Có chồng vẫn là mẹ đơn thân
Đơn thân quả thật không dễ dàng với phụ nữ, dù bạn là ai. Nhưng có một thực tế khác, rằng trong cái thế giới mà chúng ta đang sống có biết bao những kiếp đơn thân trong những gia đình có đầy đủ cả vợ lẫn chồng.Chồng hay là người vô hình trong nhà?
Đầu tháng 12, NXB Phụ nữ cho ra mắt cuốn sách "Hành trình đơn thân" - tự truyện của Vũ Minh Họa. Tác giả là phóng viên tự do, một người đã đi qua những khổ đau của phận mình và đã quyết định sống khác với những điều từng tâm niệm. Chị đã kể lại những câu chuyện đời thường, chân thực và sống động của một phụ nữ, một người vợ từng chịu đựng nỗi đau bị phụ tình, những khó khăn đã trải qua, những cung bậc cảm xúc sau khi hôn nhân tan vỡ.
Đơn thân quả thật không dễ dàng với phụ nữ, dù bạn là ai. Nhưng có một thực tế khác, rằng trong cái thế giới mà chúng ta đang sống có biết bao những kiếp đơn thân trong những gia đình có đầy đủ cả vợ lẫn chồng.
Mạng xã hội Facebook phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, là một công cụ rất tốt để người với người hiểu nhau hơn. Nhưng cũng là cơ hội cho cái ảo ẩn nấp. Người có kinh nghiệm hiểu rằng cần hoài nghi với những hình ảnh phô bày trên đó. Đây là tâm sự của một nữ nhân viên văn phòng: Bạn bè ai cũng bảo tôi thật hạnh phúc có người chồng biết thể hiện tình cảm yêu thương. Đa số đàn ông lấy vợ rồi thì đều miễn cho mình rất nhiều hành động chăm sóc mà họ bao biện là hình thức. Thế nhưng chồng tôi mỗi ngày đều gửi cho vợ những tin nhắn ướt át, kèm theo những hình ảnh “cặp đôi hạnh phúc”, lại còn để chế độ public để ai cũng có thể xem được. Tôi đều đặn nhận được hoa hồng và socola … trên Facebook vào những dịp Noel, 14 tháng 2 hay mùng 8 tháng 3… Nhưng mấy ai biết rằng tất cả chỉ là ảo mà thôi. Tôi vẫn cứ lùi lũi một mình trong những ngày đó, không được tặng dù chỉ một cánh hoa. Chồng tự coi đã chăm sóc tinh thần cho vợ vào đầu ngày đặc biệt, thỉnh thoảng lại vào Phây đáp lễ những cảm thán của bạn bè. Xấu chàng hổ ai, tôi nào dám than thở , kể cả với bạn thân. Thế nhưng đỉnh cao là một lần tôi ốm, buổi sáng chồng dậy sớm chúc vợ mau khỏe trên Phây, xong còn đưa hình bát cháo nóng bốc hơi.
Thực tế thì anh ấy làm việc đó trong lúc chờ ăn phở buổi sáng ở ngoài quán. Chồng không một câu hỏi thăm, thậm chí là qua điện thoại trong cả một ngày hôm đó. Đã thế tối anh ấy còn về muộn, đầy hơi men và quên phắt là tôi đang ốm, định vật ra để… chốt một ngày có niềm vui trong công việc. Đáp lại sự giận dỗi của tôi, ông chồng vô tâm chỉ cười kiểu xí xóa: Anh xin lỗi, anh bận quá nên quên mất. Thực tế là chồng luôn quên tôi trong mỗi ngày, trong nhiều năm. Nhưng anh ấy không nhận ra điều đó. Có thể vì là một người ham Phây, thường xuyên lên mạng, đọc những lời ca tụng của mọi người cho nên anh ấy đinh ninh là mình đã sống chuẩn.
Còn đây là câu chuyện của một phụ nữ ngoài 40 tuổi. Trong hơn chục năm lập gia đình, chị chưa đón một giao thừa nào có chồng ở bên. Chồng chị là nhà báo làm thời sự ở một cơ quan truyền thông lớn cho nên năm nào anh cũng buông bát đũa là vội vã đi trực đêm 30. Nhưng cho đến khi anh đã lên cấp phụ trách thì tình hình cũng không khá hơn, vì anh không phải làm trực tiếp nữa nhưng lại phải có mặt ở cơ quan vào thời khắc giao thừa để cùng với lãnh đạo đi chúc tết các đơn vị. Chị bảo chưa bao giờ có cảm giác cô đơn như những đêm 30 đó, nhất là trong lúc lọ mọ sửa soạn mâm cỗ cúng giao thừa ở ngoài ban công, nhìn sang các nhà hàng xóm thấy người ta ríu rít chồng chồng vợ vợ con con một nhà. Hì hục thắp hương mâm cỗ cúng giao thừa, một mình. Hóa vàng sau đó, một mình. Dắt con đi xem pháo hoa, cũng một mình nốt. Có năm chị bật khóc vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ với năm mới đó, chỉ vì đã nhắc anh nhớ điện thoại cho vợ vào lúc đó mà anh cũng chẳng nhớ. Gần đây, chị tìm ra một phương thuốc mới. Đó là sau giao thừa chị điện thoại cho một cô bạn gái làm mẹ đơn thân. Hai người cố tránh nói chuyện không vui vào thời điểm đó nhưng trong chị không thoát nổi cảm giác tủi thân, chị nào có khác một bà mẹ đơn thân trong những thời điểm nhạy cảm như thế.
Phác thảo chân dung chồng hờ
Có câu chuyện về một bác sĩ mà tôi ám ảnh khá lâu. Anh là một con người nhiệt huyết, hết mình trong công việc. Đồng nghiệp và bệnh nhân yêu quý anh, thậm chí dân ở đảo mà anh tình nguyện dấn thân trong gần hết cuộc đời làm nghề coi anh như một vị thánh sống. Bởi vì anh đã luôn có mặt bên họ trong những lúc hiểm nguy ngặt nghèo nhất của bệnh tật, nơi mà ít có điều kiện về chăm sóc y tế. Thế nhưng anh không thể phân thân để trọn vẹn cả công tư. Người vợ của anh nơi quê nhà đã luôn phải gánh cả vai bố và mẹ cho cô con gái duy nhất. Anh đã không thể có mặt trong những ngày quan trọng như ngày con gái vào lớp 1, ngày con tốt nghiệp đại học...
Thậm chí, trong ngày cưới con, anh chỉ về kịp để lên sân khấu, nghe người ta xướng tên bố vợ. Trong một chương trình khen tặng những tấm gương hy sinh của ngành, cô con gái anh đã bật khóc khi nói về bố, cô khóc vì thương mẹ mình. Dĩ nhiên khi chương trình được biên tập để lên tivi, người ta đã cắt đoạn đó bởi âm hưởng là ca ngợi hình ảnh tận tụy, hy sinh. Có ai nói với anh rằng mặt trái của tấm huân chương chính là hành trình đơn thân lặng lẽ của người phụ nữ chung tên với anh trong một bản hôn thú?
Không khó để nhìn thấy những phụ nữ có chồng mà vẫn là mẹ đơn thân ở xung quanh chúng ta. Những người phụ nữ một mình đưa con đi chơi ở trung tâm thương mại, thậm chí là đi nghỉ ở những resort sang trọng. Không khó để nhìn thấy nỗi buồn vương trên mắt của những người đàn bà ăn vận có thể rất sang trọng, ký các hóa đơn không cần nhìn kỹ. Hôn nhân chỉ tồn tại trong tờ giấy đăng ký kết hôn, bởi người chồng của họ hoặc đang bận bịu công việc nào đó, hoặc đang bận mải với một ai đó. Hoặc đơn giản chỉ vì anh ta đặt trách nhiệm đem lại những niềm vui sum họp cho vợ con vào hàng cuối cùng của thang bậc nghĩa vụ. Có người đàn ông phải đến khi vợ mất đi rồi mới bàng hoàng nhận ra, ông ta chưa bao giờ biết vợ mình thích ăn món gì, điều gì khiến người ấy cười hay bật khóc. Dễ thấy sự chia sẻ giữa cặp đôi ấy không thể nào tương xứng hai chữ: bạn đời. Lại có một nhà văn chia sẻ: Tôi không bao giờ rủ chồng ngắm phố phường hay là đi xem phim cùng. Bởi vì anh ấy luôn sốt ruột, hoặc không ngớt nghe điện thoại khiến tôi cảm thấy mình bị rơi vào tình cảnh lố bịch. Nhìn những cặp đôi khác, con cái đã vào đại học mà còn tay trong tay bước vào rạp chiếu phim, không quên mang theo gói bỏng ngô y như bọn tuổi teen tôi thấy thèm và ngán cho thân mình. Chia sẻ thì chồng bảo đó là cái thói tiểu tư sản rởm.
Sống vui không cần anh
Đây là phản xạ của một phụ nữ hiện làm trưởng đại diện một hãng dược của nước ngoài tại Việt Nam. Sau những thất vọng vì bị bỏ rơi triền miên, chị đã tự thu xếp cuộc sống không tính đến người đàn ông trong gia đình. Chị phát hiện ra, giờ đây mẹ con đã có thể thanh thản sống đúng như mình muốn. Ngày trước, khi ông tham gia vào các cuộc vui thì không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề bởi một “hung thần” hay la mắng và bắt lỗi. Nhà có cái xe nhưng mỗi khi phải chở cả nhà đi đâu là “ông chủ” đều có thái độ như ban phát. Lên xe bọn trẻ đố dám ho he, nếu muốn bật nhạc to lên thì cũng rón ra rón rén, chỉ sợ bố nổi cơn thịnh nộ bất thường. Càng được mở mắt với thế giới bên ngoài, mới càng thương cho trẻ con nhà mình. Chúng là nạn nhân của sự thô bạo mang danh nề nếp gia đình. Cái sự nề nếp trên bảo dưới nghe hoàn toàn một chiều, thiếu vắng sự tôn trọng con trẻ như một con người.
Lâu dần, chính mình cũng bị nhiễm cái tính xấu ấy của chồng, hay gắt gỏng với bọn trẻ chỉ vì luôn lo sợ nếu bọn trẻ làm điều gì đó vượt ra ngoài... khuôn khổ sẽ bị ba la rầy, không khí gia đình sẽ đầy bão tố, mà mình thì vốn thần kinh yếu, nên đành đe nẹt bọn trẻ để... phòng. Nhiều khi nghĩ lại, thấy mình cũng đã hơi quá, lại thấy ân hận... Chỉ riêng một điều này đã đủ làm bọn trẻ vui sướng với cuộc sống “chỉ ba mẹ con”. Ấy là vào đêm Noel năm vừa rồi, lần đầu tiên mẹ con đi chơi qua đêm. Sau khi dạo quanh bờ Hồ, chụp ảnh, sà vào vài hàng quà đêm, ba mẹ con thuê một chiếc xích lô lang thang đi khắp các con phố của thủ đô, hưởng cái không khí phiêu du, không lo có người cấm cản.
Dám cần, dám buông
Một người bạn khi tôi hỏi vì sao không li dị vì cuộc sống chung hoàn toàn chỉ là hình thức, phần nào còn giày xéo lòng tự trọng của một con người. Đáp lại là một câu tỉnh rụi: Bỏ nhau thì mỗi tháng cả cái nhà này cho thuê cũng chỉ thu về hơn chục triệu, trong khi bây giờ mình chỉ tốn có 1 phòng cho lão… trọ mà thu về ba chục triệu. Ấy là chị đang tính toán đến khoản tiền mà chồng hờ bắt buộc phải chi do vẫn bị chị ràng buộc trách nhiệm với con cái.
Vậy đó, hôn nhân cũng như tình yêu, mọi giải pháp đều chỉ là tương đối. Người trong cuộc tệ nhất là không biết mình thực sự cần gì. Còn khi đã hiểu rõ về nhu cầu của bản thân thì dám cần, dám buông - đó là ứng xử khôn ngoan nhất.