Gánh nặng bệnh tật và kinh tế do thuốc lá
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Y tế công cộng và HealthBridge Canada tại Việt Nam, tổng chi phí cho điều trị và mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh bao gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ và nhồi máu cơ tim do hút thuốc gây ra là 24 nghìn tỷ đồng, chiếm 0.97% tổng GDP của cả nước vào năm 2011.
Ảnh minh họa.
Những con số đáng lo ngại
Theo Bác sĩ, thạc sĩ Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam, chi phí y tế trực tiếp cho khám và điều trị nội trú và ngoại trú là 10.856,9 tỷ đồng, chi phí do mất khả năng lao động do tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá là 9.563,5 tỷ đồng và chi phí do mất khả năng lao động vì bệnh tật liên quan đến hút thuốc lá là 2.718,9 tỷ đồng.
Trong 5 nhóm bệnh được nghiên cứu, tổng chi phí cho bệnh ung thư phổi lớn nhất chiếm 35,7% tổng chi phí (8.279 tỷ đồng), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có tổng chi phí lớn thứ hai chiếm 31,4% tổng chi phí (7.276,8 tỷ đồng).
“Tổng chi phí này tạo ra gánh nặng lên gia đình và xã hội. Trong đó, hộ gia đình phải chịu hoàn toàn các khoản chi phí do mất khả năng lao động do bị bệnh và tử vong sớm. Gánh nặng của khoản chi phí điều trị nội trú được chia cho ba bên: nhà nước, các cơ quan bảo hiểm và gia đình bệnh nhân.
Chi phí của nhà nước và bảo hiểm chiếm khoảng 46%-67% tổng chi phí tùy theo từng nhóm bệnh. Tính trung bình ngân sách nhà nước trả 40% chi phí điều trị nội trú, hộ gia đình trả 40.8% và 19,2% chi phí điều trị nội trú là từ bảo hiểm y tế” – Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh cho biết.
Cũng theo bà Phạm Thị Hoàng Anh con số trên là kết quả khảo sát nghiên cứu từ năm 2011 đến nay chắc chắn nó đã vượt xa và lớn hơn rất nhiều. Điều đáng lo ngại nhóm người nghèo có xu hướng hút thuốc nhiều hơn người giàu.
Tình trạng hút thuốc lá nhiều hơn ở nhóm người nghèo có xu hướng làm gia tăng sự nghèo đói bởi những lý do như: họ phải cắt giảm tiền mua lương thực, thực phẩm, hay tiền học hành của con cái để mua thuốc lá, họ dễ mắc bệnh hơn vì điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe hạn chế, họ bị suy giảm khả năng lao động do bệnh tật hay mất sớm.
Theo các chuyên gia, dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông song giá thuốc lá rẻ chính là nguyên nhân làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác PCTH của thuốc lá.
Theo tính toán thì trong 20 năm qua, giá thuốc lá sau khi đã điều chỉnh lạm phát hầu như không tăng, thậm chí giảm.
Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên thuốc lá ngày càng trở nên dễ tiếp cận về phương diện giá. Điều này là một nghịch lý khi giá thực phẩm và thuốc chữa bệnh thì ngày càng trở nên đắt đỏ và tăng với tốc độ chóng mặt
Theo tính toán thì giá trung bình của một bao thuốc lá hai mươi điếu có xu hướng giảm (12.700 đồng Việt Nam/bao năm 2010 và 11.819 đồng Việt Nam/bao năm 2015 sau khi đã hiệu chỉnh lạm phát).
“Giá thuốc ở Việt Nam quá rẻ so với các quốc gia, với giá 1 bao thuốc rẻ nhất chỉ là 6000 đồng/bao, phổ biến là ở mức dưới 20 nghìn đồng/bao, trong khi đó công tác quản lý bị thả nổi, bất kỳ đối tượng, độ tuổi nào cũng dễ dàng mua được thì rất khó để giảm tỷ lệ hút thuốc ”- BS Phạm Thị Hoàng Anh nói.
Tăng thuế: Giảm hút
Có thể khẳng định rằng thuốc lá đã mang đến gánh nặng về bệnh tật, kinh tế rất lớn không chỉ đối với một cá nhân, gia đình mà với cả xã hội, Nhà nước.
“Giải pháp hữu hiệu để hạn chế thuốc lá là tăng thuế thuốc lá. Thuế cao hơn sẽ được chuyển hóa vào giá và làm tăng giá thuốc lá. Người tiêu dùng phản ứng với sự tăng giá bằng cách giảm tiêu dùng. Đối với một bộ phận dân cư giá thuốc cao hơn sẽ khiến họ không bắt đầu hút thuốc. Vì thế tăng thuế sẽ khiến một số người hút thuốc lá bỏ thuốc, một số người giảm hút thuốc và ngăn chặn một bộ phận người dân không bắt đầu hút thuốc” – Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh nhấn mạnh.
Thực tế tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm vận động tăng thuế thuốc lá do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Quỹ PCTHTL), Bộ Y tế phối hợp với Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi tổ chức mới đây các chuyên gia cũng cho rằng, nếu tăng thuế thuốc lá để đẩy giá giá bán lẻ tăng thêm 10% sẽ giúp giảm 4% tiêu dùng thuốc lá tại các nước có thu nhập cao và giảm khoảng 8% tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Đối với Việt Nam để giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc lá xuống còn 39% vào năm 2020 cần phải áp dụng phương án thuế hỗn hợp, nghĩa là kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối với mức tăng 5.000 đồng/bao.
Để hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Tài chính đã hoàn tất dự thảo đề xuất Chính phủ tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng việc tăng thuế sẽ là nguyên nhân làm tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng gia tăng và phức tạp.
Về nhận định này Ths BS Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ chương trình Quốc gia, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định: Ở Việt Nam buôn lậu thuốc lá thực chất không có mối tương quan với mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hay thấp. Điều này cũng được thể hiện trong kinh nghiệm từ nghiên cứu về gu tiêu dùng thuốc lá lậu và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác.
Cụ thể qua phân tích số liệu từ 76 quốc gia cho thấy tại các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp, tình trạng buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế thuốc lá cao. Hơn nữa, nhiều quốc gia đã kiểm soát buôn lậu thuốc lá thành công ngay cả khi thuế và giá thuốc lá tăng cao.
Chú thích ảnh:
Thuốc lá gây ra 25 bệnh khác nhau, trong đó có 15 bệnh ung thư.
Áp dụng mức thuế 5000 đồng/bao, tỷ lệ hút thuốc nam giới sẽ giảm được 6.3%, đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, đồng thời ngân sách tăng thêm 10.800 tỷ đồng/năm (theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia kinh tế và y tế). |