việt Phương càng ngày càng được minh chứng sinh động. Điều đáng nói là con người chính trị của nhà thơ Việt Phương đã mang đến cho thơ ca một vẻ đẹp khác: Ta hiểu được những ai đã sai và có thể còn sai/ Và chất người trong ta cộng sản thêm chút nữa/ Trút vỏ thần tượng đi càng lồng lộng con người… Mà như chính quan niệm thẩm mỹ ông từng chia sẻ về thơ: "Thơ là kết tinh sáng tạo của tình yêu sự sống và con người thể hiện bằng ngôn ngữ mà hay và đẹp nhất là hồn nhiên và giản dị".
Năm 2008, nhà thơ Việt Phương in tập thơ thứ 2: Cửa đã mở. Sau đó, ông liên tiếp in những tập thơ mới: Bơ vơ đông đảo (2009), Cỏ dọc đường trần (2009), Nhặt nắng trong sương (2011), Sống (2012), Lan (2013) và Nắng (2013). Trong đó Lan là tập thơ mang tên người bạn đời ông rất yêu mến – Trần Tú Lan. Ngay cả trong cư xử với những người thân yêu ông cũng có cách thật đặc biệt. Ví dụ tên thật Trần Quang Huy của ông được đặt tên cho người con trai thứ hai. Còn tên Việt Phương thì được ông đặt cho cháu nội đích tôn là Trần Việt Phương.
Đằng sau cuộc đời của một con người chính trị luôn luôn dằn vặt và trăn trở: Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng/ Thời gian nâng đòi hỏi mãi cao thêm /Đến trọn đời, từng giờ là cộng sản/ Những nỗi đau ta cũng sáng búa liềm, Việt Phương đích thị là một thi sĩ, nhà thơ hiện đại Việt Nam với cảm hứng chủ đạo là Tổ quốc, Nhân dân và những triết lý nhân sinh về cuộc sống, con người. Ngay cả những câu thơ tình yêu của ông nồng hậu một tình yêu mọi con người: Chẳng được nhìn em dù trong giấc mộng/ Càng thêm yêu những cặp yêu nhau/ Đời bật đèn xanh cho sự sống/ Ta hồi sinh trong mỗi cái hôn đầu.